Chiến lược con người


Đội tuyển Việt Nam đã “lách qua khe cửa hẹp” để vượt qua vòng đấu bảng nhờ một chi tiết rất đặc biệt: số thẻ vàng ít hơn đội cạnh tranh, đồng nghĩa chỉ số Fair-play tốt hơn. 
Sau 3 trận đấu trong một bảng có đến 2 ứng cử viên là Iran và Iraq, vậy mà các cầu thủ của chúng ta chỉ phải nhận 5 thẻ vàng. Chỉ riêng điều này thôi, cũng có thể xem Asian Cup 2019 rất thành công với thầy trò HLV Park Hang-seo. Một đội bóng bị đánh giá rất thấp, nhưng lại thi đấu ít phạm lỗi, chắc chắn là nhờ tư duy chơi bóng tốt. Nói đơn giản: các cầu thủ Việt Nam sẽ phải hạn chế tranh chấp trực tiếp rất dễ dẫn đến phạm lỗi do thua thiệt thể hình, nhưng vẫn bảo đảm sự chắc chắn trong thi đấu.

Muốn đá được như vậy, cần có tư duy chiến thuật vững vàng, tâm lý ổn định, cảm giác không gian tốt và khả năng di chuyển linh hoạt trên nền tảng thể lực dồi dào. Nghe thì dễ, nhưng tất cả các yếu tố đó ít khi hội tụ đầy đủ ở một nền bóng đá chưa chuyên nghiệp tại Việt Nam. Vậy mà đội tuyển của HLV Park Hang-seo lại làm được. Nói đến thể thao đỉnh cao, để thành công thì phải hội đủ “điều kiện cần” là tư duy và “điều kiện đủ” chính là thể chất. Chỉ xét trong môn bóng đá, rõ ràng nhiều quốc gia, nhất là ở vùng Tây và Trung Á, có thể hình tốt nhưng năng lực chơi bóng vẫn còn hạn chế. Đông dân như Trung Quốc, không khó để lựa chọn những cầu thủ cao to, nhưng rốt cuộc thì đến nay họ vẫn chỉ một lần dự World Cup và cũng chưa lần nào vô địch Asian Cup. Ngược lại, điểm yếu thể hình của cầu thủ Việt Nam được bù đắp bởi năng lực chơi bóng kỹ thuật và khả năng sản sinh nhiều cầu thủ giỏi nhờ tình yêu bóng đá cuồng nhiệt.

Trong bối cảnh mà việc nâng cao thể hình chưa thể thực hiện, yếu tố về tư duy có lẽ cần phải được những nhà hoạch định bóng đá chú trọng nhiều hơn.Tuy nhiên, cho đến nay, chúng ta lại chưa hề có một chiến lược về mặt con người cho bóng đá Việt Nam. Việc lựa chọn đầu vào cho các lò đào tạo hiện chỉ mới chú trọng về mặt tài năng chứ không phải là chiều cao, cân nặng.

Trong quá trình đào tạo, mô hình vừa tập vừa học văn hóa như của Học viện Hoàng Anh Gia Lai cũng không thấy phổ biến. Nhưng đáng tiếc nhất vẫn là cái bắt tay lỏng lẻo giữa ngành giáo dục và thể thao nói chung, bóng đá nói riêng. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, có một số cầu thủ đá phong trào được chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp nhưng lại hiếm có trường hợp nào xuất phát ở môi trường học đường. Nói rộng hơn, ngay sân chơi dành cho học sinh là  Hội khỏe Phù đổng, phổ biến việc VĐV chuyên nghiệp chuyển xuống thi đấu chứ không có chuyện giới thiệu tài năng từ môi trường học đường cho thể thao đỉnh cao.

Thậm chí, tổ chức các sự kiện thể thao ở quy mô toàn quốc cho sinh viên, học sinh mang tính định kỳ cũng đang gặp nhiều khó khăn, cho thấy mảng trống rất lớn của thể thao học đường. Không khó để tìm các mô hình có sẵn trên thế giới. Ở Hàn Quốc, các đội bóng sinh viên đủ trình độ đá ở giải hạng nhì nước này. Bóng rổ ở Mỹ lấy nguồn VĐV cũng từ các trường đại học. Ở Thái Lan, đa số các trường học đều có cơ sở vật chất tập luyện thể thao đủ khả năng tổ chức SEA Games…

Trong khi đó tại Việt Nam, các VĐV hay cầu thủ đỉnh cao chủ yếu là sản phẩm của đào tạo chuyên sâu. Ví dụ như đội tuyển Việt Nam hiện nay, là tập hợp của những “lò” HA.GL, Hà Nội, Sông Lam Nghệ An. Cho dù tuyển chọn và đào tạo tốt đến mấy, thì cũng không thể cung cấp đều đặn cả chất lượng lẫn số lượng cho bóng đá Việt Nam. Đấy là chưa nói, những nơi nói trên đều phụ thuộc vào khả năng đầu tư của doanh nghiệp, cũng không thể bắt buộc họ phải đào tạo cả văn hóa lẫn chuyên môn. Với lợi thế của một quốc gia yêu bóng đá, với niềm cảm hứng vô cùng lớn đến từ đội tuyển do HLV Park Hang-seo dẫn dắt hiện nay, các nhà quản lý cần phải tính đến chiến lược phát triển con người ở bề rộng, khai thác những mảng trống của thể thao học đường, đề cao yếu tố văn hóa, đạo đức trong thi đấu, để qua đó mới tính đến chuyện hiện thực “giấc mơ World Cup”.

Tin cùng chuyên mục