Theo cử tri các tỉnh, thành nêu trên, tham nhũng về chính trị, quyền lực cũng là vấn đề gây bức xúc, đang diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước, mà một trong những biểu hiện rõ nét nhất là hiện tượng nhiều người trong gia đình giữ các chức vụ quan trọng tại địa phương.
Cử tri nhấn mạnh yêu cầu quan tâm đến nội dung này và bổ sung giải pháp hữu hiệu khi sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, Luật Phòng chống tham nhũng cũng cần quan tâm quy định chặt chẽ hơn về minh bạch tài sản, thu nhập, kiểm soát tài sản của người có chức vụ...
Phản hồi ý kiến cử tri, Thanh tra Chính phủ cho biết, dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tham nhũng đang chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp tới đã tập trung hoàn thiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập nhằm kiểm soát biến động tài sản, thu nhập theo hướng mở rộng một cách hợp lý diện đối tượng có nghĩa vụ kê khai; cụ thể hóa việc công khai bản kê khai để đảm bảo khả thi. Luật sửa đổi cũng quy định những trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh tài sản, thu nhập một cách chủ động; trình tự, thủ tục tiến hành xác minh và kết quả xác minh tài sản, thu nhập; quy định các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập…
Tuy nhiên, phần trả lời về vấn đề này chưa nêu rõ giải pháp phòng, chống tham nhũng về chính trị, quyền lực mà cử tri kiến nghị.
Cũng liên quan đến phòng, chống tham nhũng, cử tri An Giang đặt câu hỏi: Vì sao các vụ án tham nhũng lớn đến cả ngàn tỷ đồng mới được phát hiện và số tiền nhà nước thu hồi được lại rất thấp?
Thanh tra Chính phủ công nhận, công tác phòng chống tham nhũng còn nhiều hạn chế, như việc xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp còn chậm, kéo dài, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy hàng năm đều tăng, nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt. Tài sản tham nhũng trong một số vụ án bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. Năm 2017 kết quả thu hồi cũng không đạt chỉ tiêu 60% nêu trong nghị quyết 111/2015/QH13 của Quốc hội.
Theo Thanh tra Chính phủ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn, vướng mắc trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, trong đó có nguyên nhân về thể chế, chính sách. Song tội phạm tham nhũng thuộc nhóm tội có độ ẩn cao cả về hành vi phạm tội và tài sản bị chiếm đoạt. Kẻ phạm tội luôn có xu hướng che giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa những tài sản do tham nhũng mà có, dẫn đến khó khăn cho việc truy tìm, thu hồi tài sản. Chính vì thế, việc xử lý người đứng đầu và thu hồi tài sản là những nội dung trọng tâm mà Chính phủ đề xuất khi sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng.