QH thảo luận về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi)

Ai quyết định chính sách tiền tệ?

(SGGP). – Thảo luận tại phiên họp toàn thể sáng 16-11 về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi), ĐB Trần Thế Vượng (Hải Dương) cho rằng, sự lúng túng thể hiện trong nhiều nội dung của dự thảo luật xuất phát từ việc Ban soạn thảo dường như chưa xác định rõ vai trò của NHNN như một cơ quan quản lý trực thuộc Chính phủ hay như một ngân hàng trung ương.

(SGGP). – Thảo luận tại phiên họp toàn thể sáng 16-11 về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi), ĐB Trần Thế Vượng (Hải Dương) cho rằng, sự lúng túng thể hiện trong nhiều nội dung của dự thảo luật xuất phát từ việc Ban soạn thảo dường như chưa xác định rõ vai trò của NHNN như một cơ quan quản lý trực thuộc Chính phủ hay như một ngân hàng trung ương.

Những quy định về chính sách tiền tệ (tại Điều 5 của bản dự thảo) không nhận được sự đồng tình của ĐB Trần Thế Vượng và nhiều ĐB khác. “Cứ theo điều này thì QH chỉ quyết định “mức lạm phát định hướng từng thời kỳ”, như vậy phải chăng khái niệm chính sách tiền tệ quốc gia chỉ có nghĩa là mức lạm phát?”, ĐB hỏi.

ĐB Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng) cho rằng quan hệ giữa NHNN với Chính phủ, NHNN với các cơ quan khác thuộc Chính phủ, đặc biệt là Bộ Tài chính… chưa được thể hiện nhất quán trong dự thảo luật. Bà Hương yêu cầu đưa vào luật cơ chế báo cáo, giải trình cụ thể của NHNN đối với QH và các UB của QH như UB Tài chính Ngân sách, UB Kinh tế…

Bên cạnh đó, các ĐBQH đề nghị luật phải làm rõ vai trò độc lập của NHNN và xác định rõ vai trò của Hội đồng chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.

Chiều 16-11, góp ý cho dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), nhiều ý kiến đồng tình với việc sửa luật, tuy nhiên lại bày tỏ băn khoăn vì có vẻ như luật đang thắt chặt hoạt động của TCTD một cách thái quá.

“Quy định ngân hàng thương mại không được mua cổ phần của các TCTD là quá chặt chẽ, khiến các ngân hàng, các TCTD không hỗ trợ được cho nhau, không tạo đà cho sự phát triển của các ngân hàng”, ĐB Hoàng Thị Hảo (Hải Dương) phát biểu. ĐB này cho rằng, cần giữ nguyên quy định như hiện hành, thay vào đó chỉ nên khống chế tỷ lệ cổ phần mà các ngân hàng thương mại được mua.

Nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại Ngân hàng Nhà nước can thiệp quá sâu vào hoạt động của TCTD. Đơn cử, theo quy định của dự thảo luật, danh sách dự kiến những người được bầu, bổ nhiệm vào các chức vụ trên của tổ chức tín dụng phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Nhiều ý kiến khác cũng đồng tình với nhận định của Ủy ban Kinh tế cho rằng, dự thảo luật lại quá thiên về việc tăng cường, kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn, chưa tạo được sự hài hòa giữa bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động của các TCTD. Các quy định về quản lý nhà nước đối với tổ chức, hoạt động của TCTD còn nặng về hành chính, cấp phép mà chưa thể hiện tư tưởng đổi mới quản lý các TCTD.

Phương – Thảo

Tin cùng chuyên mục