Chiều nay, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn:

Nghiên cứu cải cách chế độ tiền lương hiện hành vào năm 2011

Trong báo cáo trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội vào đầu giờ chiều nay, 18-11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn tập trung chủ yếu vào 3 nhóm vấn đề: nâng cao đạo đức công vụ, khắc phục hiện tượng tiêu cực trong tuyển dụng, bổ nhiệm; trách nhiệm quản lý nhà nước và chấn chỉnh những lệch lạc trong công tác thi đua, khen thưởng; nâng cao hiệu quả việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính.
Nghiên cứu cải cách chế độ tiền lương hiện hành vào năm 2011
  • Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: Sẽ khắc phục bất cập trong điều hành xuất khẩu gạo
  • Từ loạt bài trên Báo SGGP, đại biểu chất vấn về công nghiệp điện tử
  • Đã trình Thủ tướng dự thảo Quy chế trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp

(SGGPO).- Trong báo cáo trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội vào đầu giờ chiều nay, 18-11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn tập trung chủ yếu vào 3 nhóm vấn đề: nâng cao đạo đức công vụ, khắc phục hiện tượng tiêu cực trong tuyển dụng, bổ nhiệm; trách nhiệm quản lý nhà nước và chấn chỉnh những lệch lạc trong công tác thi đua, khen thưởng; nâng cao hiệu quả việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính.

Theo đó, sau gần 5 năm thực hiện, Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2003-2007 đã đạt được những kết quả quan trọng, nhiều mục tiêu của Đề án đã được thực hiện sớm hơn dự kiến (như điều chỉnh nâng mức lương tối thiểu chung nhanh hơn tiến độ đặt ra trong Đề án và tiếp cận gần hơn mức tiền công trên thị trường lao động).

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: Minh Điền

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của các đại biểu.
Ảnh: Minh Điền

Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng tổ chức sơ kết, đánh giá thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công trong hai năm 2008 và 2009 và nghiên cứu cải cách chế độ tiền lương hiện hành vào năm 2011 cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Liên quan đến sự tùy tiện và không loại trừ có tiêu cực trong việc xét, trao giải thưởng tôn vinh tập thể, cá nhân - vừa qua gây xôn xao dư luận với sự kiện sản phẩm của Công ty Vedan được trao giải “Vì sức khỏe cộng đồng” - Bộ trưởng Tuấn cho biết, các giải thưởng trên không nằm trong các hình thức tôn vinh đã được Luật Thi đua, Khen thưởng điều chỉnh.

- Lần đầu tiên trong hơn 60 năm xây dựng và phát triển của Nhà nước ta, Bộ thủ tục hành chính của cả nước đã được công bố, với trên 5.000 thủ tục hành chính, được quy định trong khoảng 7.000 loại văn bản ban hành trong cả hệ thống hành chính.

- Trong năm 2010, kiên quyết thực hiện giảm tối thiểu 30% các quy định về thủ tục hành chính. Đây là mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2 thực hiện Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính (Đề án 30).

Tuy nhiên, Luật cho phép các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các hình thức động viên phù hợp đối với cá nhân, tập thể để kịp thời nêu gương tốt trong lao động, sản xuất công tác. Theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, hiện nay có hơn 100 loại giải thưởng khác nhau; trong đó, có nhiều giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp. Bên cạnh các giải thưởng có chất lượng, đánh giá đúng thành tích doanh nhân, doanh nghiệp, cũng đã có một số cơ quan, đơn vị đứng ra tổ chức không đúng chức năng, nhiệm vụ, chưa đủ năng lực tổ chức và tài chính, dẫn đến việc tổ chức xét, trao giải thưởng tràn lan, thậm chí còn thương mại hoá. Trước tình trạng trên, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu, tổ chức hội thảo lấy ý kiến các cơ quan liên quan. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí về việc cần thiết phải ban hành Quy chế đối với việc xét, trao giải thưởng tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp. Dự thảo Quy chế đã được Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

* Trước đó, trong buổi sáng, phần chấn vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khiến diễn đàn Quốc hội khá "nóng" với nhiều bức xúc từ vùng ĐBSCL, trong đó có vấn đề giá lúa gạo.

