Theo số liệu chính thức của Chính phủ Brazil, hơn 78.380 đám cháy rừng đã được ghi nhận ở nước này trong 8 tháng đầu năm nay, con số cao nhất kể từ năm 2013 và hầu hết xảy ra ở rừng Amazon.
Các vụ Các đám cháy tại rừng mưa Amazon ở bang Tocantins, Brazil, ngày 17-8 đang lan rộng đã gây làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trên toàn cầu, đặc biệt là các nhà lãnh đạo châu Âu. Bộ trưởng Tài chính Phần Lan (nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU) Mika Lintila khẳng định, nước này sẽ đề xuất một lệnh cấm thịt bò nhập khẩu từ Brazil nhằm gây sức ép buộc chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro có biện pháp ngăn chặn thảm họa cháy rừng. Bộ trưởng Lintila lên án nạn tàn phá rừng nhiệt đới tại Brazil, đồng thời đề xuất Liên minh châu Âu (EU) và Chính phủ Phần Lan khẩn trương xem xét lệnh cấm thịt bò của Brazil. Nếu không có tiến triển trong việc ngăn chặn cháy rừng tại Brazil, Phần Lan sẽ nêu vấn đề này với các bộ trưởng tài chính EU trong cuộc gặp sắp tới vào tháng 9 tại Helsinki.
Nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới là người đi đầu trong việc gây sức ép với Chính phủ Brazil liên quan đến nạn cháy rừng Amazon. Như thường lệ, trong thế kỷ 21, mọi thứ bắt đầu với một đoạn Twitter. Tổng thống Pháp nhắc trên mạng xã hội Twitter thảm kịch hỏa hoạn xảy ra trong rừng Amazon với giọng phẫn nộ: “Nhà chúng ta bị cháy. Theo nghĩa đen”. Ông Macron còn tuyên bố đây là “cuộc khủng hoảng quốc tế” và quyết tâm đưa vấn đề này vào trung tâm chương trình nghị sự của G7. Chưa hết, Tổng thống Emmanuel Macron còn đe dọa chặn thỏa thuận thương mại giữa Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) với EU, vừa ký kết hồi cuối tháng 6 vừa qua; cáo buộc Tổng thống Brazil đã “nói dối” về quan điểm của Brasilia trong vấn đề biến đổi khí hậu. Ireland cũng đe dọa phủ quyết hiệp ước EU - Mercosur.
Chiến dịch trả đũa bắt đầu ngay sau đó. Trước tiên, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro phủ nhận sự tồn tại của các đám cháy, sau đó đổ lỗi cho các tổ chức phi chính phủ, cuối cùng ông tấn công trực tiếp vào tổng thống Pháp. Cũng trên Twitter, ông Bolsonaro viết: “Tâm lý thực dân đã lỗi thời trong thế kỷ 21”, buộc tội ông Macron “khai thác một vấn đề nội bộ của Brazil(...) vì lợi ích chính trị cá nhân” và “phù phiếm”. Cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa có điểm dừng. Vậy Amazon là lợi ích chung, như tuyên bố của Pháp, hay đó là “của chúng ta, Brazil” như tuyên bố của Tổng thống Bolsonaro?
Rừng nhiệt đới Amazon hiện là nguồn cung cấp 20% oxy cho chúng ta, là nguồn nước và đa dạng sinh học quan trọng, là “lá phổi xanh của hành tinh”. Việc phá hủy dần rừng Amazon rõ ràng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng…Vì thế, cũng dễ hiểu tại sao các lãnh đạo trên thế giới có thái độ gay gắt với Brazil khi nước này chậm hành động, thiếu sự phối hợp hiệu quả để tình trạng cháy rừng kéo dài hơn 2 tuần nay. Cách ví đây là vụ “khủng hoảng quốc tế” cũng là lời kêu gọi trách nhiệm chung của cộng đồng thế giới, nhất là trong bối cảnh toàn cầu đang có sự thay đổi nhận thức mãnh liệt nhằm bảo vệ môi trường, đấu tranh với biến đổi khí hậu như hiện nay.