Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917 - 7-11-2017)

Cách mạng Tháng Mười - Ánh dương luôn chói lọi

Cùng với Nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, chúng ta long trọng Kỷ niệm 100 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại. Đã 100 năm trôi qua, nhưng tiếng đại bác trên chiến hạm Rạng Đông ngày 7-11-1917, mở đầu cho cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, vẫn còn âm vang trong lịch sử nhân loại. 
LTS: Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi đã đi vào lịch sử nhân loại như một sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ XX, mở đầu thời đại mới, thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga không chỉ mở ra con đường giải phóng dân tộc cho các dân tộc thuộc địa, mà còn thức tỉnh, cổ vũ giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới đứng lên đấu tranh tự giải phóng và lựa chọn con đường giành tự do, dân chủ. 100 năm trôi qua nhưng các bài học của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa thời đại. Đối với Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười Nga có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khích lệ các tầng lớp nhân dân đứng lên tiếp tục công cuộc đấu tranh giành độc lập, ảnh hưởng mạnh tới sự ra đời của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Đặc biệt, Cách mạng Tháng Mười Nga cũng để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm vô giá trong việc tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Cách mạng Tháng Mười - Ánh dương luôn chói lọi ảnh 1

Bản hùng ca thế kỷ

Cách mạng Tháng Mười Nga đã chứng minh trên thực tế một chân lý, đó là giai cấp công nhân và Nhân dân lao động, dưới sự lãnh đạo của chính đảng của giai cấp công nhân, có thể giành thắng lợi trong một cuộc cách mạng kiểu mới - cuộc cách mạng lật đổ giai cấp bóc lột, xây dựng một xã hội do người lao động làm chủ, không còn cảnh người bóc lột người.

Cách mạng Tháng Mười Nga đã cổ vũ toàn nhân loại bị áp bức, trong đó có hàng triệu triệu người dân các nước thuộc địa, đứng lên giải phóng dân tộc, làm chủ tương lai và vận mệnh của mình. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Như ánh mặt trời rạng đông xua tan bóng tối, cuộc Cách mạng Tháng Mười đã chiếu rọi ánh sáng mới vào lịch sử loài người. Cách mạng Tháng Mười đã chặt đứt xiềng xích của chủ nghĩa đế quốc, phá tan cơ sở của nó và giáng cho nó một đòn chí mạng. Cách mạng Tháng Mười như tiếng sét đánh thức Nhân dân châu Á tỉnh giấc mê hàng thế kỷ nay. Cách mạng Tháng Mười đã mở ra trước mắt họ thời đại cách mạng chống đế quốc, thời đại giải phóng dân tộc” (1). 

Cách mạng Tháng Mười Nga, đó là cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử của nhân loại. Thật vậy, trước đó đã từng có không ít các cuộc cách mạng nổ ra, nhưng đó chỉ là sự thay đổi giai cấp áp bức bóc lột này bằng giai cấp áp bức bóc lột khác, thay đổi chủ nô bằng bạo ác hung tàn của phong kiến, thay phong kiến bằng giai cấp tư sản - đã vét cạn mồ hôi xương máu của công nhân và Nhân dân lao động.

Cách mạng Tháng Mười thì ngược lại, đã đưa những thành phần đông đảo nhất trong xã hội - công nhân - nông dân - những người lao động chân tay, trí óc phải là những người làm chủ đất nước, quản lý xã hội. Trên thực tế lúc bấy giờ - Cách mạng Tháng Mười mới diễn ra ở Nga, nhưng giai cấp công nhân và những người lao động trên toàn thế giới đã có một vị thế mới trong xã hội. Thực sự là một cuộc đổi đời của giai cấp công nhân, của Nhân dân lao động, những người vô sản đã đoàn kết lại trong phạm vi của một quốc gia và của một số nước.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã làm rung chuyển thế giới, lay động tận gốc rễ chủ nghĩa tư bản và phong kiến tồn tại hàng ngàn năm trong lịch sử, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Cách mạng Tháng Mười Nga đã làm thay đổi bản đồ chính trị của toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Có thể khẳng định rằng, cách mạng Việt Nam sẽ không có được những thắng lợi to lớn như ngày nay, nếu không có ngọn cờ Cách mạng Tháng Mười soi đường.  