ĐB Lê Thanh Liêm (Long An) nhắc lại quyết định dừng xuất khẩu gạo năm 2008 và hỏi ngoài nguyên nhân khách quan, còn có thông tin nguyên nhân là do Hiệp hội lương thực Việt Nam, Tổng Công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) ký hợp đồng bị “hớ” giá: “Việc lập công ty “con” của Vinafood 2 ở Singapore khiến cạnh tranh không lành mạnh, nông dân lãnh đủ?”. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết ông “không có thông tin chính thức gì về việc hiệp hội lương thực vì động cơ này, động cơ nọ về giá để can thiệp vào quyết định dừng xuất khẩu gạo”.

Về vụ công ty “con”, Bộ trưởng cho biết Vinafood 2 thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nên “xin chuyển” cho bộ này. “Chủ trương của nước ta là không chỉ khuyến khích vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mà còn khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài để mở rộng thị trường, đẩy nhanh hội nhập hiệu quả. Vì thế, tôi nghĩ việc Vinafood 2 lập công ty ở nước ngoài là phù hợp với chủ trương chính sách” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định.

ĐB Lê Thanh Liêm không đồng tình: “Tôi muốn hỏi bộ trưởng ở góc độ thương mại, công ty “con” của Vinafood 2 có bán phá giá lúa gạo hay không?”. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời: “Theo quy định của Hiệp hội lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp khi xuất khẩu gạo không được xuất thấp hơn giá sàn. Nếu doanh nghiệp nào vi phạm sẽ bị xử lý. Nhưng xin thưa thật, tôi không có thông tin chính thức việc công ty “con” của Vinafood 2 có bán phá giá hay không. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra để trả lời đại biểu”.

Được Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát giải trình thêm: “Công ty ở Singapore của Vinafood 2 là công ty trực thuộc và đây là công ty thuộc sở hữu nhà nước, không phải công ty của cá nhân nào. Kết quả hoạt động của công ty này cũng nhằm để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Vinafood 2 là đẩy mạnh tiêu thụ lúa gạo. Khi có thông tin công ty này bán gạo giá thấp, Tổng Giám đốc Vinafood 2 đã giải trình trước công luận là có tình trạng bán giá thấp hơn nhưng vẫn trong phạm vi cho phép của Hiệp hội lương thực Việt Nam. Tôi sẽ cho kiểm tra chặt chẽ để báo cáo lại với đại biểu Quốc hội”.

