Dù trước mùa lễ hội 2018, các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều hội nghị, ban hành nhiều văn bản nhắc nhở chấn chỉnh công tác tổ chức, quản lý… song làm thế nào để mùa lễ hội không còn là mùa âu lo vẫn luôn là câu hỏi lớn.
Siết chặt thanh tra, kiểm tra Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), nhìn chung, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong cả nước năm 2017 đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp. Phần lớn các lễ hội đều được diễn ra trong không khí linh thiêng, trang trọng, an toàn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh đồng thời thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Các biểu hiện thương mại hóa lễ hội, lợi dụng lễ hội để trục lợi đã giảm. Các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ... Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội như ở một số địa phương vẫn tái diễn những hình ảnh chưa đẹp như: ném tiền vào kiệu ấn, cướp lộc, thực hiện nhiều nghi thức không có trong lễ hội truyền thống ở một số địa phương. Một số nơi vẫn còn tổ chức lễ hội chọi trâu, thực hiện những nghi thức không phù hợp, phản cảm... Vì thế, ngay trước mùa lễ hội, cùng với hàng loạt các hội nghị triển khai công tác tổ chức lễ hội từ trung ương đến địa phương được tổ chức thì công tác thanh tra, kiểm tra cũng được siết chặt hơn. Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL cho biết: “Bên cạnh triển khai kế hoạch “cứng” trong công tác kiểm tra quản lý, tổ chức lễ hội bảo đảm an toàn, văn minh, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành có liên quan thanh, kiểm tra đột xuất, tránh tình trạng đối phó của ban tổ chức lễ hội cũng như các cấp địa phương… Cùng với đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về việc thực hành lễ hội được đặt lên là giải pháp hàng đầu và hiệu quả nhất để đẩy lùi tiêu cực. Thực tế, những nơi có sự vào cuộc tích cực và kiên quyết của chính quyền địa phương thì ở đó, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đạt hiệu quả cao. Ví dụ, với tỉnh Yên Bái, trước năm 2017, cả tỉnh có 8 lễ hội chọi trâu. Tuy nhiên, từ năm 2017, có chỉ đạo của Bộ VH-TT-DL, lãnh đạo Sở VH-TT-DL Yên Bái tích cực vận động nhân dân, giải thích để người dân hiểu và thay đổi cách thức thực hành các lễ hội có tính phản cảm như treo trâu (ở Đông Cuông) và đã có 7 địa phương bỏ tổ chức chọi trâu trong năm 2017”. Theo lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, cùng với sự chung tay của các địa phương, nhiều lễ hội đã từng xảy ra những hiện tượng biến tướng, phản cảm, trong mùa lễ hội hiện đã xây dựng đề án “đổi mới”. Cụ thể như lễ hội đền Sóc năm 2018 sẽ không có màn “cướp” lộc đã từng gây tranh cãi bởi những màn tranh cướp sứt đầu, mẻ trán bao năm qua. Theo đó, người dân nơi này đã thống nhất để không còn màn tranh cướp lộc mà sau khi rước giò hoa tre, trầu cau lên đền Thượng sẽ chia thành các lễ nhỏ mang lễ tạ tại đền Hạ và đền Mẫu, thay vì rước cả kiệu lớn. Xử lý các sai phạm nghiêm trọng Thể hiện quyết tâm chấn chỉnh tiêu cực để có một mùa lễ hội lành mạnh, an vui hàng loạt các văn bản chỉ đạo được gấp rút ban hành bên cạnh một loạt các giải pháp được triển khai đến các địa phương như tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân tham gia lễ hội, khơi dậy giá trị nhân văn, hướng thiện, không chạy theo lợi ích vật chất ở lễ hội; làm tốt công tác phân công, phân cấp quản lý lễ hội; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng công an, y tế...
Có thể sẽ tạm ngưng tổ chức nếu có biến tướng làm sai lệch nội dung của lễ hội
Ngay trước ngày nghỉ tết, Bộ VH-TT-DL đã có văn bản gửi sở VH-TT-DL các tỉnh, thành phố về việc chấn chỉnh hoạt động hầu đồng trong thực hành di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Trong đó có nhấn mạnh tới việc khuyến cáo không sử dụng quá nhiều đồ mã, đồ lễ đắt tiền trong hầu đồng. Ngăn chặn, xử lý hiện tượng lợi dụng hầu đồng, lợi dụng niềm tin của nhân dân để trục lợi, kiếm tiền và làm ảnh hưởng tới đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng. Bộ cũng yêu cầu kiểm tra, chấn chỉnh các hiện tượng phản cảm, sai lệch với bản chất của di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, đồng thời nhấn mạnh chỉ được tổ chức hầu đồng ở những nơi có điện thờ Mẫu hoặc di tích thờ Mẫu; không tổ chức nghi lễ hầu đồng ở khu vực công cộng với tính chất một loại hình dịch vụ du lịch hay ca nhạc đường phố…
Trước đó, Bộ VH-TT-DL cũng trình Chính phủ ban hành nghị định về tổ chức, quản lý lễ hội trong đó có đề cập tới việc sẽ tạm ngưng nếu tổ chức lễ hội bị sai lệch giá trị. Trong đó một số nội dung được nhấn mạnh như: tổ chức lễ hội nhằm giáo dục, định hướng con người hình thành các hành vi, thái độ, nhận thức cao đẹp; loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, lòng tham và các lợi ích cá nhân; không thực hiện các nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm; không lợi dụng tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội; quản lý và sử dụng nguồn thu từ hoạt động lễ hội hiệu quả, công khai minh bạch… Theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) Ninh Thị Thu Hương, đây là một quy định hoàn toàn mới và sẽ có sức răn đe nặng khi triển khai trong thực tế. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký hoặc thông báo yêu cầu bằng văn bản tạm ngừng tổ chức lễ hội trong các trường hợp: tổ chức lễ hội sai lệch nội dung giá trị di sản văn hóa của lễ hội… Các nhà quản lý kỳ vọng cũng với sự vào cuộc của các ngành, địa phương, ý thức tham gia lễ hội của người dân được dần nâng cao thì mùa lễ hội sẽ không còn cảnh bát nháo.
Đầu năm du xuân, trẩy hội đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế, lễ hội ngày càng được mở rộng cả về quy mô, số lượng. Tuy nhiên, kéo theo đó là nhiều tồn tại như: nạn cướp lễ, cướp lộc, mê tín dị đoan, nạn trộm cắp, cờ bạc, nạn nâng giá tùy tiện, “chặt chém” du khách… Dù trước mùa lễ hội 2018, các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều hội nghị, ban hành nhiều văn bản nhắc nhở chấn chỉnh công tác tổ chức, quản lý… song làm thế nào để mùa lễ hội không còn là mùa âu lo vẫn luôn là câu hỏi lớn.