Hàng loạt hình thức kinh doanh văn minh, hiện đại, các trung tâm thương mại (TTTM), siêu thị ra đời, đã và đang thay thế dần hình thức kinh doanh truyền thống.
Mua bán quần áo thời trang tại VivoCity (quận 7, TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG
Không ngừng làm mới
Đã lâu không đến mua sắm tại siêu thị Big C Cantavil, dịp lễ 2-9 vừa qua, chị Nguyễn Bạch Mai (quận 2, TPHCM) mới quay trở lại tìm mua một số loại thực phẩm. Vừa gặp tôi, chị Mai tỏ ra ngạc nhiên về mức độ “làm mới” các nhóm hàng trên quầy kệ, nhất là nhóm thực phẩm tươi sống và nấu chín của siêu thị này.
Cách Big C Cantavil hơn 100m là đại siêu thị Metro, nay là Mega Market. Đây là điểm đến mua sắm lý tưởng của đại đa số gia đình có thu nhập cao của TPHCM, cùng những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Điều đáng lưu ý, những khách hàng dù mức thu nhập thấp vẫn có thể mua sắm được các sản phẩm vừa túi tiền, đồng thời được nếm thử nhiều loại thức ăn, nước uống miễn phí. Đây là điểm khác biệt mà nhiều siêu thị khác không có.
Dù là thương hiệu mới, hiện mới chỉ có 1 đại siêu thị hiện diện tại Việt Nam, nhưng Emart đã hoàn toàn chinh phục người tiêu dùng TPHCM. Ngoài cách bố trí, sắp xếp các quầy hàng đẹp mắt nhờ mặt bằng rộng, hàng hóa đa dạng (trong có đó rất nhiều sản phẩm đến từ Hàn Quốc), Emart còn trở thành nơi ăn uống, vui chơi, giải trí cho nhiều đối tượng khách hàng. Điểm qua một vài hệ thống siêu thị của doanh nghiệp FDI để thấy rằng, khối ngoại rất tích cực trong việc thay đổi, liên tục làm mới từ hình ảnh đến quầy kệ, hàng hóa để thu hút khách hàng.
Trong khi đó, từ đầu năm 2016 đến nay, người thực hiện bài viết cũng đã ghi nhận rất nhiều thông tin từ các đồng nghiệp, người thân là họ đã không còn đến mua sắm tại một số siêu thị trong nước - vốn gắn bó một thời gian dài.
Anh Đ.T.Anh, công tác tại một cơ quan báo của TPHCM, nhiều lần bức xúc: “Em phải góp ý cho ban giám đốc, siêu thị gì mà cứ đến chiều thì hết rau, bước vào khu thực phẩm tươi sống thì hôi rình, các quầy kệ, cách bán hàng sau bao nhiêu năm rồi vẫn thế”.
Tăng tốc đầu tư
Với những thành công từ việc thu hút khách, khối ngoại đang tìm mọi cách tăng tốc và đầu tư phát triển các siêu thị, đại siêu thị và TTTM tại Việt Nam, thông qua các thương vụ M&A hoặc tự đầu tư mới.
Tập đoàn Aeon đang đầu tư một TTTM ở Hà Nội với tổng vốn 200 triệu USD, một TTTM tại Đà Nẵng cũng khoảng 100 triệu USD và một TTTM tại quận 8 (TPHCM), cũng có vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD. Như vậy, chỉ riêng 3 TTTM chuẩn bị xây mới của Aeon đã có vốn đầu tư lên tới 500 triệu USD. Kế hoạch đến năm 2020, Aeon đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng phát triển mới hệ thống bán lẻ; Emart cũng sẽ đầu tư 25.000 tỷ đồng; Lotte Mart và Auchan sẽ nâng vốn điều lệ lên vài chục ngàn tỷ đồng… Ngay sau khi mua thành công hệ thống Big C tại Việt Nam từ Tập đoàn Casino, tháng 11-2016 vừa qua, Central Group công bố các kế hoạch đầu tư và kinh doanh dài hạn tại thị trường Việt Nam. Trước mắt, Central Group Việt Nam sẽ đầu tư khoảng 30 triệu USD để nâng cấp 13 trung tâm bán lẻ Big C.
Mua bán quần áo thời trang tại VivoCity (quận 7, TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG
Ngoài sức mua lớn, dân số trẻ, thì số lượng các siêu thị, TTTM còn quá ít so với mật độ dân cư cũng như tốc độ đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh và mạnh tại nhiều thành phố lớn của Việt Nam. Điều này có thể lý giải về việc các doanh nghiệp FDI chấp nhận chi hàng chục triệu USD để “chạy trước, đón đầu” ở khu vực các quận ven của TPHCM.
Nhìn lại mình, hiện chỉ có Saigon Co.op đang “căng mình” để đối phó. Cho dù vẫn đứng ở vị trí Nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, nhưng nếu xếp theo thứ hạng thì Saigon Co.op chỉ đứng vào tốp 200 nhà bán lẻ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, các đối thủ đều là doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu thế giới như Aeon (Nhật Bản) đứng thứ 16 thế giới; Casino (Pháp), chủ đầu tư chuỗi siêu thị, TTTM Big C đã chuyển giao cho một đối tác Thái Lan, đứng thứ 15; Auchan (Pháp) đứng thứ 13; Seven Eleven đứng thứ 19; Lotte (Hàn Quốc) đứng thứ 4…
Làm thế nào để doanh nghiệp trong nước trụ vững trong tiến trình hội nhập? Đâu là điểm yếu của các doanh nghiệp nội? Những vấn đề này cần được xem xét và đặt ra một cách nghiêm túc, bằng không doanh nghiệp Việt sẽ thua trắng trên sân nhà.
Đứng thứ 6 trong chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu
Từ thực tế đầu tư, sức ép cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội và ngoại trong các phân khúc này ngày càng khốc liệt, bởi tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất lớn. Hãng tư vấn A.T.Kearney của Mỹ đã khảo sát và kết luận Việt Nam đang là 1 trong 6 nước có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Đồng thời, hãng này cũng công bố Việt Nam đã tăng 5 bậc, lên vị trí thứ 6 trong chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu, đây được xem là sự trở lại ngoạn mục trong bảng xếp hạng mà Việt Nam từng đạt được trong lịch sử - cũng do hãng này khảo sát.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu ngành bán lẻ trong tháng 6 đầu năm 2017 ước đạt 64,3 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2016. Với đà tăng trưởng như hiện nay, giới phân tích nhận định, nhiều khả năng, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ cán mốc 130 tỷ USD ngay trong năm 2017.