Các cuộc tấn công mạng tại Việt Nam ngày càng nguy hiểm

Các cuộc tấn công mạng đang ngày càng dai dẳng, đa dạng, thường xuyên và nguy hiểm hơn. Trong đó, các mục tiêu tấn công đang dần chuyển dịch từ các mục tiêu cá nhân, sang các mục tiêu là các tập đoàn kinh tế lớn hay nghiêm trọng hơn là các hệ thống thông tin quan trọng của các quốc gia.

 

Sáng ngày 9-11 tại TPHCM, Cục An ninh mạng (A68) - Bộ Công an; Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông; Cục trưởng Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã - Ban Cơ yếu chính phủ và Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG ASEAN) phối hợp tổ chức Hội nghị Quốc gia An ninh mạng 2017 (National Cyber Security Summit & Expo 2017) với chủ đề xây dựng hệ thống an ninh mạng và an toàn thông tin trong kỷ nguyên Internet kết nối vạn vật.

Quang cảnh hội nghị 
Phát biểu tại đây, PGS. TS Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (A68) Bộ Công an cho biết, sự kết nối và tương tác thông qua Internet đã mở ra một kỷ nguyên mới thúc đẩy tiến trình phát triển xã hội của nhân loại.
Đối với Việt Nam, ứng dụng công nghệ thông tin và các dịch vụ trên không gian mạng đã trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, tạo thời cơ mới cho Việt Nam tranh thủ các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến để đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thu hẹp khoảng cách phát triển, hội nhập sâu rộng hơn, hiệu quả hơn vào nền kinh tế thế giới, phát triển văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích to lớn không thể phủ nhận, những thành tựu của công nghệ thông tin và các dịch vụ, ứng dụng thông minh trên không gian mạng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với an ninh quốc gia.

Cụ thể, hàng năm, cơ quan chức năng phát hiện hàng chục vụ lộ, lọt bí mật nhà nước trên Internet. Thực tế có thể còn vượt xa con số đã phát hiện, do tính chất nặc danh trong môi trường mạng dẫn tới rất những hậu quả khôn lường.

Hiện nay, Việt Nam có hàng trăm luồng kết nối Internet quốc tế bằng đường cáp quang trên biển, cáp quang qua biên giới trên bộ, vệ tinh… Đây là các hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và phục vụ dân sinh.

Khi xảy ra tình huống gián đoạn hoặc ngưng kết nối Internet của Việt Nam với quốc tế, tất yếu sẽ kéo theo hàng loạt các giao dịch kinh tế, tài chính, trao đổi thông tin, kinh doanh, giáo dục... bị ảnh hưởng. Nếu như hệ thống này bị kiểm soát, Việt Nam sẽ mất chủ quyền trên không gian mạng, do đó đòi hỏi phải có những biện pháp hữu hiệu bảo vệ an ninh cho hệ thông truyền dẫn thông tin quốc tế.

Sau 20 năm kết nối mạng Internet toàn cầu, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ người sử dụng Internet thuộc top đầu của khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, nhiều thông tin sai lệch, bịa đặt, đưa tin thật giả lẫn lộn được phát tán trên không gian mạng đã xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm, khủng bố tinh thần của công dân, uy tín của tổ chức; kích động bạo lực, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy; công khai hoạt động mại dâm, đánh bạc; buôn bán, hướng dẫn chế tạo vũ khí, vật liệu nổ... gây hoang mang dư luận, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, trật tự.

“Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển rất nhanh nhưng ở nước ta, các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ thông tin còn nhỏ và yếu, khả năng làm chủ khoa học - công nghệ của nước ta chưa bắt kịp với sự phát triển của thế giới; hệ thống mạng thông tin quốc gia chưa đủ khả năng phòng, chống trước các cuộc tấn công mạng; nhận thức về bảo đảm an ninh mạng của đông đảo quần chúng nhân dân trong nước còn hạn chế sẽ khiến cho năng lực phòng thủ của đất nước suy giảm, khả năng bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội bị hạn chế...”, PGS. TS Hoàng Phước Thuận nhấn mạnh.

Ông Thuận cũng cho biết, để bảo đảm an ninh mạng, xây dựng một không gian mạng an toàn và lành mạnh, cần phải có giải pháp tổng thể và tầm nhìn chiến lược .

Tại đây, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, vài năm trở lại đậy, tình hình an toàn thông tin mạng bắt đầu diễn biến phức tạp. Các cuộc tấn công mạng đang ngày càng dai dẳng, đa dạng, thường xuyên và nguy hiểm hơn. Trong đó, các mục tiêu tấn công đang dần chuyển dịch từ các mục tiêu cá nhân, sang các mục tiêu là các tập đoàn kinh tế lớn hay nghiêm trọng hơn là các hệ thống thông tin quan trọng của các quốc gia.

Hội nghị Quốc gia An ninh mạng 2017 thu hút 250 chuyên gia hàng đầu giao lưu và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn cũng như cập nhật xu hướng mới nhất trong lĩnh vực an ninh mạng.
Tại đây, các doanh nghiệp cũng được học hỏi từ những lãnh đạo đầu ngành, kết nối với các chuyên gia, các nhà cung cấp giải pháp, đối tác cũng như tiếp cận và trải nghiệm các sản phẩm bảo mật tiên tiến nhất.
Ông Nguyễn Thanh Hải cũng dẫn chứng cuộc tấn công mạng vào ngành hàng không năm 2016 khiến website của Vietnam Airlines bị chuyển hướng, hơn 100 chuyến bay bị hoãn và 400.000 thông tin khách hàng bị rò rỉ... Đó là chưa kể  hàng trăm ngàn cuộc tấn công mạng bằng các phần mềm độc hại; lừa đảo trực tuyến, lây nhiễm phần mềm độc hại trên mạng xã hội…

Theo Cục trưởng Cục An toàn thông tin, với công nghệ vạn vật kết nối, từ các vật dụng trong nhà như ti vi, tủ lạnh, các thiết bị gia dụng khác đều có thể kết nối mạng thì nguy cơ mất an toàn thông tin quá lớn. Bởi lẽ tại Việt Nam, các thiết bị này chưa được kiểm soát xem bên trong chứa những gì nên tạo ra nhiều nguy cơ, thách thức lớn nếu người dùng không có kiến thức an toàn về thông tin.

“An toàn thông tin không phải là nhiệm vụ của riêng cá nhân, tổ chức nào, nó cần có sự tin tưởng, chia sẻ và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng của nhà nước, sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp và cá nhân trong toàn xã hội. Đó là nhiệm vụ chung của tất cả chúng ta nhằm đảm bảo cho sự phát triển ổn định của đất nước”, ông Nguyễn Thanh Hải nói.

Tin cùng chuyên mục