Các dự án trọng điểm quốc gia đều tăng vốn

Vốn tăng, tiến độ chậm

Ngày 6-11, Quốc hội đã nghe nhiều tờ trình quan trọng của Chính phủ về các dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có việc xin chủ trương đầu tư dự án Thủy điện Lai Châu và dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Vốn tăng, tiến độ chậm

Trong phiên họp sáng 6-11, QH nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia: Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất, Thủy điện Sơn La, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng và dự án đường Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban KH-CN-MT, dự án lọc dầu Dung Quất còn nội dung vướng mắc quan trọng là tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án theo báo cáo của Chính phủ đã lên tới hơn 3 tỷ USD, tăng thêm hơn 550 triệu USD. Dự kiến, phần vốn tăng thêm này sẽ bù bằng tiền lãi bán dầu để lại cho Petrovietnam. Ủy ban KH-CN-MT kiến nghị, do khoản phát sinh kể trên, Chính phủ phải có tờ trình chính thức báo cáo cụ thể với Quốc hội tại kỳ họp này về phương án trả nợ vốn vay cũng như hiệu quả kinh tế của dự án.

Về dự án Nhà máy thủy điện Sơn La, qua giám sát, Ủy ban KH-CN-MT nhìn nhận, chính sách bồi thường, hỗ trợ di dân tái định cư của dự án đã phù hợp hơn với thực tế cũng như nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, vẫn cần đặc biệt quan tâm và có biện pháp kiểm tra, đánh giá kết quả di dân tái định cư trong thời gian vừa qua, có biện pháp, cơ chế hỗ trợ kịp thời để củng cố cơ sở hạ tầng, sắp xếp dân cư hợp lý bảo đảm người dân đến nơi ở mới có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ một cách bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.

Về dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 (2007 - 2010), có 18 dự án thành phần đã và đang triển khai xây dựng hoặc đang thiết kế kỹ thuật, đấu thầu; 9 dự án đang lập dự án đầu tư, 3 dự án từ giai đoạn 1 chuyển sang. Mới chỉ có 1 dự án trong số đó hoàn thành, còn lại 11 dự án dự kiến hoàn thành trước năm 2010, 18 dự án phải kéo dài tiến độ.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ phải có tờ trình báo cáo QH về việc giãn tiến độ xây dựng công trình. Bên cạnh đó, tổng mức đầu tư cho cả giai đoạn thi công hiện đã lên tới gần 45.000 tỷ đồng, vượt gần 3.150 tỷ đồng so với tổng mức ước tính 41.000 tỷ đồng được phê duyệt trong quy hoạch.

Với dự án 5 triệu ha rừng, Ủy ban KH-CN-MT đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí đủ vốn trong năm cuối của dự án (2010); sớm hoàn thiện văn bản hướng dẫn xác định giá rừng và triển khai xác định giá rừng để thúc đẩy hoạt động kinh tế lâm nghiệp. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ giao đất lâm nghiệp gắn với giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng để rừng thực sự có chủ. Mặt khác, Chính phủ cần chú trọng xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, xác định rõ trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp tỉnh trước Thủ tướng Chính phủ nếu không hoàn thành nhiệm vụ của dự án.

Xin chủ trương đầu tư 2 dự án lớn

Chiều 6-11, 2 dự án trọng điểm quan trọng là Thủy điện Lai Châu và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Chính phủ trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư. Thủy điện Lai Châu là bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà, bậc trên của Thủy điện Sơn La. Nhà máy có công suất lắp máy 1.200 MW với 4 tổ máy. Dự án có yêu cầu sử dụng 4.636 ha đất; sẽ phải di dân, tái định cư 1.331 hộ/5.867 khẩu thuộc huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu.

Theo tính toán, tổng thời gian dự kiến xây dựng thủy điện Lai Châu là 9 năm kể cả thời gian chuẩn bị, trong đó thời gian thi công các hạng mục chính là 6 năm, nếu được Quốc hội thông qua về chủ trương tại kỳ họp này sẽ khởi công xây dựng vào cuối năm 2010, phát điện tổ máy cuối vào năm 2016, hoàn thành công trình vào năm 2017. Tổng mức đầu tư sơ bộ là 32.568,590 tỷ đồng (sau thuế) theo mặt bằng giá quý 2-2008.

Về nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, dự án này sẽ góp phần đáp ứng mục tiêu “tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết và đồng bộ để đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên vận hành vào năm 2020. Sau đó tăng nhanh tỷ trọng điện hạt nhân trong cơ cấu năng lượng quốc gia. Đến năm 2050, năng lượng điện hạt nhân chiếm khoảng 15% - 20% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc. Đồng thời góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo giữ vững an ninh quốc phòng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước”. Nhiệm vụ của dự án là cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, bình quân một năm (ở giai đoạn vận hành đủ 4 tổ máy) khoảng 28 tỷ kWh. Tổng quy mô công suất của dự án khoảng 4.000 MW với số giờ vận hành khoảng 7.000 giờ/năm.

