Nước Nga không xa xôi

Điều dễ nhận biết nhất khi bước chân đến nhà của những người Việt từng có thời gian sống và làm việc tại nước Nga chính là những món quà nhỏ bé “rất Nga” được bày ở nơi trang trọng nhất, từ những chiếc ấm Xamôva nhỏ xinh cho đến con lật đật Matrioska và những bức tranh dân gian… Nhưng không chỉ có thế, những người Việt Nam mà chúng tôi đã gặp đều có một tình cảm sâu đậm với đất nước, con người Nga… 
Nước Nga không xa xôi

Điều dễ nhận biết nhất khi bước chân đến nhà của những người Việt từng có thời gian sống và làm việc tại nước Nga chính là những món quà nhỏ bé “rất Nga” được bày ở nơi trang trọng nhất, từ những chiếc ấm Xamôva nhỏ xinh cho đến con lật đật Matrioska và những bức tranh dân gian… Nhưng không chỉ có thế, những người Việt Nam mà chúng tôi đã gặp đều có một tình cảm sâu đậm với đất nước, con người Nga… 

1. Cầm trên tay chiếc bình hoa bằng gốm, trên trang trí những hạt ngọc màu xanh đặc tả cảnh rừng bạch dương Nga, thầy Nguyễn Hữu Thành (nguyên giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM) xúc động kể lại câu chuyện mà những bạn nhỏ Trường Thiếu nhi mồ côi số 4 nhân chuyến thăm Việt Nam gần đây đã tìm đến và tặng ông…

Trong căn nhà nhỏ của mình, ông còn có vô số những món quà khác mà những người bạn Nga khi đến TPHCM công tác đều trân trọng tặng ông như tặng một người bạn thân lâu năm của mình. 

Ông Thành đã 4 lần đến nước Nga, trong đó lần lưu lại lâu nhất là từ năm 1971 đến 1977 khi công tác tại Ban Tiếng Việt, Đài Phát thanh - Truyền hình Mátxcơva. Ông kể: Trong ban, có 6 nhân viên người Việt và hơn chục nhân viên người Nga. Chúng tôi sống và thân nhau như một gia đình. Đến nay, biết bao kỷ niệm về những năm tháng vẫn không phai trong tôi. 

Ông Nguyễn Hữu Thành và một người bạn cùng cha con ông Platon (thứ nhất, thứ hai từ trái sang) - một tấm ảnh kỷ niệm mà ông Thành luôn trân trọng cất giữ.

Ông Nguyễn Hữu Thành và một người bạn cùng cha con ông Platon (thứ nhất, thứ hai từ trái sang) - một tấm ảnh kỷ niệm mà ông Thành luôn trân trọng cất giữ.

Là một người Việt rất rành tiếng Nga, ông Thành luôn được Lãnh sự quán Việt Nam cử theo các đoàn công tác của Việt Nam đến thăm nước Nga. Có một kỷ niệm mà ông không quên. Đó là vào năm 1973, khi đoàn công tác của Việt Nam do ông Lê Đức Thọ vừa ký Hiệp định Paris trở về ghé thăm nước Nga, ông Thành cũng được phân công theo giúp đỡ đoàn.

Ông nhớ lại: “Sau bữa tối vui vẻ với các điệu múa dân gian Nga, với đặc sản Nga, trở về khách sạn, mấy anh em trong đoàn nhìn kỹ mặt nhau thì ai cũng phá ra cười vì mặt anh nào cũng lốm đốm đỏ. Đó là do hàng chục nụ hôn của các cô gái Nga vừa nồng nhiệt trao tặng… Có anh nói đùa, những nụ hôn tình cảm thế này, sao nỡ rửa mặt để đi ngủ?!”. 

