Đoàn kết vẫn chỉ là khẩu hiệu
Đầu tiên là sự hoài nghi về nỗ lực hàn gắn sóng gió trên chính trường Mỹ của Tổng thống Donald Trump. Người đứng đầu nước Mỹ là nhân vật có hàng loạt tuyên bố gây chia rẽ, khiến đảng Dân chủ nổi giận và gây bất đồng trong chính nội bộ đảng Cộng hòa.
Trở lại câu chuyện diễn ra từ hơn một năm trước. Vào ngày 20-1-2017, tỷ phú Donald Trump bước vào Nhà Trắng. Chiến thắng đầy ngoạn mục của ông Donald Trump tại các bang vốn có thiện cảm với đảng Dân chủ cho thấy cử tri Mỹ đã phát đi một thông điệp rất rõ ràng: Họ muốn sự thay đổi ở Washington và họ không tin tưởng giới chính trị gia ở đó.
Cụ thể hơn, người Mỹ không tin rằng việc bầu bà Hillary Clinton vào Nhà Trắng sẽ giúp nước Mỹ thay đổi hướng đi hiện nay. Ông Donald Trump phải gánh vác một nhiệm vụ vô cùng nặng nề, đó là đoàn kết người dân trong nước và khôi phục niềm tin của nhân dân vào nền chính trị Mỹ. Do phong cách tự làm theo ý mình và không theo phe ủng hộ đường lối chính sách trước đây nên cách điều hành của ông Donald Trump được đánh giá là rất khó xác định.
Một năm sau đó, từ phong cách cầm quyền đến hướng đi chính sách đều cho thấy ông Donald Trump là một vị tổng thống Mỹ khác biệt, khiến cuộc tranh cãi về tương lai của nước Mỹ ngày càng trở nên gay gắt. Bằng chứng rõ nét nhất là trong bài phát biểu nhấn mạnh đến sự đoàn kết và kêu gọi hai đảng cùng hợp tác của Tổng thống Donald Trump, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa tỏ ra hoan nghênh trong khi phía đảng Dân chủ chỉ ngồi im lặng.
Tình trạng ấy tương tự thời Tổng thống Barack Obama khi những người Cộng hòa cũng ngồi yên trong lúc phe Dân chủ đứng dậy vỗ tay. Đoàn kết lưỡng đảng vẫn chỉ là một khẩu hiệu không thi hành được của chính trị nước Mỹ trong thời đại gần đây. Bên cạnh đó, cuộc đấu tranh phe phái còn trầm trọng hơn khi trong nội bộ đảng Cộng hòa đã xuất hiện sự đối lập giữa nhóm ủng hộ và phản đối đường lối chính sách trước đây.
Kinh tế khả quan không che được các điểm yếu
Không thể phủ nhận rằng chính sách “Nước Mỹ trước tiên” đã giúp nền kinh tế Mỹ có nhiều tín hiệu lạc quan trong năm 2017, khẳng định vị thế của nền kinh tế số một thế giới với mức tăng trưởng duy trì ổn định khoảng 3%, thị trường chứng khoán liên tục bứt phá. Đây được xem là thành tích kinh tế hết sức ấn tượng bởi 8 năm cầm quyền của Tổng thống Barack Obama, từng được coi là một trong những giai đoạn kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh nhất trong vòng gần 30 năm qua, mức tăng trưởng bình quân cũng chỉ đạt 1,6%.
Bước sang tháng đầu tiên trong năm 2018, thị trường lao động Mỹ đã có thêm 200.000 việc làm mới và lương tăng mạnh nhất trong 8 năm, ở mức 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 17 năm là 4,1%.
Tuy nhiên, hàng loạt quyết sách mà ông Donald Trump đưa ra nhằm thực hiện lời hứa đưa “Nước Mỹ vĩ đại trở lại” chẳng những đã đảo ngược các chính sách dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama mà còn phá vỡ những nguyên tắc lãnh đạo truyền thống của nước Mỹ. Có không ít quyết định phục vụ cho chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của ông Donald Trump lại gây chia rẽ sâu sắc trong chính nội bộ nước Mỹ.
Các biện pháp thắt chặt kiểm soát người nhập cư, trong đó có sắc lệnh hạn chế nhập cảnh và di trú đối với người dân từ một số quốc gia Trung Đông và châu Phi có người Hồi giáo chiếm đa số, đã làm bùng phát làn sóng biểu tình phản đối mạnh mẽ của người dân Mỹ, kéo theo những rắc rối pháp lý suốt năm đầu nhiệm kỳ của ông mà cho tới nay vẫn chưa kết thúc.
