Năm 1964 tôi vào Nam. Ngày đi chị Bảy Vân và anh Ba (đồng chí Lê Duẩn - PV) có đến thăm đoàn động viên, chúc anh em lên đường mạnh khỏe. Chị nói chị sẽ vào sau, hẹn gặp chúng tôi ở miền Nam.
Tôi theo các đoàn quân vào Nam trên đường Hồ Chí Minh, ròng rã suốt hơn 3 tháng trời. Khi tôi về đến miền Nam thì đã thấy chị vào trước vì chị đi bằng đường Hồ Chí Minh trên biển. Chị kể do nóng lòng muốn được trở về Nam nên chị quyết bám theo một chuyến tàu Không số xuất phát từ Hải Phòng, vượt qua bao sóng to, gió lớn, hiểm nguy để về Nam hoạt động. Chị đi, để lại 3 con nhỏ ở lại miền Bắc. Chị về Nam làm công tác phụ nữ ở các tỉnh miền Tây, sau đó làm Trưởng ban Tuyên huấn An Giang. Thời gian này tôi cũng thường gặp chị trong các chuyến công tác ở các địa phương và các cuộc họp trong khu.
Sau ngày miền Nam giải phóng, chị Bảy Vân về Sài Gòn, công tác ở Báo Sài Gòn Giải Phóng, với cương vị Phó tổng Biên tập. Thời gian này tôi và chị có điều kiện gặp nhau thường hơn. Chị coi tôi như người em, ân cần hỏi thăm sức khỏe, động viên, giúp đỡ tôi trong công việc mỗi khi gặp khó khăn, nhắc nhở công tác phải hoàn thành nhiệm vụ.
Chị là một nhà báo cách mạng có tâm, hiền từ, dễ thương, mang tính cách của người phụ nữ Nam bộ. Đối với anh em đồng nghiệp, chị rất gần gũi, tình cảm, sẵn lòng chia sẻ những khó khăn trong công tác và cuộc sống. Sau này, trong một dịp kỷ niệm ngày giải phóng Hải Phòng, tôi và chị cùng về, cùng với anh em một thời công tác ở Báo Hải Phòng, ôn lại những kỷ niệm làm báo trong mưa bom, bão lửa ác liệt của cuộc chiến tranh. Tôi luôn trân quý chị Bảy Vân ở tính cách của một nhà báo rất tận tình, trách nhiệm, hết lòng với công việc được giao và luôn tìm tòi, sáng tạo cách làm mới để cơ quan phát triển. Chị là người chị rất thân thiết, luôn quan tâm đến anh chị em, nhất là trong làng báo.
Đóng góp lớn nhất của chị Bảy Vân đối với Báo Sài Gòn Giải Phóng và hoạt động báo chí ở TPHCM những năm sau giải phóng, là chị đã đột phá chuyện làm kinh tế báo chí, trước tiên cho Báo Sài Gòn Giải Phóng, mà lúc đó không có cơ quan báo chí nào dám làm. Chị đã nghĩ ra cách thức làm bột giấy để in báo, giúp cho báo giải quyết được những khó khăn trong hoạt động báo chí lúc bấy giờ. Trong làng báo, chị Bảy Vân được mọi người quý trọng, tôn kính. Chị là người mở đầu, đi tiên phong trong làm kinh tế cho báo chí và định hướng cho các hoạt động xã hội sau mặt báo sau này.
Chị Bảy Vân là vợ Tổng Bí thư Lê Duẩn, nhưng không thấy lúc nào chị khoe khoang với ai. Chị sống rất khiêm tốn, có tâm. Chị mất đi để lại tình cảm và nỗi tiếc thương với nhiều người, nhất là đối với thế hệ của chúng tôi đã được hoạt động, công tác cùng chị trong những thời điểm khó khăn, ác liệt nhất của cuộc chiến tranh, cũng như những năm hòa bình sau này.