Trong những ngày này, trong lòng chúng ta lại bồi hồi, xúc động nghĩ đến hơn 70 năm thành lập, khẳng định và phát triển của Đảng Cộng sản Liên Xô - Đảng của Lênin vĩ đại, các thế hệ Nhân dân Liên Xô đã chiến đấu và lao động quên mình cho những lý tưởng cao đẹp nhất của chủ nghĩa xã hội.

Chúng ta không bao giờ quên và mãi mãi biết ơn Liên  bang Xô-viết hùng mạnh “thành trì của hòa bình thế giới” - đã trở thành người bạn, người đồng chí, trụ cột đáng tin cậy của phong trào cách mạng thế giới, kiên trì đấu tranh bảo vệ hòa bình, ủng hộ sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và bảo vệ nền độc lập của các dân tộc bị áp bức, xây dựng tình hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa các nước trong cộng đồng quốc tế vì sự tiến bộ xã hội.

Thế giới sẽ không được quên và không bao giờ quên Nhân dân Liên Xô đã hy sinh 20 triệu người trong chiến tranh thế giới thứ 2 để cứu loài người thoát khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát-xít.

Chúng ta không bao giờ quên và nghiêng mình khâm phục sự phục hồi kỳ diệu sau chiến tranh và sự lớn mạnh cực kỳ nhanh của Nhà nước Xô-viết và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, là lực lượng ngăn chặn có hiệu quả nhất việc chủ nghĩa đế quốc gây ra chiến tranh thế giới mới, giữ gìn lâu dài hòa bình trên trái đất.

Nếu như không có Cách mạng Tháng Mười và không có chủ nghĩa xã hội hiện thực, cứ mặc cho chủ nghĩa đế quốc tự do cướp bóc và tự do tranh giành bằng súng đạn, thử hỏi thế giới sẽ ra sao? Cách mạng Tháng Mười đã mở ra thời kỳ mới cho loài người là khả năng ngăn ngừa chiến tranh và cùng tồn tại hòa bình. Đó mãi mãi là cống hiến vô giá mà lịch sử ghi nhận.

Có thể nói rằng, sự đổ vỡ trong khoảnh khắc của Nhà nước Xô-viết, và sự khủng hoảng của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới trong những năm cuối của thập niên 80, là một bài học lịch sử lớn đối với tất cả các đảng cộng sản và phong trào cách mạng của Nhân dân thế giới, là một tổn thất lớn lao, là nỗi đau của muôn người, muôn nhà, của các dân tộc bị áp bức.

Sự tan rã và nỗi đau lịch sử đó bắt nguồn từ những sai lầm trong xây dựng chính Đảng cách mạng; Nhà nước cách mạng, trong điều kiện Đảng cầm quyền; nhất là trong những bước ngoặt lịch sử, để bộ máy Đảng và bộ máy chính quyền còn quan liêu, xa rời quần chúng Nhân dân lao động, không đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của Nhân dân; đối lập lợi ích giữa dân với Đảng và Nhà nước. Đảng cầm quyền đã phạm những sai lầm khi định ra đường lối về cách thức, phương pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước và sự liên kết trong nỗ lực chung của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Sự rạn nứt và mất đoàn kết trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế chậm được khắc phục là một tổn thất lớn đối với sức mạnh cách mạng mỗi nước và đối với phong trào cách mạng quốc tế. Bên cạnh đó, điều quan trọng là đã thiếu cảnh giác đối với chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch chống chủ nghĩa xã hội, chúng đã thay đổi chiến lược tấn công vào chủ nghĩa xã hội. Tất cả những điều đó cho thấy, Liên bang Xô-viết sụp đổ, chính do những sai lầm xuất phát từ việc xa rời những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, chứ không phải việc xây dựng chủ nghĩa xã hội theo Chủ nghĩa Mác - Lênin là sai lầm.

