Cần một sự công bằng

Mới đây, tại hội nghị sơ kết học kỳ 1 năm học 2016-2017 ngành giáo dục đặc biệt do Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM tổ chức, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, Trưởng ban chỉ đạo Giáo dục khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn TP, lưu ý 24 quận, huyện tạo mọi điều kiện để giáo viên tham dự hội thi giáo viên dạy giỏi học sinh khuyết tật cấp TP.
Cần một sự công bằng

Mới đây, tại hội nghị sơ kết học kỳ 1 năm học 2016-2017 ngành giáo dục đặc biệt do Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM tổ chức, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, Trưởng ban chỉ đạo Giáo dục khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn TP, lưu ý 24 quận, huyện tạo mọi điều kiện để giáo viên tham dự hội thi giáo viên dạy giỏi học sinh khuyết tật cấp TP.

Theo đó, đây không chỉ là sân chơi cho giáo viên giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm mà còn tạo điều kiện để các thầy, cô có thêm thành tích bổ sung vào hồ sơ xét tặng các danh hiệu, giải thưởng chung của ngành giáo dục. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT, dù đã phát động hội thi từ nhiều tháng qua, nhưng đến nay chỉ có 16 trên tổng số 24 quận, huyện có giáo viên đăng ký tham dự. Mỗi đơn vị đăng ký dự thi 2 người, giờ chót một giáo viên xin rút tên vì lý do sức khỏe nên tổng số giáo viên tham dự hội thi năm nay là 31 người.

Xã hội cần quan tâm hơn nữa đến giáo viên dạy trẻ khuyết tật. Trong ảnh: Thầy và trò trong giờ tập vận động tại Trường Chuyên biệt Rạng Đông, vừa chuyển đổi hoạt động thành Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Chánh (huyện Bình Chánh)

Đại diện Phòng GD-ĐT quận 1, một trong những đơn vị không có giáo viên tham dự hội thi năm nay, cho biết do vướng một số quy chế, lấn cấn trong việc xác định tiêu chí tham dự hội thi giáo viên dạy giỏi học sinh khuyết tật cấp thành phố và hội thi giáo viên dạy giỏi bậc mầm non (do UBND quận 1 tổ chức 2 năm/lần) nên năm nay quận 1 không có ứng viên tham dự hội thi cấp TP. Thêm vào đó, một đại diện Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Suối Tiên (quận 9) - đơn vị tư nhân hoạt động theo mô hình “tự thu tự chi” - phản ánh thêm thực tế là hiện nay giáo viên tại các trung tâm, đơn vị giáo dục hòa nhập ngoài công lập chưa được tạo điều kiện tham gia các hội thi, hoạt động do Sở GD-ĐT TP tổ chức. “Mong mỏi chung của tất cả chúng tôi là được hưởng sự công bằng trong giáo dục, trong đó giáo viên dù ở đơn vị công lập hay ngoài công lập đều được tạo điều kiện tham dự các buổi tập huấn, đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn do Sở GD-ĐT tổ chức”, vị này cho biết.

Tính đến hết học kỳ 1 năm học 2016-2017, toàn TP có 9 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và 23 trường, lớp chuyên biệt đang hoạt động, trong đó có 13 đơn vị ngoài công lập. Chưa kể số lượng học sinh khuyết tật đang học hòa nhập tại các trường công lập trên địa bàn TP với hơn 5.000 em, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là bậc tiểu học với hơn 2.400 học sinh đang theo học. Để đáp ứng nhu cầu học tập này, TP hiện có 11.634 giáo viên đang dạy tại các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, trường chuyên biệt và lớp hòa nhập tại các trường công lập trên địa bàn TP. Nhu cầu học tập, nâng cao trình độ của đội ngũ này đang là bài toán đặt ra bức thiết cho các nhà quản lý. Song, vì sao hội thi giáo viên dạy giỏi cấp TP, sân chơi hiếm hoi của giáo viên ở hệ giáo dục này, lại chưa thu hút nhiều người tham dự?


MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục