Ngân hàng đồng hành
Hiện tại, TPHCM có rất nhiều chương trình ưu đãi vốn dành cho DN như: Chương trình kết nối Ngân hàng - DN, Chương trình hỗ trợ ưu đãi kích cầu, Chương trình hỗ trợ DN đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp phụ trợ ... Riêng Chương trình kết nối Ngân hàng - DN TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng số tiền các ngân hàng thương mại giải ngân (theo gói cam kết hỗ trợ gần 260.000 tỷ đồng) là hơn 123.000 tỷ đồng cho gần 2.700 DN vay. Ngoài ra, chương trình cũng ký kết hỗ trợ vốn 120 DN thuộc lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vay gần 7.000 tỷ đồng vốn ưu đãi. Các quận huyện cũng tổ chức kết nối gần 200 DN thuộc các lĩnh vực ưu tiên được vay hơn 4.400 tỷ đồng... Ngân hàng Sacombank triển khai riêng gói cho vay ưu đãi lên đến 10.000 tỷ đồng dành cho DNVVN, đặc biệt là các DN sử dụng đồng thời nhiều sản phẩm dịch vụ của Sacombank trên phạm vi toàn quốc với lãi suất từ 6% - 7%/năm (vay ngắn hạn) và 8,5%/năm vay mua ô tô (trung và dài hạn)…
Không chỉ những gói hỗ trợ lãi suất, các ngân hàng cũng có những chính sách riêng cho khối DN này. Cụ thể, Vietcombank đang thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy, xây dựng bộ phận chăm sóc khách hàng riêng biệt, bộ phận xây dựng chính sách sản phẩm và bộ phận bán hàng chuyên biệt cho DNVVN. Với các chính sách khách hàng linh hoạt, Vietcombank chủ động tìm kiếm khách hàng trong tất cả các lĩnh vực có DNVVN tham gia, trong đó ưu tiên DNVVN ngành công nghiệp phụ trợ, DN vệ tinh, DN tham gia vào chuỗi sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng tập trung giải quyết và đáp ứng nhu cầu về vốn lưu động, vốn đầu tư trung - dài hạn; trong đó đã bỏ một số điều kiện về tài sản bảo đảm, giảm tỷ lệ tài sản đảm bảo tùy thuộc vào xếp hạng tín dụng, do vậy các DNVVN có thể thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay ngân hàng. Bên cạnh lãi suất ưu đãi 6,5%/năm vay VND và vay USD từ 2,8%/năm, Vietcombank cũng cam kết các mức lãi suất cố định 2 năm, 3 năm, 5 năm, giúp DNVVN quản trị chi phí, an tâm sản xuất kinh doanh với mức lãi suất cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, Vietcombank đưa ra các chương trình cho vay với lãi suất cạnh tranh, áp dụng chuyên biệt cho các DN khởi nghiệp và DN khởi nghiệp sáng tạo…
60% vốn là “tín dụng đen”
Mặc dù vậy, nhiều DNVVN vẫn khá chật vật khi tiếp cận với các nguồn vốn trên. Ông Nguyễn Anh Tuấn, chủ một DN thủy sản tại TPHCM, cho biết là DNVVN nguồn vốn có hạn nên rất cần vay vốn ưu đãi cũng như các chính sách hỗ trợ từ ngân hàng. Các chính sách từ nhà nước giúp khơi thông nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, cũng như các quỹ đầu tư dành cho DNNVV chính là “phao cứu sinh” cho DN, thế nhưng thực tế khi đi vay DN gặp rất nhiều khó khăn về mặt thủ tục. Bên cạnh đó, DN nào cũng muốn đổi mới sáng tạo, tiếp cận công nghệ mới để phát triển nhưng tiếp cận vốn để đầu tư công nghệ hiện nay quá khó khăn. Tương tự, một DN cơ khí đi lên từ mô hình kinh doanh hộ gia đình ở TPHCM thì khó khăn lớn nhất khi vay vốn tại ngân hàng là không có tài sản đảm bảo do công ty mới thành lập, quy mô còn nhỏ. DN mong muốn mở rộng sản xuất và tăng trưởng để có cơ hội tiếp cận những đơn hàng lớn, nhưng nguồn vốn bị hạn chế nên DN này phải huy động vốn từ gia đình và các nguồn khác bên ngoài để duy trì hoạt động.
Về việc này, lãnh đạo Ngân hàng BIDV chi nhánh Bến Nghé nhìn nhận, bên cạnh nguồn vốn ngân hàng, các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNVVN ở Việt Nam không thiếu, nhưng thời gian qua hoạt động không hiệu quả. Để các quỹ này phát huy tác dụng, cơ chế chính sách phải rõ ràng, chi tiết và đảm bảo an toàn cho cả người được bảo lãnh và người ký bảo lãnh. Bên cạnh đó, nhiều DN có ý tưởng công nghệ mới rất hay nhưng chưa có sản phẩm thực tế nên không có tài sản đảm bảo vay vốn theo đúng quy định. Do đó, nhà nước cần có chính sách cụ thể về vấn đề công nghệ mới (giống như các quỹ đầu tư mạo hiểm chấp nhận rủi ro trong lĩnh vực công nghệ mới), từ đó tạo điều kiện cho cả ngân hàng và DN có điều kiện tiếp cận vốn.