Và đó cũng là bài học vô cùng quý giá cho chính chúng ta!

Sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết là một tổn thất to lớn, vô cùng đau xót không chỉ của những người cộng sản mà còn của cả loài người tiến bộ nhưng không vì thế có thể làm lu mờ được ngọn cờ tư tưởng bất diệt của Cách mạng Tháng Mười Nga, của chủ nghĩa cộng sản. Trên thế giới ngày nay vẫn tồn tại những nhà nước xã hội chủ nghĩa chiếm 1/5 diện tích toàn cầu với gần 1,5 tỷ người. Không chỉ thế, hàng chục đảng cộng sản, đảng công nhân với hàng chục triệu đảng viên vẫn đang có ảnh hưởng chính trị to lớn ngay ở những nước tư bản phát triển. 

Lịch sử có những bước ngoặt, có những lúc thăng trầm, nhưng chủ nghĩa xã hội, một mô hình nhà nước kiểu mới, một bước tiến của nền văn minh nhân loại, xuất hiện từ Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn mãi là xu thế của thời đại, là hình mẫu lý tưởng mà nhân loại tiến bộ cùng nhau vươn tới. 

Mãi là nguồn sáng dẫn đường 

Chúng ta đều biết, khi Nhân dân Nga làm cách mạng vô sản thành công, thì Việt Nam chúng ta đang chìm trong đêm dài nô lệ. Cả dân tộc đứng trước sự khủng hoảng trầm trọng về con đường cứu nước, cứu dân. Nhớ lại những ngày khi giặc Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta, biết bao phong trào, biết bao cuộc nổi dậy hừng hực lửa yêu nước, quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm, từ các cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Trung Trực, Trương Công Định, Thủ Khoa Huân đến phong trào Cần Vương, Duy Tân. Song, các cuộc khởi nghĩa đó đều thất bại. Bởi một lẽ, đường lối ấy chưa đáp ứng được yêu cầu cơ bản của các tầng lớp nông dân, công nhân lúc bấy giờ. Đường lối ấy không phù hợp với tình hình đất nước và xu thế của thời đại.

Giữa lúc các phong trào yêu nước đều lần lượt thất bại, Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi như một luồng gió mới, có sức hấp dẫn diệu kỳ đối với những người cách mạng Việt Nam. Tư tưởng của Lênin, của những người cộng sản đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc. Năm 1920, khi lần đầu tiên tiếp cận bản sơ thảo “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa”, Ngồi một mình mà nói to lên: “Hỡi đồng bào bị đày đọa đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Người reo lên một mình như nói cùng đất nước: 

“Cơm áo là đây - hạnh phúc đây rồi…
Luận cương của Lênin - theo Người về quê Việt
Lắng nghe trong màu hồng - hình đất nước phôi thai” (2) 

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cách mạng Tháng Mười là ngọn đèn chiếu rọi cho phong trào cách mạng trên thế giới. Bác đã từng nói: “Đối với Nhân dân và đặc biệt đối với những người cách mạng, Cách mạng Tháng Mười  vĩ đại là ngọn đèn pha soi sáng cuộc đấu tranh cho tự do và hạnh phúc. Cách mạng Tháng Mười đã đem đến cho chúng tôi Chủ nghĩa Mác - Lênin” (3). Trung thành với Chủ nghĩa Mác - Lênin và vận dụng sáng tạo trong điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước ta, Người đã thức tỉnh, hướng dẫn cả dân tộc đi theo cách mạng. Việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 và cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công đưa tới sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1945, đã khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường Cách mạng Việt Nam được dẫn dắt bởi lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga. Đó là con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, con đường duy nhất đúng để Nhân dân Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành được thành tựu to lớn và quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, giữ vững độc lập, đi tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta, các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân trên thế giới đã chịu ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng  Mười đối với phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa, phong trào giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh cho dân chủ hòa bình và tiến bộ trên toàn thế giới. Riêng với dân tộc ta, đất nước ta có thể nói rằng nếu không có Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại thì Nhân dân việt Nam không thể hoàn thành được cuộc Cách mạng Tháng Tám của mình. Thật vậy, thắng lợi của Liên xô trong cuộc chiến tranh Vệ quốc tiêu diệt chủ nghĩa phát-xít đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho Cách mạng Tháng Tám thành công.

