Ngày đầu chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội

Chưa thấy rõ giải pháp cụ thể

Hiệu quả hỗ trợ lãi suất, căng thẳng tỷ giá, giá vàng “điên loạn”, tăng trưởng tín dụng cao, quản lý báo chí, những bất cập về nội dung thông tin trên Internet, trò chơi trực tuyến... là những vấn đề được đề cập nhiều nhất tại phiên chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp hôm qua, 17-11.
Chưa thấy rõ giải pháp cụ thể
  • Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu: Không phá giá VND

Hiệu quả hỗ trợ lãi suất, căng thẳng tỷ giá, giá vàng “điên loạn”, tăng trưởng tín dụng cao, quản lý báo chí, những bất cập về nội dung thông tin trên Internet, trò chơi trực tuyến... là những vấn đề được đề cập nhiều nhất tại phiên chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp hôm qua, 17-11.

  • Tiền Việt mất giá hàng năm
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Nếu nước ta ở giai đoạn bình thường thì tăng trưởng tín dụng ở mức 3,85 lần so với GDP. Ở các nước trong khu vực, tỷ lệ này khoảng 1-1,3 lần. Tín dụng tăng cao nhưng chúng ta giám sát chặt chẽ.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Nếu nước ta ở giai đoạn bình thường thì tăng trưởng tín dụng ở mức 3,85 lần so với GDP. Ở các nước trong khu vực, tỷ lệ này khoảng 1-1,3 lần. Tín dụng tăng cao nhưng chúng ta giám sát chặt chẽ.

Phần trả lời chất vấn của Thống đốc Nguyễn Văn Giàu được rất nhiều ĐBQH quan tâm, bởi theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, “tiền tệ, tín dụng, ngân hàng” là điểm nhấn quan trọng ở kỳ họp này. ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) hỏi, để VND trượt giá, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và Thống đốc NHNN đến đâu?

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu trả lời: Hàng năm đồng tiền Việt Nam mất giá là “có thực”. Mặc dù NHNN luôn theo đuổi mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền, nhưng vấn đề này còn liên quan đến cơ cấu và hiệu quả nền kinh tế: “Sắp tới thị trường hóa giá xăng dầu, giá than, tăng lương tối thiểu, chắc có tác động. Chúng tôi sẽ cùng các bộ, ngành xây dựng phương án để điều hành một cách tốt nhất”.

Liên quan đến hiệu quả gói kích cầu, ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) nói thẳng: Chỉ có 20% DN được tiếp cận gói kích cầu, như vậy, không thể nói gói kích cầu này rất hiệu quả.

Kết thúc phần chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý 4 vấn đề “hậu” chất vấn. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Thống đốc phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu, đề ra các giải pháp tháo gỡ, tính tới việc sửa đổi các quy định bất hợp lý để tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Về quản lý ngoại tệ, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, sẽ “có không ít việc phải làm”. NHNN cần có giải pháp hữu hiệu để ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ và thị trường vàng. Liên quan đến an toàn hệ thống ngân hàng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị cần tăng cường xử lý nợ, hạn chế tối đa nợ xấu. Cuối cùng, NHNN cần phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan để kết hợp tốt chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, ngăn ngừa lạm phát quay trở lại.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu lý giải, gói hỗ trợ lãi suất chỉ lựa chọn một số đối tượng trực tiếp sản xuất, xuất khẩu, có nhiều lao động… để hỗ trợ. Theo số liệu thống kê, hiện có khoảng 102.000 DN được tiếp cận vốn hỗ trợ lãi suất, trong khi theo VCCI nước ta hiện có khoảng 360.000 DN. “Như vậy, nói chỉ 20% DN tiếp cận gói kích cầu là không phù hợp lắm” – Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nhận định.

ĐB Danh Út (Kiên Giang) chất vấn tiếp, theo Quyết định 479, nông dân phải đáp ứng được 8 điều kiện mới được vay. Vì thế, người nông dân “với tay không tới”, khó tiếp cận nguồn vốn này. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Công thương sửa đổi ngay, và phía NHNN đã kiến nghị sửa đổi một số vấn đề như: bỏ thủ tục xác nhận của chủ tịch UBND cấp xã; không giới hạn mức vay 7 triệu đồng.

Trả lời băn khoăn của một số đại biểu về tình trạng tiêu cực trong cho vay hỗ trợ lãi suất, người đứng đầu NHNN cho biết đến nay chỉ mới có 1 trường hợp tiêu cực ở Đồng Tháp và đã bị xử lý nghiêm: “Rất mong DN và người dân khi phát hiện tiêu cực hãy thông báo cho NHNN. Chúng tôi cam kết sẽ xử lý kiên quyết”.

