Cần thực sự lắng nghe

Tháng 8-2015, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để lấy ý kiến nhân dân. Bản dự thảo đã được người dân, trong đó có các chuyên gia giáo dục, đóng góp nhiều ý kiến. 
Thời gian lấy ý kiến dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đến hết ngày 20-5-2017
Thời gian lấy ý kiến dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đến hết ngày 20-5-2017
Văn phòng Chính phủ ngày 25-4 cho biết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) kéo dài thời gian lấy ý kiến dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đến hết ngày 20-5-2017. 

Trước đó, ngày 12-4, Bộ GD-ĐT đã đưa dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lấy ý kiến lần thứ 2, thời gian kéo dài đến 29-4. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT kéo dài thời gian lấy ý kiến để các nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý và nhân dân tiếp tục góp ý. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT cùng với việc nghiêm túc, cầu thị tiếp thu những ý kiến đóng góp xác đáng thì cần trao đổi, làm rõ những vấn đề còn tranh luận.

Dự thảo lần này là sự kế thừa dự thảo trước, đồng thời được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân. Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể vừa công bố có rất nhiều điểm mới so với chương trình hiện hành, theo định hướng tiếp cận năng lực, xây dựng chân dung người học sinh mới, có sự phân biệt rõ giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp... Chương trình mới sẽ bắt đầu được triển khai từ năm học 2018-2019. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều ý kiến còn băn khoăn với các vấn đề của dự thảo, từ mục tiêu, tính triết lý của chương trình đến nội dung cụ thể như các môn học, yêu cầu về phẩm chất và năng lực, điều kiện để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới... Chính vì vậy, việc Bộ GD-ĐT dự định lấy ý kiến dự thảo chương trình chỉ trong vòng hơn 2 tuần (từ 12-4 đến 29-4) theo nhiều người là quá gấp gáp. Việc Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kéo dài thời gian lấy ý kiến đến hết ngày 20-5 là rất thỏa đáng, được nhiều nhà giáo dục đánh giá cao. 

Theo kế hoạch, đến tháng 9 này, toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học sẽ được ban hành. Chương trình đã được thực nghiệm trong quá trình xây dựng dưới nhiều hình thức, kể cả biên soạn và dạy thực nghiệm một số nội dung mới. Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức tập huấn cho các tổ chức, cá nhân viết sách giáo khoa và tập huấn giáo viên dạy theo chương trình mới. Bộ GD-ĐT cho rằng có khả năng thực hiện đúng tiến độ Quốc hội đã đề ra: đầu năm học 2018-2019 sẽ triển khai chương trình mới và toàn bộ việc triển khai chương trình mới sẽ hoàn thành vào năm học 2022-2023.

Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, chương trình GDPT mới là vấn đề rất quan trọng, vì vậy, dù tiến độ “căng” nhưng yêu cầu bảo đảm chất lượng vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Nếu chỉ vì khiên cưỡng để kịp tiến độ mà chúng ta làm không kỹ lưỡng, sẽ để lại hậu quả đáng tiếc. Để chương trình giáo dục phổ thông mới đạt chất lượng cao nhất, bảo đảm được tính ổn định lâu dài, khắc phục được những bất cập của chương trình hiện hành thì Bộ GD-ĐT cần lắng nghe ý kiến đóng góp của nhiều nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, các thầy cô giáo, các em học sinh và bất cứ ai quan tâm đến giáo dục. Muốn thế, cần có một thời gian đủ để xã hội đóng góp ý kiến cho dự thảo, để khi chương trình mới được ban hành, sự đồng thuận của xã hội phải cao nhất.

Mặt khác, cũng cần khẳng định rằng, nếu chương trình bảo đảm chất lượng; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cấp cơ sở được chuẩn bị tốt; cơ sở vật chất của các trường đáp ứng được yêu cầu, ít nhất là đối với lớp 1 thì công việc mới nên triển khai. Nhưng nếu không bảo đảm chắc những điều kiện tối thiểu nói trên thì phải báo cáo Chính phủ, Quốc hội quyết định, như ý kiến GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới đã khẳng định.

Tin cùng chuyên mục