Liên Xô luôn là chỗ dựa tinh thần của Cách mạng Việt Nam, đã trực tiếp giúp đỡ Cách mạng Việt Nam. Nhiều nhà lãnh đạo tiền bối của cách mạng và hiện nay đã được đào tạo, bồi dưỡng ở Liên Xô. Sự gắn bó giữa Cách mạng Việt Nam và Cách mạng Tháng Mười không chỉ bằng lý tưởng, bằng tình cảm, bằng vật chất mà còn bằng cả máu xương của chiến sĩ cách mạng hai nước. Thời kỳ Cách mạng Tháng Mười Nga vừa mới thành công, tạo nên chấn động khắp các lục địa. Lúc bấy giờ Pháp cùng 14 nước đế quốc khác ồ ạt đưa quân bao vây và tấn công Liên Xô, nhằm bóp chết nước Cộng hòa Xô-viết còn non trẻ. Bác Tôn Đức Thắng của chúng ta, là lính thợ trên chiến hạm Pháp tiến về Hắc Hải. Không theo với ý đồ mong muốn của thực dân Pháp. Bác cùng với các thủy thủ trên tàu không bắn vào đất nước Xô-viết. Với tư thế hiên ngang hùng dũng Bác Tôn đã kéo cờ đỏ lên cột cờ chiến hạm để chào mừng Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Hồi đó, nói về cuộc binh biến này Lênin cho rằng: “Đây là điều kỳ diệu đã xảy ra. Quả thật đó là điều kỳ diệu - đặc biệt kỳ diệu”. Bác Tôn cho rằng: “bất cứ người Việt Nam yêu nước nào, nhất là công nhân, được tham gia vào những giờ phút lịch sử đó tại Biển Đen, không thể hành động khác tôi, bởi vì yêu Tổ quốc và căm thù đế quốc, cũng có nghĩa là yêu Cách mạng Tháng Mười và căm thù những kẻ chống lại Cách mạng Tháng Mười” (4). 

Và, đã có nhiều chiến sĩ cách mạng Việt Nam đang học tập ở Liên Xô tình nguyện tham gia tiểu đoàn quốc tế chiến đấu và hy sinh trên chiến hào bảo vệ Mátxcơva trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Nhân dân Liên Xô.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta. Liên Xô luôn đứng về phía Việt Nam, dành sự giúp đỡ to lớn cho Nhân dân Việt Nam, giúp chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đào tạo hàng chục ngàn cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ cao, trở thành vốn quý trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều chuyên gia Liên Xô đã sát cánh với Nhân dân Việt Nam trong lao động và xây dựng. Đặc biệt trong cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, Liên Xô đã giúp ta to lớn về vũ khí, trang bị hậu cần, thuốc men, chuyên gia huấn luyện… đã góp phần quan trọng vào chiến thắng đế quốc thực dân. Nhiều chuyên gia Liên Xô đã bất chấp bom đạn hiểm nguy sát cánh cùng quân ta trên các chiến hào chiến đấu với quân thù.

Sau Chiến thắng 1975, Liên Xô lại tiếp tục giúp ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc rất to lớn, bạn đã giúp ta xây dựng các công trình có ý nghĩa quan trọng như thủy điện Hòa Bình, thủy điện Trị An, hợp tác khai thác dầu khí, xây dựng cầu đường, các trường học… các công trình trên đã phát huy hiệu quả to lớn trong công cuộc đổi mới của Nhân dân ta.

