Một hiện tượng, hai “mức án”?
Ngày 15-11, sau những lùm xùm chưa có hồi kết, ban tổ chức (BTC) cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2017 đã có cuộc gặp gỡ báo chí, với mục đích giải trình và xoa dịu dư luận về kết quả cuộc thi. Nhưng thái độ thiếu tôn trọng, lấp liếm, né tránh của BTC càng gây thêm bức xúc cho giới truyền thông. Có thể thấy, sở dĩ đến nay dư luận vẫn chưa thôi “dậy sóng” không phải vì nhan sắc của đương kim hoa hậu Lê Âu Ngân Anh có xứng đáng hay không, mà vấn đề là những khuất tất liên quan đến cuộc thi chưa được những người có trách nhiệm, từ BTC cho đến cơ quan chức năng giải trình thỏa đáng.
Sau những gì diễn ra, cho đến hôm nay, BTC cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2017 vẫn cho thấy thái độ xem thường dư luận. Cụ thể, trong quá trình lên tiếng trước truyền thông và cơ quan quản lý, BTC cuộc thi luôn có những phát ngôn “tiền hậu bất nhất” khiến nhiều người tỏ ra nghi ngờ về cách làm việc của họ trong cuộc thi này. Sau những né tránh cũng như viện dẫn nhiều bằng chứng chứng minh Lê Âu Ngân Anh không phẫu thuật thẩm mỹ, cuối cùng tại biên bản làm việc ngày 7-11 giữa đoàn kiểm tra và đại diện Công ty TNHH Võ Việt Chung, ông Võ Việt Chung đã nhận trách nhiệm và thừa nhận có sai sót khi để thí sinh Lê Âu Ngân Anh từng phẫu thuật thẩm mỹ tham gia vòng chung kết Hoa hậu Đại dương 2017. Điều đáng nói là, đối chiếu hành vi này theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 14 Nghị định 158/2013/NĐ-CP, mức phạt sẽ từ 2 đến 6 triệu đồng.
Điều này càng khiến dư luận phản ứng. Bởi nó nhắc nhớ một sự kiện cũng vừa diễn ra đầu năm 2017, khi người đẹp Nguyễn Thị Thành giành vị trí Á khôi 1 tại cuộc thi Hoa khôi Du lịch đã bị tước danh hiệu ngay sau đó ít ngày vì cô bị tố đã đi bọc răng sứ. Trước đó, cô cũng từng bị loại khỏi vòng chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016 với cùng lý do.
Dư luận đang “ngóng” kết quả cuối cùng mà Bộ VH-TT-DL đưa ra với Lê Âu Ngân Anh. Liệu tân hoa hậu có rơi vào trường hợp cùng một hiện tượng nhưng sẽ có hai “mức án” khác nhau hay không?
Càng quản càng loạn!
Với những gì đang diễn ra, dễ dàng nhận thấy những quy định liên quan đến cấp phép, quản lý… các cuộc thi nhan sắc đang tồn tại khá nhiều bất cập. Đơn cử như quy định về vẻ đẹp tự nhiên cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Điều 19, Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định điều kiện đối với thí sinh dự thi người đẹp: “Là nữ công dân Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có vẻ đẹp tự nhiên”.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, nếu chỉ dựa vào phim X-quang, kiểm tra các chỉ số cơ thể… như các cuộc thi hoa hậu, người đẹp vẫn thường làm, rất khó để phát hiện việc phẫu thuật thẩm mỹ. Thẩm mỹ bây giờ có khi chẳng cần phẫu thuật mà có thể bằng các chất làm đầy (filler) ở nhiều chỗ: môi, mũi, cằm, tiêm gọn góc hàm; nhấn mí, mở rộng khóe mắt… và hầu hết thủ thuật này khó xác minh bằng khả năng nhân trắc học truyền thống như các cuộc thi hoa hậu, người đẹp đang áp dụng. Ở khía cạnh này, rõ ràng quy định đã không theo kịp sự phát triển của công nghệ và thực tiễn cuộc sống.