Tại diễn đàn Kinh tế Việt Nam mới đây, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Đại học Fulbright Việt Nam, nhìn nhận việc phát triển thị trường vốn hiện nay mới giải quyết được nguồn vốn cho DN lớn và quy mô trung bình. Những DNVVN vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn và buộc phải sử dụng đến nguồn “tín dụng đen”. Với kinh nghiệm từng tham gia cấu trúc nhiều DN, đại diện Công ty Tái cấu trúc DN Việt có cùng quan điểm, phần lớn DNVVN là những thanh niên, kỹ sư đi lên từ đam mê, mong muốn khởi nghiệp. Nhóm DN này không biết gì về vốn, trong khi việc tiếp cận ngân hàng không dễ. Vốn thực của họ chỉ chiếm 20% - 30%, còn lại là liên kết tài chính giữa gia đình, bạn bè... Khi ngân hàng không cho vay, trái phiếu Chính phủ không thể tiếp cận, họ buộc phải sử dụng đến nguồn vốn không chính thức là “tín dụng đen”. Theo vị này, thị trường vốn hiện nay có nhiều loại hình cho vay nhưng chi phí tương đối cao. Có DNVVN có tới 60% tổng vốn sản xuất kinh doanh là vốn từ “tín dụng đen”. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc DN phải vay “tín dụng đen” như thủ tục vay nhanh gọn, không vướng điều kiện chặt chẽ như của ngân hàng. Ngoài ra, không ít DN vay “tín dụng đen” để trả nợ cho ngân hàng.
Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải làm thế nào để nhà nước giúp và cung ứng nguồn vốn. Cụ thể, 2 bên cùng ngồi lại với nhau để tháo gỡ, rà soát lại để đơn giản hóa thủ tục cho vay, thủ tục thanh toán. Cùng với đó, nhà nước cần những chương trình ưu đãi để có cách tiệm cận tốt hơn. Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng, trong bối cảnh nhiều DNVVN chưa thể tiếp cận vốn ngân hàng thì các gói sản phẩm như thuê mua tài sản có thể là kênh để khối DN này tiếp cận vốn hoặc đẩy mạnh công cụ khác như Fintech (dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ) nhằm hạn chế “tín dụng đen”. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cũng đồng tình và cho biết, hiện NHNN đã thành lập Ban chỉ đạo Fintech và cơ quan quản lý sẽ sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy hình thức này phát triển tại Việt Nam nhằm giúp DN có thêm kênh tiếp cận vốn.
Bà PHẠM THỊ NGỌC HÀ, Giám đốc Công ty TNHH San Hà: Khó tiếp cận vốn vaySan Hà là một trong những đơn vị tham gia chương trình bình ổn, cung ứng sản phẩm gia cầm phục vụ thị trường. Ngoài việc đáp ứng đủ sản lượng, DN còn phải cung ứng các mặt hàng với giá cả cạnh tranh, trong khi DN vẫn còn lệ thuộc từ nguồn thực phẩm nhập khẩu. DN mong muốn có thể gia tăng nguồn hàng cung ứng để phục vụ nhu cầu thị trường và rất cần nhà nước có cơ chế giúp DN thêm nhiều cơ hội, động lực để hoàn thành mục tiêu đề ra. Hiện vướng mắc chính của DN ở chỗ đang “khát vốn”. Để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, thực không dễ dàng, nhất là khoản vay theo hình thức tín chấp. Mọi khoản vay đều cần có tài sản đảm bảo, mà tài sản chủ yếu là đất đai. Tuy vậy, để nhận quyền sử dụng đất đai, DN vướng rất nhiều thủ tục hành chính. Chẳng hạn phải chờ phù hợp quy hoạch tại địa phương (các sở ban ngành họp lấy ý kiến...). Thậm chí, DN thường phải tự xoay xở nguồn vốn để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng cũng phải... chờ chủ trương thông qua. Có những trường hợp chờ văn bản thủ tục đăng ký, cộng thêm các hướng dẫn từ cơ quan ban ngành, dẫn đến khi hoàn thiện, DN phải mất cả năm trời, tiêu tốn khá nhiều thời gian, cơ hội phát triển của DN. Có thể thấy, thời gian qua, DN tiếp nhận khá nhiều chủ trương tích cực từ Chính phủ và các cơ quan ban ngành, nhưng thực thế trong quá trình hoạt động phát sinh hàng loạt vướng mắc liên quan đến yếu tố vốn vay ưu đãi, cơ chế chính sách... Đây là vòng luẩn quẩn cần được Nhà nước quan tâm, tháo gỡ.
Tuyên truyền rộng rãi chính sách ưu đãi
Vừa qua, FFA và Saigon Food đã soạn thảo Đề án “Nâng cao bữa ăn tươi học đường an toàn và dinh dưỡng”, đang chờ Ban chấp hành FFA góp ý thông qua, để trình lãnh đạo TP. Đây có thể được xem là một trong 10 đề án trọng điểm của TPHCM trong thời gian tới về lĩnh vực an toàn thực phẩm. Hiện Saigon Food luôn tiên phong trong việc nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ hiện đại để đưa ra thị trường những sản phẩm mới. Do tốn nhiều thời gian và chi phí nghiên cứu công nghệ, thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, đầu tư dây chuyền sản xuất, sản xuất thử, cho đến khi sản xuất đại trà và tiếp cận người tiêu dùng nên DN không còn đủ nguồn lực tài chính để quảng bá sản phẩm, cũng như phát triển hệ thống phân phối. Lúc đó, các công ty nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh và với hệ thống phân phối có sẵn, sẽ dễ dàng làm theo và phát triển mạnh hơn. Các công ty như Saigon Food sẽ khó đứng vững trên thị trường. THI HỒNG - THANH HẢI (ghi) |