Hơn ba mươi năm qua, công cuộc đổi mới của đất nước ta đã thu được những thành tựu to lớn. Từ một nước thiếu ăn, nghèo nàn, lạc hậu, kiệt quệ sau chiến tranh, trong vòng vây cấm vận, cơ chế quan liêu, bao cấp nặng nề, Việt Nam đã vượt ra khỏi khủng hoảng, trở thành một quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao của thế giới, có kim ngạch xuất khẩu lớn, kể cả xuất khẩu lương thực và hàng nông sản, có thị trường và môi trường đầu tư hấp dẫn. 

Không chỉ đạt nhiều thành tựu trong kinh tế, Việt Nam còn có nền chính trị, quốc phòng, an ninh ổn định, đạt nhiều thành tích trong xóa đói giảm nghèo, giáo dục, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Đặc biệt là uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một tăng cao, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của Liên hiệp quốc. Có được những thành tựu đó là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt, sáng tạo, giàu bản lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng mác xít kiểu mới, luôn trung thành với lý tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, của Cách mạng Tháng Mười Nga. Bài học thắng lợi của hơn ba mươi năm đổi mới chứng tỏ kiên trì mục tiêu tiến lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là con đường duy nhất đúng và tất thắng. Trên con đường đó, những người cộng sản và toàn thể Nhân dân ta luôn được sự cổ vũ, được soi sáng từ nguồn sáng vĩ đại Cách mạng Tháng Mười Nga.

Nhân dân Việt Nam ta có truyền thống uống nước nhớ nguồn, chúng ta đời đời biết ơn các chiến sĩ Cách mạng Tháng Mười Nga, đời đời biết ơn nhân dân Xô-viết, chúng ta nhớ và luôn nhớ: Nhờ có Cách mạng Tháng Mười, Nhân dân ta đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc; nhờ có chiến thắng của Hồng quân Liên Xô đánh tan phát-xít, chúng ta đã làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lập ra Nhà nước của mình; nhờ sự giúp đỡ to lớn của Đảng Cộng sản và Nhân dân Liên Xô, của các đảng cộng sản và Nhân dân các nước bầu bạn xa gần - chúng ta đã đánh thắng hai đế quốc to, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội như hôm nay. Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã viết: “Càng nhớ lại những ngày tủi nhục, mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và Nhân dân Việt Nam càng thấm thía công lao to lớn của Lênin và Cách mạng Tháng Mười” (5).

Hôm nay, chúng ta ôn lại truyền thống Cách mạng Tháng Mười Nga là để cho mỗi chúng ta khẳng định hơn về tầm vóc vĩ đại của cuộc cách mạng vô sản đầu tiên, khẳng định quyết tâm đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, dù chủ nghĩa xã hội đang gặp khó khăn to lớn, thậm chí bị đổ vỡ ngay trên quê hương của Cách mạng Tháng Mười. Thực tế cuộc cách mạng lịch sử đó vẫn đang sống trong lòng các cuộc đấu tranh giai cấp ở các nước tư bản. Và đặc biệt, tinh thần lý tưởng cuộc Cách mạng Tháng Mười vẫn đang cổ vũ các nước xã hội chủ nghĩa trong việc khắc phục những lệch lạc, tìm tòi những cách thức và bước đi hợp lý, xây dựng chủ nghĩa xã hội thực sự tốt đẹp văn minh.
Chúng ta ôn lại truyền thống Cách mạng Tháng Mười Nga, giúp chúng ta có cái nhìn mới hơn về tình hình thế giới, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, với sức mạnh của Nhân dân, niềm tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi, trung thành với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; quyết tâm xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
-------------
(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, CTQG, H.1996.T.8, tr558 - 562.
(2) Chế Lan Viên “Người đi tìm hình của Nước”, 1960.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1996, t8, tr.440 - 443.
(4) Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Sở Văn hóa Thông tin An Giang, 1988, tr.229 - 230.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, 2009, t.12, tr.305.

Tin cùng chuyên mục