  • Nhiều sức ép lên tỷ giá

Nhiều ĐBQH là DN bức xúc về vấn đề tỷ giá. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu thừa nhận từ năm 2007 đến nay thị trường ngoại hối diễn biến khá phức tạp. Nếu như năm 2007 nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) và kiều hối đổ vào Việt Nam lên đến gần 9 tỷ USD, thì năm 2008 và 10 tháng đầu năm 2009 lại sụt giảm mạnh. Tính đến nay, nguồn vốn FII ở mức âm 500 triệu USD. Bên cạnh đó, nhập siêu cũng gây sức ép lớn lên thị trường ngoại hối. Năm 2008, nhập siêu đến 18 tỷ USD; 10 tháng đầu năm 2009 nhập siêu 8,9 tỷ USD, và dự báo trong 2 tháng còn lại của năm có thể nhập siêu khoảng 3 - 3,5 tỷ USD. Tính từ cuối năm 2008 đến nay, VND mất giá so với USD khoảng 5,18%.

Đại biểu Phạm Thị Loan chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Giàu

Đại biểu Phạm Thị Loan chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Giàu

ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho biết, hiện doanh nghiệp muốn mua USD rất khó. Tỷ giá trên thị trường tự do cao hơn giá chính thức tới 300 - 400 đồng/USD: “Phải chăng tỷ giá chính thức của NHNN không phản ánh đúng thực tế?”.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, giải pháp khắc phục nhanh nhất là thắt chặt chính sách, nhưng lại mâu thuẫn với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng: “Nhiều ý kiến cho rằng cần phá giá VND, nhưng điều này rất nguy hiểm vì nợ quốc gia rất cao, chỉ riêng nợ của DN đã khoảng 17 tỷ USD. Vì thế, chúng ta phải giải quyết dần khó khăn bằng các biện pháp điều hành linh hoạt, không thể giải quyết tức thời”.

Tuy nhiên, ĐB Phạm Thị Loan phản bác: “Căng thẳng ngoại hối không phải do thiếu ngoại tệ mà do hiện tượng găm giữ?”. Thống đốc trả lời: “Hiện chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ về nguồn ngoại tệ bổ sung. Nhưng đây là vấn đề lớn và nhạy cảm, xin được báo cáo riêng”.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM): Không nên vì quá chú trọng tăng trưởng mà gia tăng tín dụng, “neo” tỷ giá, làm tăng cầu ngoại tệ. Cứ đạt 1 đồng tăng trưởng, phải chi ra 8 đồng tín dụng. Có nước nào như vậy?

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM): Không nên vì quá chú trọng tăng trưởng mà gia tăng tín dụng, “neo” tỷ giá, làm tăng cầu ngoại tệ. Cứ đạt 1 đồng tăng trưởng, phải chi ra 8 đồng tín dụng. Có nước nào như vậy?

Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) kiến nghị Chính phủ cần ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, không nên vì quá chú trọng tăng trưởng mà gia tăng tín dụng, “neo” tỷ giá, làm tăng cầu ngoại tệ, vì nếu không cẩn thận trong năm 2010, tỷ giá sẽ là yếu tố gây bất ổn vĩ mô.

Hiện tăng trưởng tín dụng đã đạt 33% và theo dự đoán của nhiều ĐBQH cả năm có thể lên đến 40%. Vậy thời gian tới liệu có thêm “cú sốc” thắt chặt tiền tệ nào để đối phó với tình trạng này không?

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu giải thích, năm nay cân đối vốn cho nền kinh tế do các tổ chức tín dụng huy động từ thị trường, không có cung tiền từ ngân hàng trung ương, nên tác động đến lạm phát rất ít. NHNN chủ trương chưa thắt chặt chính sách tiền tệ, vẫn nới lỏng nhưng theo hướng thận trọng.

ĐB Trần Du Lịch hỏi thêm: “Tăng trưởng tín dụng lên gần 40%, nghĩa là cứ đạt 1 đồng tăng trưởng, phải chi ra 8 đồng tín dụng. Có nước nào như vậy?”. Thống đốc trả lời: Nếu nước ta ở giai đoạn bình thường thì tăng trưởng tín dụng ở mức 3,85 lần so với GDP. Ở các nước trong khu vực, tỷ lệ này ở khoảng 1 - 1,3 lần, riêng Indonesia khá cao, ở mức 3,2 lần.

“Tín dụng tăng cao nhưng chúng ta giám sát chặt chẽ” – ông Giàu cam kết.

  • Biến động giá vàng không phải do mất cân đối

ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) hỏi giá vàng “nhảy múa” đến khi có quyết định cho nhập khẩu vàng mới bình ổn, giải pháp này có kịp thời không? Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nói ngay: Chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ để đi đến quyết định và cho rằng chính sách kịp thời, chứ không hề muộn màng. NHNN được giao quản lý việc XNK, chế biến vàng miếng nhưng vàng thị trường thì bị điều chỉnh bởi nhiều luật khác. Khi có biến động giá vàng trong nước không phải do mất cân đối cung cầu.

Mang đồng tiền kim loại bị xỉn vào hội trường làm bằng chứng, ĐB Lê Thị Nga nhắc lại: Năm 2003 Thống đốc NHNN thời đó thuyết phục Quốc hội cho phát hành tiền kim loại vì tiền đồng đẹp, độ bền cao, sử dụng thuận tiện: “Nhưng qua 6 năm độ bền đẹp như thế nào, hiệu quả thế nào mọi người đã thấy”.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu thừa nhận: “Đề án tiền kim loại tôi xin nói thẳng thắn là không hiệu quả. Vì thế, đã cho ngưng không phát hành tiền xu”.

