Sau khi UBND TP Cần Thơ chỉ đạo ngành giáo dục cho phép toàn bộ học sinh các cấp được tạm nghỉ học từ trưa 25 đến hết ngày 26-12 nhằm tránh bão số 16, rất đông học sinh (nhất là học sinh mẫu giáo và cấp tiểu học) không người trông coi do cha mẹ bận đi làm. Vì vậy, UBND TP Cần Thơ vừa ra quyết định cho phép các nữ viên chức, công chức, người lao động có con nhỏ, trong toàn TP Cần Thơ được nghỉ làm từ chiều 25 đến hết 26-12 để chăm con.
Theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ: Để đảm bảo an toàn cho học sinh trước diễn biến bất thường của bão 16, TP Cần Thơ quyết định cho học sinh các cấp được tạm nghỉ học từ trưa ngày 25 đến hết ngày 26-12. Thế nhưng, việc này làm nhiều gia đình gặp khó khăn trong việc giữ trẻ. Vì vậy, ngay trong ngày 25-12, UBND TP Cần Thơ đã có quyết định cho nữ viên chức, công chức, người lao động có con nhỏ được nghỉ làm việc từ chiều 25 đến hết ngày 26-12.
UBND TP Cần Thơ yêu cầu Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan ban ngành thành phố, Thủ trửng cơ quan Trương ương đóng trên địa bàn, Chủ tịch UBND quận, huyện và giám đốc các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố… cho phép nữ viên chức, công chức và người lao động có con nhỏ đang làm việc tại đơn vị nghỉ việc từ chiều 25 đến hết 26-12 để chăm con.
Trong thời gian này, Giám đốc sở, Thủ trưởng các đơn vị, công ty, doanh nghiệp có trách nhiệm bố trí nhân sự thay thế, đảm bảo hoạt động sản xuất và công tác chủ động ứng phó với bão số 16. Nhận được công văn này, các đơn vị nêu trên tổ chức thực hiện ngay.
Quyết định này đã làm cho nhiều nữ viên chức “thờ phào” vì có điều kiện chăm sóc con nhỏ an toàn trước tình hình mưa bão đang diễn ra khá phức tạp.
Ngày 25-12, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đến kiểm tra công tác ứng phó với bão số 6 tại tỉnh Kiên Giang. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị đã đi khảo sát những nơi người dân trú bão 16 và khu vực tàu cá neo đậu tàu thuyền ở cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành với khoảng 2.000 tàu cá neo đậu.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đã làm tốt công tác kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh bão an toàn; chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân chủ động ứng phó với bão khá tốt. Tại điểm trường Mầm non Bình An (xã An Bình, huyện Châu Thành) – nơi được chính quyền địa phương chọn bố trí người dân vào trú bão được thực hiện chu đáo, đảm bảo an toàn... Đối với, điểm “nóng” là huyện đảo Phú Quốc, cần triển khai gấp việc di chuyển các tàu từ phía Đông sang phía Tây đảo để né bão, đồng thời tránh trường hợp các tàu va đập nhau khi bão số 16 ập đến. Ngoài ra, Kiên Giang cũng sẵn sàng huy động lực lượng hỗ trợ di dời hơn 38.000 hộ dân với gần 200.000 người đến nơi an toàn, khi có bão đến...
Tại Hậu Giang, để ứng phó với bão số 16, Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Văn Hùng đã yêu cầu các sở ngành, các địa phương xuống cùng người dân trong tỉnh, hỗ trợ bà con chằng chống nhà cửa, phát quang cây cối xung quanh nhà, củng cố đường dây điện tự kéo cho chắc chắn, hướng dẫn người dân tìm nơi trú ngụ an toàn. Ngoài việc cho học sinh nghỉ từ trưa ngày 25 đến hết 26-12, tỉnh cũng chỉ đạo các bến đò ngang, đò dọc trên kênh, rạch ngừng hoạt động trong thời gian mưa to gió lớn, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ.
Ngoài việc phân công trực 24/24, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố cũng tham gia chỉ huy lực lượng xung kích, dân quân tự vệ tại chỗ giúp người dân, kiểm tra hệ thống đê bao vườn cây ăn trái, vùng nuôi trồng thủy sản, kiểm tra ngay những đoạn xuống cấp có khả năng bị nước tràn gây vỡ đê; kiểm tra các vùng sạt lở và có nguy cơ sạt lở, di dời những hộ dân ở những vùng sạt lở đến nơi an toàn, đặt biển báo nguy hiểm ở những khu vực có nguy cơ sạt lở cao để bảo đảm an toàn cho người dân. Hội Chữ thập đỏ huy động các câu lạc bộ, những người tình nguyện làm công tác nhân đạo, chuẩn bị và sẵn sàng cấp phát mì ở những điểm người dân trú ngụ, hỗ trợ gạo với những điểm bị ảnh hưởng do bão.