2. Có một câu chuyện về người bạn Nga tên là Platon Skririnski với những tình cảm mà ông dành cho người dân, đất nước Việt Nam mà đến giờ ông Thành vẫn không thể quên. Trong chiếc tủ kính trang trọng trong nhà, ông Thành vẫn giữ một tấm hình chụp ông và một nữ phiên dịch người Việt khác cùng 2 cha con ông Skririnski…

Ông Thành nhớ lại: Platon Skririnski cầm súng trong đội quân lê dương của Pháp chiến đấu tại chiến trường Nam bộ. Chứng kiến cảnh những người dân vô tội Việt Nam bị tàn sát dã man, Platon quyết định quay súng và được sự hỗ trợ của một cán bộ địch vận, Platon được kết nạp vào đội du kích Việt Nam với tên Việt là Hai Thành. Anh quen và lấy một cô gái Bến Tre. Sau đó, họ có một bé gái. Sau 7 năm chiến đấu, đồng cam cộng khổ cùng những người bạn Việt Nam, Platon được tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang… 

Sau khi chia tay người vợ Việt Nam, Platon về lại Nga đem theo cô con gái nhỏ của mình. Những năm tháng về quê hương, ông vẫn luôn làm công việc của một người giảng dạy, phiên dịch tiếng Việt tại các trường đại học.

Năm 2004, Platon mất. Còn cô con gái Gianhin của ông dù được học ở Nga nhưng tiếng Việt vẫn rất sõi. Cô cũng đã có dịp về lại Bến Tre thăm bên ngoại của mình…

Nay thì căn hộ nhỏ của Gianhin đã trở thành một Việt Nam thu nhỏ với những vật dụng, đồ trưng bày được đem từ Việt Nam sang. Ông Thành nói: “Mỗi khi sang Nga, tôi đều đến thăm căn nhà nhỏ này, thăm Gianhin - con người bạn thân thiết Platon để có dịp được… nói tiếng Việt với một người Nga”. 

3. PGS-TS Nguyễn Thế Nghĩa, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga TPHCM tâm sự: “Tổng cộng tôi được học tập tại Liên Xô 9 năm. Thời gian học tập ở nước bạn là một quãng thời gian hạnh phúc, ấm cúng. Bất cứ ở đâu, khi chúng tôi giới thiệu mình là sinh viên Việt Nam, các bạn Nga lại ồ lên, hỏi thăm với thái độ trìu mến đầy thiện cảm. Mấy ngày nay, tôi đang đọc tuyển tập “Trường Sơn có một thời như thế”.

Càng đọc càng thấy xúc động và khâm phục bởi trong thắng lợi vĩ đại ấy của dân tộc có sự giúp đỡ hào hiệp, có bàn tay và tấm lòng của nhân dân Nga. Không chỉ ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh, nước Nga còn hỗ trợ chúng ta khi hòa bình lập lại, cụ thể là trong đào tạo nguồn nhân lực.

Thời gian trôi qua, có những giai đoạn nước Nga xảy ra nhiều biến động nhưng hàng năm, vào ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, chúng tôi vẫn tổ chức gặp gỡ, vẫn ngồi lại bên nhau để ôn lại những tình cảm tốt đẹp giữa 2 dân tộc. Tôi nghĩ rằng, dù thời thế có xoay vần thế nào chăng nữa thì người dân Việt Nam vẫn mãi mãi ghi nhớ ân tình của nhân dân Nga. 

Còn Tiến sĩ Trương Văn Vỹ, Trưởng khoa Ngữ văn Nga, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM thì nhớ mãi cảm giác lần đầu tiên đặt chân đến Liên Xô vào năm 1983. “Ngày ấy, khi đám học trò chúng tôi xuống sân bay là lúc trời đã khuya lắm. Sáng sớm hôm sau, khi tôi mở cửa phòng thì tất cả đều sửng người khi nhìn thấy những cây cổ thụ vàng rực từ gốc tới ngọn. Mùa thu vàng ở nước bạn ngọt ngào và tấm lòng của người dân Nga cũng ấm áp. Tôi nhớ có lần vì trời lạnh quá, nhóm học sinh Việt Nam chúng tôi cứ nằm cuộn trên giường, không muốn thức dậy. Không ngờ sau đó cô giáo đến tận ký túc xá hỏi thăm từng người vì tưởng chúng tôi mới sang, không quen thời tiết nên bị bệnh...”. 

Thời gian có trôi qua nhưng những ai đã từng sống tại nước Nga, hiểu nước Nga đều vẫn trân trọng những tình cảm thắm thiết mà người dân, đất nước Nga đã dành cho bạn bè Việt Nam… Nói như ông Nguyễn Hữu Thành: “Với nước Nga, tôi luôn trước sau như một với tình cảm chân thành nhất” 

T.THẢO - M.HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục