Chào cờ nơi biên cương

Một buổi sáng chào cờ như bao buổi sáng. Chỉ có điều đứng dưới lá cờ Tổ quốc hôm ấy là những gương mặt đã không còn trẻ, những mái đầu hầu hết đã bạc, chưa từng chào cờ cùng nhau, càng chưa từng được chào cờ ở một nơi thiêng liêng, nơi địa đầu Tổ quốc. 
Văn nghệ sĩ TPHCM biểu diễn phục vụ cán bộ chiến sĩ Trạm biên phòng Đàm Thủy, Bản Giốc
Văn nghệ sĩ TPHCM biểu diễn phục vụ cán bộ chiến sĩ Trạm biên phòng Đàm Thủy, Bản Giốc

Có người nôn nao thức sớm đến hàng tiếng đồng hồ, người thì rưng rưng cảm xúc khi đứng trước cờ Tổ quốc, trang phục chỉnh tề. 

Đó là buổi sáng chào cờ ở thác Bản Giốc (thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) trong chuyến hành trình về nguồn “Chiến khu Việt Bắc” của đoàn công tác Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và các văn nghệ sĩ tiêu biểu của TPHCM vào sáng 3-12. Gió mùa Đông Bắc và cái lạnh dưới 80C như không hề hấn gì, cũng không làm ai nao núng. 

Không giấu được xúc động, NSƯT Lam Tuyền (Hội Sân khấu TPHCM) bày tỏ: Đây chắc chắn là một trong những lễ chào cờ đặc biệt nhất trong cuộc đời tôi. Tôi tin chắc với nhiều anh chị em đang có mặt tại đây cũng vậy, khó có lời nào diễn tả được trọn vẹn cảm xúc khi ngẩng cao đầu nhìn Quốc kỳ Việt Nam tung bay kiêu hãnh và cất lời Quốc ca hùng tráng ngay tại mảnh đất địa đầu thiêng liêng của Tổ quốc, rồi phóng tầm mắt ra xa đã là dải biên giới trùng điệp, hùng vĩ. Từ nơi đây, chúng tôi như thấy được trọn vẹn một dải non sông gấm vóc, từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau của chúng ta đẹp tươi, rực rỡ đến dường nào... Hôm nay, đoàn văn nghệ sĩ TPHCM tham gia hành trình về nguồn “Chiến khu Việt Bắc” nghiêng mình tưởng nhớ, bày tỏ lòng tri ân thành kính đến anh linh những anh hùng dân tộc, những thương binh liệt sĩ, những người đã dùng máu xương mình để bảo vệ biên cương, giữ gìn trọn vẹn Tổ quốc Việt Nam! 

Nghệ sĩ Lam Tuyền ôn lại truyền thống của văn nghệ sĩ TPHCM khi đã có mặt, đồng hành cùng dân tộc trên mọi bước đường cách mạng. Giai điệu hào hùng trong những năm tháng kháng Pháp, đánh Mỹ đến nay vẫn luôn thôi thúc lòng người; những giai điệu sục sôi của chiến đấu vì độc lập tự do, khi “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” tháng 2-1979, đến nay vẫn làm lòng chúng ta như bừng lửa...

Phát biểu tại lễ chào cờ, đồng chí Dương Thế Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, Trưởng đoàn công tác, cho rằng chuyến đi về nguồn nhằm thể hiện sự tri ân của người dân cũng như giới văn nghệ sĩ TPHCM đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc; cũng là dịp để tôn vinh các nhà giáo, văn nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật của TPHCM và của nước nhà. 

Trước khi đoàn công tác lên đường, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, nhắn nhủ, qua chuyến đi sẽ giúp cho mỗi thành viên có những ghi nhận cho riêng mình, điều đó cũng là góp thêm “chất liệu sống” cho quá trình tư duy sáng tạo nghệ thuật. Lãnh đạo thành phố mong rằng, thời gian tới sẽ có thêm nhiều tác phẩm, chương trình nghệ thuật chất lượng, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân TPHCM và cả nước. 

Lần đầu tiên tham gia chuyến hành trình về nguồn đến nơi biên cương, mảnh đất địa đầu của Tổ quốc, NSƯT-TS Hải Phượng (Hội Âm nhạc TPHCM) xúc động chia sẻ: “Tôi đã đi biểu diễn ở nhiều nơi, nhưng chuyến đi về nguồn lần này với tôi có ý nghĩa rất đặc biệt. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những gian khổ, khó khăn, tinh thần trách nhiệm và quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ nơi mảnh đất biên cương. Chúng tôi cảm nhận từng hơi thở, nhịp sống, sức mạnh đoàn kết của đồng bào các dân tộc nơi đây. Không có bài giảng, bài học nào bổ ích hơn những chuyến đi thực tế như thế này. Rồi đây, với các thế hệ học trò mà chúng tôi đang truyền dạy, sẽ không chỉ có những thanh âm khuôn khổ, mà trong mỗi bài học còn có niềm tự hào dân tộc, về truyền thống đấu tranh bất khuất. Âm nhạc sẽ truyền tải cảm xúc dễ dàng khi nó xuất phát từ trái tim. Mà những gì xuất phát từ trái tim thì sẽ đến với trái tim”.

Tin cùng chuyên mục