Ngoài ra, liên quan đến thẩm quyền tước hay không tước vương miện trong các cuộc thi nhan sắc, cũng đang có lỗ hổng khá lớn. Không ít người bất ngờ về nội dung trả lời báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ VH-TT- DL Vương Duy Biên cho rằng: “Việc tước hay không tước vương miện của tân Hoa hậu Đại dương 2017 hoàn toàn do BTC cuộc thi quyết định. Từ trước đến nay, bộ chưa bao giờ can thiệp hay thu hồi bất cứ danh hiệu của một cuộc thi sắc đẹp nào cả”.
Thực tế điều này không sai, bởi điều 7, Nghị định 15/2016/NĐ-CP nêu rõ: “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5-10-2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu” quy định BTC có trách nhiệm thu hồi danh hiệu, giải thưởng trao cho cá nhân đoạt giải cuộc thi người đẹp khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép cuộc thi chấp thuận. Chính điều này đặt ra câu hỏi, nếu BTC cuộc thi không chấp thuận việc tước bỏ danh hiệu, vậy cơ quan quản lý đành “bó tay”?
Cũng theo quy chế, mỗi năm chỉ cấp phép 2 cuộc thi nhan sắc trong nước cấp quốc gia. Các cuộc thi có yếu tố nước ngoài hiện trong nghị định không nói rõ cấp phép bao nhiêu, theo ông Vương Duy Biên, thực tế dao động 2-3 cuộc thi có yếu tố nước ngoài mỗi năm.
Riêng thi hoa khôi vùng, miền, ngành thì được tổ chức 3 cuộc/năm, còn mỗi tỉnh được tổ chức 1 cuộc trong năm. Nhìn vào quy định này có thể thấy, nếu tất cả các tỉnh thành trong cả nước đồng loạt tổ chức các cuộc thi nhan sắc cũng đủ… ngộp thở, chứ chưa nói gì đến các vương miện và danh hiệu được “nhập khẩu” về từ cộng đồng người Việt hải ngoại (mà trong đó, các người đẹp trong nước tham gia không hề ít). Thế nên, nếu kiên nhẫn lần giở báo mạng, sẽ dễ dàng thấy nhan nhản các thể loại danh hiệu, đôi khi cứ na ná, trùng lắp nhau, chẳng thể nào phân biệt, xuất hiện gần như mỗi ngày.
Chưa kể, vì quy định mỗi năm chỉ cấp phép 2 cuộc thi nên cũng đẻ ra không ít hệ lụy (chưa nói đến có hay không có yếu tố tiêu cực). Tuy mang tiếng mỗi năm cấp phép 2 cuộc thi, nhưng trên thực tế cơ hội chỉ có một vì 2 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và Hoa hậu Hoàn vũ đã luân phiên tổ chức định kỳ hàng năm. Với quy định này, chỉ cần có thêm 2 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia tổ chức định kỳ luân phiên nữa thì suất dành cho các cuộc thi mới chắc chắn bít cửa! Thế nên mới có chuyện có cuộc thi tổ chức một lần rồi mất hẳn, có cuộc thi xuân thu nhị kỳ mới xuất hiện, chẳng theo một lịch trình cụ thể nào cả… Hay như cuộc thi Hoa hậu Đại dương, người ta cũng không hiểu vì sao phải sau 3 năm mới tổ chức tiếp và liệu nếu không có những lùm xùm này, 3 năm sau cuộc thi có được diễn ra nữa hay không?
Rõ ràng, với bức tranh lộn xộn như hiện tại, việc tăng cường chấn chỉnh, quản lý các hoạt động liên quan đến các cuộc thi nhan sắc là cần thiết. Cần rà soát lại tất cả quy định hiện hành, điều gì bất cập, không phù hợp thực tế nên sớm thay đổi, tránh tình trạng quản như không quản, thậm chí càng quản càng loạn như hiện tại.
Đặc biệt, với những cuộc thi thiếu chuyên nghiệp, để xảy ra những sự cố khiến dư luận phản ứng mạnh mẽ như Hoa hậu Đại dương, cần xử lý mạnh tay, thậm chí “có thể dừng tất cả cuộc thi ban tổ chức đó xin cấp phép sau này, hoặc cấm đơn vị tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, giải trí”, như quan điểm mà Thứ trưởng Vương Duy Biên đưa ra trong cuộc gặp gỡ báo chí mới đây. Có vậy mới hy vọng đưa hoạt động của các cuộc thi nhan sắc vào quy củ, lành mạnh và nghiêm túc.