Trung tướng Nguyễn Văn Chia (nguyên Tư lệnh Quân khu 7): Cảm hóa kẻ thù bằng lòng nhân đạo

34 năm trước, Trung tướng Nguyễn Văn Chia là Đoàn trưởng Đoàn Bình Giã, chỉ huy mũi thọc sâu đánh vào Tây Nam Sài Gòn, đánh chiếm Biệt khu thủ đô ngụy. Ông không thể quên ký ức ngày 30-4 năm ấy.
Trung tướng Nguyễn Văn Chia (nguyên Tư lệnh Quân khu 7): Cảm hóa kẻ thù bằng lòng nhân đạo

34 năm trước, Trung tướng Nguyễn Văn Chia là Đoàn trưởng Đoàn Bình Giã, chỉ huy mũi thọc sâu đánh vào Tây Nam Sài Gòn, đánh chiếm Biệt khu thủ đô ngụy. Ông không thể quên ký ức ngày 30-4 năm ấy.

Khi nhận trọng trách trên một hướng chiến dịch, tôi rất lo lắng nhưng không để lộ ra khi bàn bạc với các đồng chí trong ban chỉ huy. Lúc ấy tôi là Đoàn trưởng, Chính ủy đoàn là đồng chí Lê Văn Dũng (hiện nay là Đại tướng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) và Phó quân sự là đồng chí Nguyễn Văn Tấn (sau này là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 9).

Chúng tôi quyết định phương án: Cùng lúc đánh yếu khu Vĩnh Lộc, thọc sâu theo hướng Bà Quẹo, tiếp cận mục tiêu để rạng sáng 30-4 đồng loạt tiến công trên hướng chủ yếu. Tôi và Chính ủy Lê Văn Dũng ngồi cùng một xe để bàn bạc chỉ huy trực tiếp.

Khi chiếm Biệt khu thủ đô, tôi phân công đồng chí Nguyễn Văn Tấn ở lại quân quản, còn tôi và chính ủy chỉ huy 2 tiểu đoàn đánh vào Dinh Độc Lập. Nếu táo bạo vượt qua công viên Tao Đàn đánh vào phía sau thì chúng tôi đã vào dinh sớm hơn! Cuối cùng chúng tôi vào dinh sau Quân đoàn 2 khoảng 15 phút. Tôi cử tham mưu trưởng Giang ở lại trao đổi tình hình tác chiến với đơn vị bạn rồi cùng Chính ủy Lê Văn Dũng đưa lực lượng ra quân cảng Bạch Đằng, rồi quay lại Biệt khu thủ đô. Tại đây đã để lại nhiều ấn tượng không thể quên được.

Vợ chồng Trung tướng Nguyễn Văn Chia cùng các con.

Vợ chồng Trung tướng Nguyễn Văn Chia cùng các con.

Trong khuôn viên biệt khu, tướng tá ngụy còn chưa kịp hoàn hồn, mặc dù các chiến sĩ ta duy trì trật tự khá điềm tĩnh. Thiếu tướng ngụy Lâm Văn Phát, tư lệnh biệt khu, cùng các sĩ quan ngụy đang ngồi nguyên tại vị trí dưới sự quản lý của bộ đội ta. Ngay lúc đó, điện thoại từ các quận, huyện gọi về xin chỉ thị của Lâm Văn Phát. Tôi yêu cầu ông Phát nói trên điện thoại: “Các quận tổ chức cho anh em thu gom súng vào kho, giải tán binh sĩ, chờ quân giải phóng đến bàn giao...”.

Ông Phát chấp hành ngay, rồi trình bày hoàn cảnh: “Tôi mới nhậm chức này được một tuần. Khi Dương Văn Minh lên thì ổng kéo tôi ra làm!”...

Tôi hỏi:

- Sao ông không di tản theo Mỹ?

Ông Phát trả lời:

- Tôi hiểu chính sách nhân đạo của các ông. Hơn nữa tôi có chí hướng của tôi. Ông biết đó, 2 chiếc trực thăng của tôi vẫn đậu sẵn sàng ở đây. Thú thật với ông, vừa rồi phó tư lệnh của tôi đòi quyết tử với Quân giải phóng, tôi không cho. Hắn tự sát rồi!

Tôi kiểm tra thấy đúng là viên phó tư lệnh biệt khu đã dùng súng Col tự bắn vào đầu, nằm chết trong phòng. Đang hỏi chuyện thì vợ Lâm Văn Phát gọi điện tới. Ông Phát quay ra nói với tôi: “Bả đang hốt hoảng, không hiểu tôi sẽ sống chết ra sao?”.

Tôi nói ngay:

- Ông đưa máy tôi nói với bả!

Ông Phát vội vàng trao máy. Tôi nói:

- Tôi là chỉ huy lực lượng tiếp quản của Quân giải phóng tại biệt khu. Chị cứ yên tâm. Chúng tôi đối xử nhân đạo, đàng hoàng, lịch sự với những người chấp thuận đầu hàng. Nếu không có gì thay đổi thì ngày mai ông ấy sẽ được về thăm nhà.

Chị ta mừng quýnh lên nói hấp tấp:

- Được như vậy thì tôi yên tâm lắm! Xin đa tạ các ông!

Nói vậy, nhưng sau khi báo cáo cấp trên, ngay tối hôm đó (30-4) chúng tôi cho phép vợ con tướng, tá ngụy đến đón họ về nhà.

Nhớ lại ngày lịch sử ấy, tôi tự hào thấy chúng ta đã xử sự với hàng binh đầy lòng nhân ái, khoan dung và lịch thiệp. Nhờ vậy mà sau đó những người bên kia chiến tuyến đã phải nghĩ lại, hiểu đúng chúng ta và cảm thấy hối hận nhiều.

Hai ngày sau đó, tôi xin cấp trên về Trảng Bàng (Tây Ninh) đón người yêu lên thăm đơn vị, thăm Sài Gòn. Chúng tôi từng gặp nhau, yêu nhau trong chiến tranh. Cô ấy là y tá trong rừng. Cuối năm 1975 thì chúng tôi làm lễ cưới. Con trai của chúng tôi hiện nay là thượng úy quân đội

ĐÀO VĂN SỬ ghi

Tin cùng chuyên mục