Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp: Quý I/2010 có quyết định mới về quản lý trò chơi trực tuyến

(SGGPO).- Chiều 17-11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp là thành viên Chính phủ thứ 2 đăng đàn trả lời chất vấn về trách nhiệm quản lý của Bộ đối với lĩnh vực quản lý báo chí; nội dung thông tin trên internet và triển khai quy hoạch hạ tầng viễn thông…

Theo Bộ trưởng, hoạt động báo chí những năm gần đây ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong công tác tư tưởng, lý luận, định hướng dư luận xã hội, nhất là trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đã nghiêm túc đánh giá những tồn tại, yếu kém của báo chí trong việc truyền tải thông tin, bao gồm cả những bất cập trong hoạt động của các phóng viên. “Gần đây một số thông tin trên báo chí như: nước tương có chất gây ung thư, bồn đựng nước gây ung thư, ăn bưởi gây ung thư vú, rau xanh siêu tăng trưởng, trứng gà Trung Quốc, giá gạo tăng, giá xăng dầu tăng, tình hình lạm phát trong nước… đã có tác động không tốt tới tâm lý xã hội, làm ảnh hưởng tới sản xuất của nông dân và việc kinh doanh của các doanh nghiệp”, người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông công nhận.

Báo cáo với QH về công tác định hướng dư luận và xử lý sai phạm trong lĩnh vực báo chí, Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản cơ quan báo chí, theo đó người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí chỉ đạo, theo dõi hoạt động của cơ quan báo chí, chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình đối với các sai phạm của cơ quan báo chí trực thuộc. Đối với các cơ quan báo chí thường xuyên mắc sai phạm, cơ quan chủ quản cần chỉ đạo báo trực thuộc kiểm điểm nghiêm túc các cá nhân có liên quan, xem xét lại quy trình tiếp nhận, xét duyệt, thẩm định tin, bài, đồng thời có kế hoạch điều chuyển công tác đối với lãnh đạo cơ quan báo chí.

Liên quan đến việc quản lý trò chơi trực tuyến (game online), Bộ trưởng cho biết, Thông tư 60 hiện hành đã đưa ra các quy định cụ thể nhằm loại bỏ những game trực tuyến có nội dung xấu không được phát hành tại Việt Nam, hạn chế việc chơi game online quá nhiều, hạn chế tác động tiêu cực của game online đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh…

Để các quy định của Thông tư 60 được thực hiện có hiệu quả cao, cần có sự phối hợp quản lý, kiểm tra, giám sát thường xuyên của các cơ quan chức năng, đặc biệt là sự phối hợp của gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương. Trên thực tế, những game online được phát hành thông qua các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến đều đã được thẩm định nội dung, kịch bản, hình ảnh để đảm bảo không vi phạm quy định Thông tư 60.

Tuy nhiên do đặc thù môi trường internet, vẫn còn tồn tại những trò chơi trực tuyến do nước ngoài cung cấp (máy chủ ở nước ngoài) và trò chơi điện tử offline (trò chơi điện tử được cài đặt sẵn trên máy tính, băng đĩa, không cần nối mạng internet) có nội dung bạo lực, sex chưa được kiểm duyệt nội dung. 

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cung cấp thông tin: “Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng Quyết định do Thủ tướng Chính phủ về quản lý trò chơi trực tuyến thay thế Thông tư số 60. Theo dự kiến, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý trò chơi trực tuyến thay thế Thông tư 60 sẽ được hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý I/2010”.

Một vấn đề khác được ĐBQH quan tâm đặt câu hỏi là về những sai phạm trong hoạt động của các đại lý internet. Theo Bộ trưởng, trong năm 2009, Bộ đã chỉ đạo các Sở tăng cường thanh tra, kiểm tra các đại lý Internet. Tính đến tháng 7-2009, đã có 895 đại lý đã được thanh, kiểm tra, 205 đại lý xử lý vi phạm hành chính, 58 đại lý bị xử phạt vi phạm hành chính khoảng 79.950.000 đồng... Vi phạm của các đại lý Internet chủ yếu là để khách hàng sử dụng dịch vụ quá giờ quy định, để khách hàng truy cập vào các website đồi trụy, lưu trữ phim, ảnh đồi trụy trong máy tính, không ký hợp đồng đại lý Internet với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, không niêm yết nội quy sử dụng, không đảm bảo công tác an ninh, an toàn phòng cháy chữa cháy.

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp hứa sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan như Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan ngăn chặn những nguồn thông tin xấu; tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, kết hợp với chính quyền địa phương, gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể xã hội nhằm hướng dẫn, nâng cao ý thức sử dụng thông tin trên Internet của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

ANH THƯ

(Tiếp tục được cập nhật)

 Tính đến tháng 10 năm 2009, trong lĩnh vực báo chí in, cả nước có 709 cơ quan báo chí (báo chí Trung ương: 496; báo chí địa phương: 213). Trong lĩnh vực phát thanh và truyền hình, cả nước hiện có 67 đài phát thanh, truyền hình; gồm 03 đài phát thanh, truyền hình ở trung ương (VTV,VTC, VOV) và 64 đài phát thanh, truyền hình của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực thông tin điện tử, cả nước có 25 báo điện tử, 160 trang tin điện tử tổng hợp mang tính báo chí của các cơ quan báo chí in và hàng ngàn trang tin điện tử có nội dung thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước và Chính phủ, các đoàn thể, hội, hiệp hội và các doanh nghiệp.
Sóng phát thanh đã phủ kín 95% lãnh thổ. Đài truyền hình Việt Nam hiện đã hình thành 7 kênh, hệ thống truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số VTC cũng phát triển nhanh chóng. Hiện cả nước có trên 10 triệu máy thu hình với trên 85% dân số được xem truyền hình. Trên 16.000 nhà báo đã được cấp thẻ hành nghề.

Tin cùng chuyên mục