Mang một bức xúc khác, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho biết giá thu mua gạo ở ĐBSCL cao nhất chỉ đạt 83% so với giá sàn của Hiệp hội lương thực Việt Nam (3.800 đồng/kg), thấp nhất chỉ bằng 53% so với giá sàn. “Như vậy có hợp lý không, người nông dân lãi được bao nhiêu?”, đại biểu này đặt câu hỏi. ĐB Danh Út (Kiên Giang) thì phân tích: “Xuất khẩu gạo tăng 30% về lượng nhưng giá trị giảm 7,38%. Nguyên nhân do Việt Nam có quá nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo và có tình trạng bán phá giá?”. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích, để đáp ứng chỉ đạo của Thủ tướng về bảo đảm nông dân lãi 30% trong vụ hè - thu, mức giá sàn để thu mua lúa gạo là 3.800 đồng/kg. Chính phủ đã giao Bộ Tài chính và Hiệp hội lương thực Việt Nam khảo sát cập nhật giá thành sản xuất lúa gạo ở vùng ĐBSCL. Qua báo cáo cho thấy giá thành sản xuất ở mức từ 2.012 – 3.190 đồng/kg và đây là cơ sở để đưa ra mức giá sàn thu mua cho người sản xuất lúa. “Chúng tôi cũng thấy có một số vấn đề. Chẳng hạn một số thương nhân có lúc chưa tích cực khi thu mua lúa gạo, nhất là khi giá xuất khẩu không tốt. Mặt khác, giá thành sản suất ở từng địa phương chênh nhau khá lớn, nên việc đưa ra một mức giá sàn chung để thu mua có thể chưa phù hợp lắm, cần tính toán thêm” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Trả lời câu hỏi của ĐB Danh Út, Bộ trưởng cho biết năm 2009 dự kiến sẽ xuất từ 6 đến 6,2 triệu tấn gạo, tăng 30% về số lượng nhưng do biến động giá lớn nên kim ngạch không bằng năm 2008. Theo thống kê, Việt Nam hiện có 205 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo nhưng trong đó 11 doanh nghiệp lớn đã chiếm khoảng 70% tổng lượng gạo xuất khẩu. Theo Bộ trưởng, mặt tích cực của tình trạng này là có nhiều doanh nghiệp góp phần tiêu thụ hết lúa gạo cho nông dân, nhưng mặt trái là có thể có lúc diễn ra tình trạng tranh mua, tranh bán. Hiện Bộ Công thương đang xây dựng nghị định mới về điều hành xuất khẩu gạo. Theo đó, sẽ thắt chặt quản lý hơn theo hướng đưa xuất khẩu gạo vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện (doanh nghiệp phải có kho tạm trữ được ít nhất 20 ngày, có kinh nghiệm xuất khẩu gạo, xuất với giá không thấp hơn giá sàn…). “Hy vọng khi nghị định được ban hành sẽ khắc phục từng bước tình trạng bất cập hiện nay trong điều hành xuất khẩu gạo, bảo đảm lợi ích của người nông dân” - ông Hoàng nói.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Khá tiếp tục chất vấn: “Thương lái tích cực thì mua giá cao, không tích cực thì mua giá thấp. Làm sao giải quyết?”. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận đây là một thực tế, dẫn đến có lúc lúa gạo không được mua hết, có lúc lại đạt giá cao, gây tình trạng hỗn loạn trên thị trường. Giải pháp khắc phục được đề ra là sẽ đề cao vai trò tích cực của các tổng công ty nhà nước trong thu mua lúa gạo. Bổ sung thêm vào vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết đã xây dựng các phương án và đang tiến hành lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ ban hành vào tháng sau. Theo đó, sẽ tiếp tục cho nông dân vay vốn ưu đãi để mua vật tư, máy móc phục vụ cho sản xuất; tiếp tục hỗ trợ giống mới; có chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thu mua lúa tạm trữ; hình thành 1 quỹ để thu mua lúa cho dân với mức giá bảo đảm nông dân thu lãi tối thiểu 30%.

Trả lời những băn khoăn của ĐB Võ Minh Thước (Phú Yên) về vấn đề quy hoạch thủy điện, và những ảnh hưởng sau các cơn bão ở miền Trung vừa qua, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định tất cả các công trình thủy điện hiện nay đều được thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt. Không phải sau những cơn bão vừa qua câu chuyện quy hoạch thủy điện mới được để ý tới. Trước đó, Chính phủ luôn yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, khảo sát, phát hiện những bất cập trong thực hiện quy hoạch thuỷ điện để điều chỉnh kịp thời. Do điều kiện nhân lực có hạn nên đến nay mới kiểm tra được ở 1/3 trong số 35 địa phương có thủy điện. “Qua đó, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề cần được xem xét, chỉnh sửa. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có cách nhìn công bằng và khách quan đối với thủy điện, nhất là thủy điện ở miền Trung” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Cũng trong buổi sáng nay, từ loạt bài viết trên Báo SGGP, đại biểu Trần Du Lịch đã chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về một vấn đề đáng báo động: công nghiệp điện tử, ti vi, máy tính của Việt Nam sau một thời gian phát triển nay đã trở về “con số… 0 tròn trĩnh”. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận đây là một thực tế đáng buồn. Đã từng có một thời gian, các sản phẩm điện tử Việt Nam như Vietronic, Hanel… được người tiêu dùng ưa chuộng vì mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý thì nay đã vắng bóng. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nguyên nhân trước hết là do chính sách và chiến lược phát triển có vấn đề, và ở đây có trách nhiệm của Bộ Công thương. Thứ hai là chính sách về đầu tư, hiện ngành điện tử có mức cạnh tranh rất khốc liệt, nên “cơ chế chính sách có lẽ cần tính toán thêm để khuyến khích doanh nghiệp trong nước”. Thứ ba là nguồn nhân lực vừa yếu, vừa thiếu. Bộ trưởng cho biết Chính phủ đang chỉ đạo để xây dựng chiến lược về vấn đề này.

ANH PHƯƠNG - HÀM YÊN

Tin cùng chuyên mục