ĐBQH chưa đồng tình sửa Luật Thuế GTGT và thuế TNDN

Hôm qua 5-11, thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT và Luật Thuế TNDN, đa số ý kiến ĐBQH cho rằng chưa nên thông qua dự án luật này. Các ĐBQH lo ngại luật sẽ không khả thi, có thể gây kẽ hở cho tiêu cực, trong khi không đáp ứng được mục tiêu phát triển nhà ở xã hội. Nhiều ý kiến đề nghị cần có chính sách, hệ thống giải pháp đồng bộ để phát triển nhà ở xã hội; ngoài ưu đãi về thuế còn phải tính đến ưu đãi về đất đai, tín dụng…
ĐBQH chưa đồng tình sửa Luật Thuế GTGT và thuế TNDN

Hôm qua 5-11, thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT và Luật Thuế TNDN, đa số ý kiến ĐBQH cho rằng chưa nên thông qua dự án luật này. Các ĐBQH lo ngại luật sẽ không khả thi, có thể gây kẽ hở cho tiêu cực, trong khi không đáp ứng được mục tiêu phát triển nhà ở xã hội. Nhiều ý kiến đề nghị cần có chính sách, hệ thống giải pháp đồng bộ để phát triển nhà ở xã hội; ngoài ưu đãi về thuế còn phải tính đến ưu đãi về đất đai, tín dụng…

Lo ngại tính khả thi

Theo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT và Luật Thuế TNDN, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho các đối tượng là HS-SV, công nhân làm việc tại các KCN và người có thu nhập thấp sẽ được áp mức thuế suất GTGT 5% thay vì mức 10% hiện hành. Thuế suất thuế TNDN đối với các doanh nghiệp có dự án đầu tư này cũng sẽ được giảm xuống mức 10%, miễn thuế 4 năm và giảm thuế tối đa 9 năm tiếp theo.

Các quy định này nhằm hỗ trợ và khuyến khích phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng) cho rằng, hiện nay chưa có tiêu chí thế nào là người có thu nhập thấp, nên sẽ khó phân loại để ưu đãi.

Hơn nữa, chiến lược cải cách thuế đến năm 2010 là thu hẹp dần diện ưu đãi, nay giảm thuế TNDN cho nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là trái với xu hướng này. Đó là chưa tính đến việc các doanh nghiệp có thể lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chuyển lợi nhuận qua phương thức “chuyển giá” từ dự án được ưu đãi sang dự án không được ưu đãi, gây thất thu cho Nhà nước.

“Mục tiêu đặt ra của việc sửa luật là nâng cao cuộc sống cho công nhân, sinh viên, người có thu nhập thấp; nhưng nội dung mà dự luật đặt ra không đạt được mục tiêu này” – ĐB Mỹ Hương nhận định. ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) cũng đề nghị Quốc hội cần cân nhắc chưa thông qua luật này: “Chính sách nhà ở xã hội cần phải làm lâu dài, đồng bộ, chứ không thể chỉ hỗ trợ qua trung gian là các doanh nghiệp”.

Hiện nay, giải quyết nhà ở cho các đối tượng là HS-SV, công nhân, người có thu nhập thấp là vấn đề cấp thiết, nhưng theo ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam), các chính sách nêu ra trong dự luật lần này “sợ khó có thể đi vào thực tế”, và có thể làm méo mó chủ trương hết sức tốt đẹp của Đảng và Nhà nước.

Nhiều ĐB khác cũng cho rằng, Luật Thuế GTGT và Luật Thuế TNDN mới triển khai thi hành được gần 1 năm, chưa đủ thời gian để đánh giá, tổng kết cụ thể việc thực thi pháp luật để làm căn cứ sửa đổi luật. Nếu sửa đổi luật sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định của pháp luật. “Chưa cần thiết phải sửa đổi. Trên thực tế, nếu giảm thuế như thế chưa chắc đã khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội” – ĐB Nguyễn Trung Nhân (Cần Thơ) nói.

Giảm thuế chưa đủ để giảm giá thành

Phân tích sâu thêm về nhà ở xã hội, ĐB Ngô Văn Minh thẳng thắn, hiện nay nhà gọi là “nhà ở xã hội” có giá 300 – 500 triệu đồng/căn: “Tôi nghĩ mà lo, với giá đó thì người thu nhập thấp làm cả đời cũng chưa mua được”.

Nhiều ĐB đồng tình với quan điểm của ĐB Nguyễn Văn Thời (Thái Nguyên) rằng cần nghiên cứu chính sách tổng thể để phát triển nhà ở xã hội, với 3 trụ cột: chính sách đất đai, chính sách thuế và chính sách tín dụng.

ĐB Trần Du Lịch dẫn ví dụ ở Malaysia cho biết: với các dự án nhà ở xã hội, nhà nước áp dụng tiền sử dụng đất 0%, thuế 0%; nhưng nhà nước giám sát chặt chẽ đầu ra và đối tượng thụ hưởng. Doanh nghiệp nào được hưởng ưu đãi khi làm nhà ở xã hội cũng sẽ bị nhà nước giám sát chặt về tài chính. “Chính sách của ta có làm được như vậy không?” – ĐB Trần Du Lịch đặt vấn đề và phân tích tiếp: đối với các doanh nghiệp, để khuyến khích họ làm nhà ở xã hội thì vấn đề không chỉ là giảm thuế. Hiện nay, giá đất đai đang rất cao, đây là điều cần giải quyết khi thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Luật sửa đổi lần này chưa đủ để giảm giá thành nhà ở xã hội khi mà giá đất đai vẫn cao như hiện nay. Ông Lịch đề nghị cần làm rõ 3 nhóm giải pháp (giá đất, thuế, tín dụng) và phải có đủ quy định, cơ chế để giám sát đầu ra của nhà ở xã hội, thì mới có thể xem xét thông qua luật lần này.

Nhiều ĐB khác cho rằng, với các đối tượng thụ hưởng về chính sách nhà ở xã hội, cũng cần có sự tách bạch và đối với mỗi nhóm sẽ có chính sách khác nhau.

“Nên tính toán xem nếu theo phương án giảm thuế của dự luật, ngân sách sẽ giảm thu bao nhiêu. Và thay vì giảm thu, ta lấy số tiền đó hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng” – ĐB Nguyễn Trung Nhân đề xuất. Chẳng hạn, với nhóm HS-SV, có thể hỗ trợ trực tiếp về vốn và cơ chế cho các trường học xây dựng ký túc xá; với nhóm đối tượng là công nhân thì hỗ trợ cho các doanh nghiệp tự xây dựng nhà ở cho công nhân của họ; với người có thu nhập thấp thì hỗ trợ tín dụng để họ mua nhà, và giao cho các địa phương phát triển quỹ nhà ở xã hội…

Bảo Minh

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại hội trường.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại hội trường.

Tin cùng chuyên mục