Bảo hiểm y tế hộ gia đình: Giải pháp cân bằng an sinh xã hội

Đa số các hộ gia đình rất vui khi tham gia BHYT hộ gia đình, bởi mức giảm trừ hấp dẫn. Nhưng cũng nhiều người cật vấn: BHYT là chuyện riêng của mỗi người, mắc mớ gì phải mua theo từng hộ? Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, quỹ BHYT hết tiền nên mới đặt ra chuyện phải mua BHYT cả gia đình! Sự thực ra sao?
Bảo hiểm y tế hộ gia đình: Giải pháp cân bằng an sinh xã hội

Đa số các hộ gia đình rất vui khi tham gia BHYT hộ gia đình, bởi mức giảm trừ hấp dẫn. Nhưng cũng nhiều người cật vấn: BHYT là chuyện riêng của mỗi người, mắc mớ gì phải mua theo từng hộ? Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, quỹ BHYT hết tiền nên mới đặt ra chuyện phải mua BHYT cả gia đình! Sự thực ra sao?

Càng nhiều người tham gia, càng… lỗ!

Có một thực tế, với BHYT tự nguyện trước đây và nay là BHYT hộ gia đình là: Càng nhiều người tham gia, quỹ BHYT càng… thâm hụt. Năm 2014, TPHCM có 950.000 người tự nguyện tham gia BHYT (mức đóng 621.000 đồng/người/năm) thì TP đã bội chi 1.442 tỷ đồng. Nghĩa là bình quân, mỗi người đã sử dụng quá phần mà mình đóng góp lên đến hơn 1,5 triệu đồng! Sang năm 2015, bắt đầu thực hiện BHYT hộ gia đình, TPHCM có 1,030 triệu người tham gia và mức bội chi lên tới 1.706 tỷ đồng. Tình hình không khá hơn vào 6 tháng đầu năm 2016: Có 1,22 triệu người tham gia thì mức bội chi (trong nửa năm) đã là 998 tỷ đồng. Như vậy, sự thâm hụt của quỹ BHYT ở nhóm đối tượng là hộ gia đình luôn tỷ lệ thuận với số người tham gia. Vậy tại sao cả nước nói chung và TPHCM nói riêng lại nỗ lực mở rộng diện bao phủ BHYT, tích cực mời gọi người dân tham gia BHYT hộ gia đình?

Cán bộ Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo bền vững TPHCM thăm hỏi tình hình đời sống, tham gia BHYT của người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận Tân Bình

Gốc của vấn đề ở chỗ, hiện nay Chính phủ có chủ trương không bao cấp về khám chữa bệnh. Cụ thể, tháng 3-2016, viện phí đã tăng đợt 1 và dự kiến tháng 11-2016 sẽ tăng đợt 2 (và sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo để chấm dứt hẳn bao cấp). Khi viện phí tăng, nếu để người dân tự gánh chi phí khám chữa bệnh thì sẽ dẫn tới tình cảnh rất nhiều người lâm vào khó khăn, thậm chí không có tiền để chữa bệnh. Vì thế, đồng thời với việc không bao cấp, đòi hỏi phải làm sao để người dân có thể khám chữa bệnh được. Bằng cách nào? Đó là thông qua quỹ BHYT.

Xin chia sẻ thẳng thắn rằng, quỹ BHYT không phải là giải pháp thần kỳ, cứ đóng ít xài nhiều. Không phải như vậy! Mà bản chất của bảo hiểm nói chung và BHYT nói riêng là cân đối giữa đóng và hưởng. Và nguyên tắc quan trọng là có sự san sẻ giữa những người tham gia. Nếu chỉ khi nào có bệnh mới tham gia BHYT (tình trạng này phổ biến khi áp dụng BHYT tự nguyện) thì không thể đảm bảo cân đối quỹ BHYT được. Cũng vì thế, chúng ta đã chuyển từ BHYT tự nguyện sang bây giờ là BHYT hộ gia đình. Sự san sẻ trước hết và không đâu bằng thực hiện ngay tại hộ gia đình, gia đình san sẻ trước (và dù đã tự san sẻ rồi nhưng 1,03 triệu người vẫn thiếu 1.706 tỷ đồng); tiếp đó là xã hội - san sẻ từ quỹ BHYT của những diện khác còn dư chuyển sang. Nếu không tham gia BHYT thì không có cơ chế để san sẻ, hỗ trợ.