Ngay cả đạo luật cải cách thuế mà ông Donald Trump tuyên bố là “đợt cắt giảm thuế lịch sử đối với người dân Mỹ”, cũng là chủ đề gây tranh luận nảy lửa tại Quốc hội và trong xã hội Mỹ. Cũng tương tự như việc ông Donald Trump tuyên bố đạo luật của người tiền nhiệm mang tên ObamaCare bị bãi bỏ, các nghị sĩ đảng Cộng hòa đồng loạt đứng dậy vỗ tay hoan hô nồng nhiệt, nhưng các thành viên của phe Dân chủ đều không vui vẻ.
Một chủ đề nóng khác khiến giới chức Mỹ liên tục xoáy sâu từ lúc ông Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ là mối quan hệ giữa người đứng đầu nước Mỹ và nước Nga. Vào ngày 29-1, Tổng thống Donald Trump đã dội gáo nước lạnh vào Quốc hội Mỹ khi tuyên bố rằng sẽ không áp đặt hoặc thực thi các biện pháp trừng phạt mới nằm trong đạo luật CAATSA đối với Nga liên quan đến nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.
Đạo luật CAATSA do Quốc hội thông qua nhằm tìm cách buộc Tổng thống Donald Trump phải trừng phạt Nga. Kết quả biểu quyết cho thấy có sự nhất trí gần như hoàn toàn tại hai viện thuộc Quốc hội Mỹ liên quan đến vấn đề này.
Tổng thống Donald Trump dù mong muốn xây dựng một quan hệ nồng ấm hơn với Nga và lường trước được phản ứng gay gắt từ phía Nga nhưng trước sức ép của các nghị sĩ, ông vẫn phải miễn cưỡng ký thông qua đạo luật, chỉ 6 tháng sau khi lên nắm quyền.
Việc thực thi đạo luật CAATSA được coi là phép thử đối với chính quyền Tổng thống Donald Trump. Vì vậy quyết định hoãn trừng phạt Nga khiến các giới lập pháp lo ngại chính quyền Tổng thống Donald Trump đã lờ đi mong muốn của quốc hội và từ chối cáo buộc Nga phải chịu trách nhiệm vì can thiệp vào vấn đề nội bộ của Mỹ.
Giới phân tích thì cho rằng lý do ông Donald Trump giữ thái độ mềm mỏng với Nga là bởi nhận thấy tầm quan trọng của Nga trong hợp tác chống khủng bố toàn cầu, đặc biệt là đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq.
Tiếp đến, Mỹ cần Nga để giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau tại các điểm nóng khu vực, chẳng hạn như Syria hay Triều Tiên, nơi Nga cũng có tiếng nói và tầm ảnh hưởng lớn. Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng nhận thấy rằng, việc tăng cường áp đặt trừng phạt có thể vấp phải phản ứng “không thể lường trước” từ phía Nga.
Quốc hội bị đình trệ
Mới đây nhất, trong ngày 9-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành dự luật chi tiêu ngân sách cho chính phủ, giúp Chính phủ Mỹ thoát khỏi cảnh đóng cửa vì thiếu ngân sách hoạt động.
Nhiều người ví von việc Chính phủ Mỹ mở cửa trong ngày 9-2 giống như vượt qua cơn ác mộng đeo đuổi hơn 1 năm qua. Trước đó, Chính phủ Mỹ cũng đã phải ngừng hoạt động trong 3 ngày do ngân sách liên bang hết hiệu lực từ nửa đêm 19-1 (theo giờ địa phương). Một số chuyên gia nhận xét việc ngân sách dài tới 2 năm được thông qua là một chiến thắng lập pháp nữa của Tổng thống Donald Trump.
Việc ngân sách bị trì hoãn trước khi được thông qua cũng cho thấy sự chia rẽ nhất định trong nội bộ Cộng hòa và Dân chủ ở Quốc hội Mỹ. Lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi, trước đó tuyên bố sẽ chống lại dự luật ngân sách mới bởi nó không đề cập đến tương lai của các dreamer - những người được đưa đến Mỹ trái phép từ nhỏ. Các nghị sĩ Cộng hòa bảo thủ thì phản đối vì lo sợ thâm hụt ngân sách sẽ tiếp tục tăng khi trần nợ và trần chi tiêu được nới rộng.
Sau khi Chính phủ Mỹ tạm thoát đóng cửa, một trong những vấn đề hóc búa tiếp theo mà ông Donald Trump phải đối mặt đó là chính sách nhập cư - một trong những vấn đề nổi cộm gây chia rẽ nước Mỹ hiện nay. Để xoa dịu công luận, ông Donald Trump đã đưa ra kế hoạch nhập cư với những chi tiết “thỏa hiệp công bằng” gồm 4 điểm lớn, đáng chú ý trong đó là lộ trình 12 năm để 1,8 triệu dreamer nhập tịch vào Mỹ.