Hạn chế đầu cơ nhà đất

Chiều 6-11, trình Quốc hội dự án Luật Thuế nhà đất, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết mục tiêu hàng đầu của dự luật này là góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất và khuyến khích thị trường BĐS phát triển lành mạnh. Vì thế, đối với nhà ở, dự luật áp dụng thuế suất theo biểu thuế lũy tiến từng phần tính theo năm: nhà ở có giá trị đến 500 triệu đồng được áp dụng thuế suất 0%, phần trên 500 triệu đồng sẽ bị áp dụng thuế suất 0,03%.

Đối với đất ở hộ gia đình, cá nhân, cũng áp dụng thuế suất theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Cụ thể, nếu diện tích đất nằm trong hạn mức thì hưởng thuế suất 0,03%; phần diện tích vượt hạn mức nhưng không quá 3 lần hạn mức được phép thì áp dụng thuế suất 0,06%; phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức thì áp dụng thuế suất 0,09%. Trong đó, hạn mức diện tích đất ở làm căn cứ tính thuế là hạn mức giao đất ở, hoặc hạn mức công nhận đất ở theo quy định của UBND cấp tỉnh.

Đối với đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, áp dụng mức thuế suất là 0,03% đối với đất được sử dụng, và mức thuế suất là 0,06% đối với đất sử dụng sai mục đích và chưa sử dụng.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, một số điều khoản trong dự luật tính khả thi chưa cao, chẳng hạn như căn cứ tính thuế là diện tích nhà đất. Trên thực tế, tiến trình cấp giấy chứng nhận hiện rất chậm; nhiều nhà, đất chưa được cấp sổ đỏ, sổ hồng. Với trường hợp nhà, đất chưa có sổ thì việc xác định diện tích sử dụng thực tế là rất phức tạp, khó khăn và tốn kém. Nếu dựa vào số liệu tự kê khai thì phần lớn không chính xác, sẽ gây thất thoát nguồn thu.

Một quy định khác là nhà có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên phải nộp thuế, nhưng lại chưa xác định cơ quan nào thực hiện chức năng thẩm định giá trị nhà. So với Pháp lệnh thuế nhà, đất hiện hành, dự thảo luật bổ sung đối tượng chịu thuế là nhà ở. Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành quy định này. Với mức thuế suất khởi điểm thấp (0,03%) đồng thời chỉ tính thuế trên phần giá trị vượt 500 triệu đồng thì đối tượng phải nộp thuế không nhiều, bảo đảm hài hòa về lợi ích giữa người nộp thuế với nhà nước. Mặt khác, việc thu thuế đối với nhà sẽ góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ nhà, nhất là nhà chung cư.

PHƯƠNG - NGUYÊN - YÊN


Quốc hội thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2010 khoảng 6,5%

(SGGP). – Với 85,4% tổng số đại biểu tán thành, cuối phiên làm việc sáng 6-11, Quốc hội (QH) đã thông qua nội dung Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010. Theo nghị quyết, chỉ tiêu tăng trưởng GDP của năm 2010 ở mức khoảng 6,5%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) không quá 7%.

Nghị quyết của QH khẳng định yêu cầu: “Đánh giá thật đầy đủ và khách quan để xây dựng phương án điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững, xác định rõ lộ trình và sớm triển khai các giải pháp, chính sách trong phương án. Sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước để hình thành quỹ kích thích kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển trung hạn và dài hạn, điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế với thời gian và mức hỗ trợ thích hợp”.

Trong khi đề ra mục tiêu tăng tổng kim ngạch xuất khẩu trên 6% so với năm 2009, nghị quyết nhấn mạnh việc kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu hàng tiêu dùng không thật thiết yếu để giảm tối đa nhập siêu; phát triển, khai thác tốt thị trường nội địa, khuyến khích tiêu dùng các sản phẩm trong nước, thực hiện đạt kết quả cao nhất cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Về các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, công tác kiểm tra, giám sát sẽ được chú trọng để các chính sách ban hành áp dụng đúng đối tượng thụ hưởng. Nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình giảm nghèo; thực hiện nhiều biện pháp, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để thoát nghèo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững cho 62 huyện nghèo…

Trước khi QH biểu quyết thông qua nghị quyết, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu một số vấn đề kinh tế - xã hội của UBTVQH. Theo đó, về GDP, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với phương án năm 2010 nên ở mức 6,5% (Chính phủ trình khoảng 6,5%). Một số ý kiến khác đề nghị xem xét thêm các phương án: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6% - 6,5% hoặc tăng trên 6,5%. Sau khi cân nhắc toàn diện và trao đổi ý kiến với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội chọn chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 khoảng 6,5%.

Về CPI, qua thảo luận và tổng hợp kết quả phiếu xin ý kiến, tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã trình Quốc hội chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 tăng không quá 7%. Tuy nhiên, đây được coi là “nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi phải có sự tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt để vừa đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2010 là 6,5%, vừa ngăn chặn được lạm phát cao trở lại”, ông Hà Văn Hiền nhận định.

B.AN

Tin cùng chuyên mục