Như trên đã nói, chỉ tính riêng nhóm BHYT hộ gia đình thì không hy vọng những người trong nhóm này san sẻ cho nhau mà đủ. Giờ nếu mời thêm các hộ gia đình tham gia BHYT, thì số tiền các hộ gia đình khám chữa bệnh lạm vào quỹ BHYT càng lớn hơn. Nhưng khi và chỉ khi các gia đình tham gia BHYT, mới có cách để bù. Đó là lấy quỹ BHYT của nhóm đối tượng đang làm việc - vốn đang dư, bù cho nhóm đối tượng hộ gia đình - luôn xài thiếu. Nếu các hộ gia đình không tham gia, thì “của ai nấy chịu”, không có cách nào san sẻ, chia sớt, bù vô được. Như thế thì nơi thừa (nhóm BHYT những người đang làm việc) cứ thừa; nơi thiếu (những người làm nghề tự do, nội trợ…) vẫn phải tự gánh chịu chi phí điều trị. Chỉ khi cùng tham gia BHYT thì mới hình thành bình thông nhau giữa hai nhóm đối tượng trên và mới có cơ chế, có cớ, có nguồn, có nguyên tắc cấp bù. Đó là một cách chăm lo gián tiếp.

Tăng 55% viện phí, ảnh hưởng mạnh tới người chưa có thẻ BHYT

Tháng 3-2016, viện phí tăng lần 1, bình quân khoảng 30% chi phí khám chữa bệnh. Dự kiến tháng 11-2016, mức tăng lần 2 khoảng 25%. Tổng 2 lần tăng khoảng 55% chi phí khám chữa bệnh, tác động trực tiếp vào túi tiền người dân mỗi khi đến bệnh viện. Một con số đối chiếu để rõ thêm về mức độ tác động: Năm 2015, quỹ BHYT của TPHCM dư 1.100 tỷ đồng. Dự kiến năm 2016, quỹ BHYT sẽ thiếu khoảng 400 tỷ đồng. Như vậy, chỉ qua 2 lần tăng viện phí đã làm tăng chi phí khám chữa bệnh lên 1.500 tỷ đồng. Mà đó là 2 lần tăng chưa tròn năm (một lần từ tháng 3 và một lần từ tháng 11). Từ năm 2017, viện phí tăng áp dụng tròn 12 tháng và cộng gộp cả hai lần, thì sự tác động còn lớn hơn, sẽ thiếu khoảng 800 tỷ đồng.

Đợt tăng giá dịch vụ y tế lần hai này là tăng thêm để không bao cấp về tiền lương, phụ cấp trực 24/24 giờ, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật cho người trực tiếp khám, chữa bệnh. Nhưng không phải tới đó là… hết tăng. Những năm tới, sẽ tiếp tục không bao cấp về trang thiết bị/khấu hao tài sản cố định, tiền lương gián tiếp và chi phí đào tạo, nghiên cứu. Theo lộ trình, đến năm 2020, các khoản này sẽ được “tính đúng, tính đủ” và như thế có thể thấy, viện phí có xu hướng tăng như thế nào.

Có thể nói, trong bối cảnh giá viện phí có xu hướng tăng, BHYT hộ gia đình là một giải pháp nhằm đảm bảo cân bằng an sinh xã hội, giúp người dân - nhất là những người lao động phi chính thức, không làm việc ở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào - có điều kiện khám chữa bệnh.

CAO VĂN SANG
(Giám đốc BHXH TPHCM)

Về độ bao phủ của BHYT, TPHCM hiện nay có khoảng 6 triệu người tham gia BHYT, chưa đạt chỉ tiêu Chính phủ giao cho UBND TPHCM là 77%, tương đương 6,13 triệu người vào cuối năm 2016. Cuối năm 2017, chỉ tiêu là 80,7% (tương đương 6,42 triệu người).

ĐƯỜNG LOAN (ghi)

Tin cùng chuyên mục