Nhưng những đề xuất trên tỏ ra không được lòng của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa. Những nghị sĩ theo đường lối cứng rắn đảng Cộng hòa lập luận rằng việc cho phép những dreamer nhập tịch là sự ân xá khó chấp nhận được. Trong khi đó, nhiều nghị sĩ Dân chủ phản đối công khai với tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về thiết lập “mức trần” cho hiện tượng di cư theo dây chuyền, tức người nhập cư hợp pháp tiếp tục bảo lãnh cho thân nhân vào Mỹ.
Giới quan sát từng cho rằng, sự căng thẳng trong chính trường Mỹ đến từ một số nhân vật trong đội tham mưu của ông Donald Trump, những người không có khả năng thích nghi trong bộ máy chính trị. Tổng thống Donald Trump có thể đã thành công trong lĩnh vực bất động sản và giải trí, nhưng ông không có kinh nghiệm trong việc bắt các tổ chức lớn và phức tạp phải làm theo ý muốn của mình.
Một số người đã đặt niềm tin của họ vào những “người trưởng thành” trong chính quyền - Ngoại trưởng Rex Tillerson và 3 vị tướng là John Kelly (Chánh văn phòng Nhà Trắng), James Mattis (Bộ trưởng Quốc phòng) và H. R. McMaster (Cố vấn an ninh quốc gia).
Trong số những “người trưởng thành”, ông Tillerson là có xuất thân từ vị trí Giám đốc điều hành của ExxonMobil. Việc để ông Tillerson lãnh đạo Bộ Ngoại giao trong khi cho đến nay, vẫn còn nhiều vị trí quan trọng như đại sứ ở các nước, thứ trưởng, trợ lý ngoại trưởng, các vị trí cấp cao tại nhiều tổ chức quốc tế vẫn chưa có người đảm nhiệm đã khiến dư luận hoài nghi về những chính sách đối ngoại của nước Mỹ.
Mới đây nhất, Đại sứ Mỹ ở Panama Feeley đã nộp đơn từ chức với lý do không thể làm việc cho Tổng thống Donald Trump thêm nữa. Thứ trưởng Ngoại giao Thomas Shannon sau đó cũng từ chức vì lý do cá nhân khiến Mỹ mất đi một nhà ngoại giao kỳ cựu vào thời điểm Washington phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, nổi bật là mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.
Chính quyền của ông Donald Trump được ghi nhận là một trong những chính quyền chậm chạp nhất trong việc bổ nhiệm các vị trí - ứng cử viên cho chưa đầy 40% các vị trí then chốt đến cuối năm 2017 mới được phê chuẩn (ông Donald Trump phê chuẩn khoảng 300 quan chức vào cuối năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông, trong khi Tổng thống George W. Bush phê chuẩn gần 500 người).
Cuối năm 2017, kết quả của cuộc bầu cử địa phương ở bang Virginia và bang Alabama liệu có phải đã cho thấy “hiệu ứng chính trị” của ông Donald Trump đang giảm sút, đảng Dân chủ hồi phục bước đầu giành được thành công. Nếu đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ trong năm nay mất đa số ghế ở Thượng viện hoặc lưỡng viện thì có nghĩa là từ đây ông Donald Trump sẽ vướng vào thế khó, khi đối mặt với sự kiên quyết phản đối của đảng Dân chủ và sự bất đồng trong đảng Cộng hòa làm ông gặp rất nhiều khó khăn trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo.
Với những chia rẽ giữa các đảng phái hiện nay, nhất là khi đảng Dân chủ đang thể hiện rõ quyết tâm giành lại quyền kiểm soát Quốc hội thông qua cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ, thách thức lớn nhất mà Tổng thống Donald Trump phải đối mặt là mở rộng thành phần ủng hộ để có thể lật ngược tình thế, nếu không muốn theo chân hai tổng thống tiền nhiệm là George W.Bush và Barack Obama, những người đều nhận thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Điều này cho thấy, nước Mỹ năm 2018 được dự báo sẽ là một năm đầy thách thức cho chính quyền của Tổng thống Donald Trump trên tất cả các mặt trận.
Theo lời của cựu chiến lược gia trưởng Steve Bannon, chính quyền của Tổng thống Donald Trump là chính quyền chia rẽ nhất trong lịch sử Mỹ, cả về con đường lẫn định hướng hoạt động. Trước khi ông Bannon bị sa thải khỏi Nhà Trắng dù ông vẫn được xem là “cánh tay phải” của Tổng thống Donald Trump.
Ông Bannon cho rằng những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump đang cảm thấy thất vọng với sự đình trệ của Quốc hội trong việc thực hiện những lời hứa hẹn của nhà lãnh đạo Mỹ từ khi ông còn là ứng viên tranh cử tổng thống, bao gồm các cam kết về thương mại, nhập cư và thuế.