Để ghi nhận thực trạng trên, chúng tôi đã thuê 1 ghe nhỏ của ngư dân thực địa vùng cảng cá Quy Nhơn (khu vực giáp ranh với Tân cảng Quy Nhơn, thuộc Công ty CP Tân cảng Quy Nhơn). Nhiều khối đất, đá, xà bần… cũ, mới đổ lên từng đống sát vách cảng hàng của Tân cảng Quy Nhơn, đã lấn dần diện tích mặt nước vùng tiếp giáp.
Các ngư dân phản ánh, hoạt động này diễn ra lẻ tẻ, không rầm rộ nhưng đã kéo dài gần 1 năm nay. Vào mùa mưa bão, tàu cá của ngư dân vào trú bão nhiều, cộng thêm các hoạt động của cảng gây chật chội, thường xuyên bị tắc lối vào. Đặc biệt, việc bồi lấp, lấn cảng gây ảnh hưởng về lâu dài đối với các đội tàu đóng mới theo Nghị định 67. Các tàu này có kích thước và công suất lớn, đều tập trung về cảng cá Quy Nhơn.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc cảng cá Quy Nhơn, cho biết: “Việc thi công cầu cảng của Tân Cảng Quy Nhơn không những làm hẹp cảng, mà còn ngăn dòng chảy, gây bồi lấp, đặc biệt vào mùa mưa lũ. Luồng vô ra bị kẹp làm cho cửa vào thắt lại gây kẹt cứng, ùn ứ. Gần đây, đã có một số vị trí trong vùng nước của cảng cá Quy Nhơn bị cạn, khiến tàu thuyền ngư dân ra vào khó khăn, thường xuyên xảy ra va chạm”. Theo Ban Quản lý Cảng cá Bình Định, trước đó vào tháng 6-2016, đã làm văn bản gửi Sở NN-PTNT Bình Định để báo cáo thực trạng, nhưng đến nay các đơn vị chức năng vẫn chưa vào cuộc. Khi chúng tôi đến làm việc với Sở NN-PTNT Bình Định, lãnh đạo sở này cho biết, trước nay vẫn chưa nhận được văn bản báo cáo nào từ Ban Quản lý Cảng cá Bình Định nên chưa nắm rõ vụ việc (?).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào năm 2010, Tân cảng Quy Nhơn đã được UBND tỉnh Bình Định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại vị trí phía Tây Cảng cá Quy Nhơn. Theo đó, doanh nghiệp này được UBND tỉnh cho thuê 121.560m2 (trong đó, có trên 12.761m2 đất; trên 108.798m2 mặt nước), mục đích để sản xuất kinh doanh, xây dựng cảng container 30.000 DWT. Doanh nghiệp sẽ phải trả tiền thuê đất hàng năm; thời hạn thuê đất là 50 năm.
Ông Phạm Văn Thành, Giám đốc Công ty CP Tân cảng Quy Nhơn, cho biết: “Hiện tại, chúng tôi chỉ mới xây có 2 cầu cảng, 2 bãi chứa dăm gỗ. Diện tích 7ha mặt nước còn lại chúng tôi sẽ tiếp tục lấp hết để làm bãi chứa. Hiện các tàu cá ngư dân vẫn đang đậu trên đất chúng tôi, tại họ chưa biết nên lầm tưởng đó là luồng neo đậu trú bão”. Còn việc đổ đất, đá, xà bần…, ông Thành cho hay, đó là vật liệu tận dụng thi công công trình trong cảng, đổ để mở rộng bãi container, không có gì sai trái.
Về việc này, ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở TN-MT Bình Định, cho hay: “Đối với Tân cảng Quy Nhơn, trước đó, khi tỉnh giao đất thì Sở TN-MT cũng đã đánh giá tác động môi trường, cắm mốc rồi”. Tuy nhiên, ông Thành cũng thừa nhận, từ khi giao dự án cho Tân cảng Quy Nhơn, sở chưa thành lập tổ hậu kiểm để kiểm tra, giám sát nên doanh nghiệp đổ đất đá, xà bần… như hiện nay.
Được biết, cảng cá Quy Nhơn trước đó được Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) xếp hạng cảng cá loại I; được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo Luật Thủy sản (ban hành vào ngày 21-11-2017) quy định, cảng cá loại I phải đảm bảo tiêu chí “có vùng nước cảng tối thiểu từ 20ha trở lên”. Đối với những cảng cá loại I không đáp ứng được các tiêu chí quy định mà không có biện pháp khắc phục thì sẽ bị xuống hạng hoặc đóng cửa.
Theo ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Bình Định, việc Tân cảng Quy Nhơn lấp biển để làm bãi hàng sau cầu cảng, chắc chắn sẽ khiến cho cảng cá Quy Nhơn không giữ được tiêu chí như Luật Thủy sản quy định và có nguy cơ rớt xuống hạng II. Điều này đồng nghĩa với việc, cảng cá sẽ mất suất đầu tư của Trung ương, mất luôn cơ hội đón các tàu hoạt động thủy sản của nước ngoài vào cảng, gây nhiều bất lợi cho tỉnh Bình Định.