Hàm Yên


Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp: Vi phạm phải được xử lý công bằng, không nể nang

  • Trạm BTS không ảnh hưởng đến sức khỏe
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp: Báo chí phải trung thực, mọi thông tin phải chính xác và mọi vi phạm phải được xử lý công bằng.

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp: Báo chí phải trung thực, mọi thông tin phải chính xác và mọi vi phạm phải được xử lý công bằng.

Câu hỏi đầu tiên dành cho Bộ trưởng Lê Doãn Hợp được ĐB Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) và ĐB Nguyễn Thanh Tâm (Tây Ninh) nêu liên quan đến việc lắp đặt các trạm thu phát sóng vô tuyến (BTS) trong khu vực dân cư và ảnh hưởng của các trạm này đến sức khỏe nhân dân.

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết, hiện tại cả nước có khoảng 42.000 trạm BTS, so với mức bình quân thế giới là không nhiều.

“Số trạm sẽ còn tăng khi triển khai 3G, 4G, để đảm bảo chất lượng sóng, chất lượng dịch vụ. Căn cứ vào những nghiên cứu khoa học của thế giới đã được công bố, chưa có bằng chứng cho thấy có ảnh hưởng đến sức khỏe của con người”.

Tiếp lời, Bộ trưởng Bộ KH-CN Hoàng Văn Phong cho biết, trên thực tế, đã xác định mức độ phơi nhiễm trong khu vực có trạm BTS của ta là 2W/m2, tương đương 2W/kg, trong khi tiêu chuẩn an toàn quốc tế là 4W/kg…

Nhóm vấn đề thứ hai được nhiều ĐBQH đặt câu hỏi đối với người đứng đầu ngành TT-TT là công tác quản lý báo chí.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) phản ánh, trong một số trường hợp thông tin không đúng sự thật trên các phương tiện truyền thông gây khó khăn cho DN, nhân dân, ảnh hưởng uy tín cán bộ (nhất là khi thông tin về các vụ án). Chia sẻ quan điểm này, ĐB Phạm Phương Thảo (TPHCM) thẳng thắn đặt vấn đề: “Nhiều vi phạm chưa được xử lý chưa đủ độ, dẫn đến lờn thuốc. Có hay không sự nể nang, ngại đụng chạm”?

Đại biểu Phạm Phương Thảo chất vấn Bộ trưởng Lê Doãn Hợp.

Đại biểu Phạm Phương Thảo chất vấn Bộ trưởng Lê Doãn Hợp.

Bà Thảo cũng lo lắng, trong quá trình xã hội hóa, một số tờ báo, trang tin đã “cổ súy cho những lối sống thời thượng không phù hợp với điều kiện kinh tế và đạo đức xã hội”.

Trả lời các ĐB, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp thống nhất với các ĐB nguyên tắc “báo chí phải trung thực, mọi thông tin phải chính xác và mọi vi phạm phải được xử lý công bằng”.

Bộ trưởng lưu ý, so với năm 2008, số vụ việc thông tin sai sự thật xảy ra trong năm 2009 đã giảm. Ông cũng thống nhất với yêu cầu nâng cao trách nhiệm của các tổng biên tập – những người thẩm duyệt thông tin và chịu trách nhiệm cao nhất về thông tin.

Bên cạnh đó là vai trò của các cơ quan chủ quản cơ quan báo chí, theo đó người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí chỉ đạo, theo dõi hoạt động của cơ quan báo chí, chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình đối với các sai phạm của cơ quan báo chí trực thuộc.

  • Quý 1-2010 có quyết định của Thủ tướng về quản lý trò chơi trực tuyến

Liên quan đến những nội dung xấu lan truyền trên Internet mà không được kiểm soát hữu hiệu, các ĐB Cao Thành Văn (Bạc Liêu), Phan Thị Thu Hà (Đồng Tháp), Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc)… đều bày tỏ lo ngại sâu sắc.

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết, để kiểm soát nội dung thông tin Internet có thể sử dụng những rào cản kỹ thuật. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những trò chơi trực tuyến do nước ngoài cung cấp (máy chủ ở nước ngoài) và trò chơi điện tử offline (trò chơi điện tử được cài đặt sẵn trên máy tính, băng đĩa, không cần nối mạng Internet) có nội dung bạo lực, sex chưa được kiểm duyệt nội dung.

 “Để khắc phục, tới đây, dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý trò chơi trực tuyến thay thế Thông tư 60 (đã thể hiện nhiều bất cập) sẽ được hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý 1-2010”, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định.

Về tình trạng quảng cáo rao vặt bừa bãi, thuê bao ảo và tin nhắn rác, gian lận cước điện thoại, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp viễn thông, Bộ trưởng TT-TT cho biết, để tránh tình trạng “bán dịch vụ dưới giá thành” – một hình thức cạnh tranh không lành mạnh, bộ đang xem xét, xây dựng khung giá sàn cho các dịch vụ viễn thông.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục