(SGGP-12G).- Chưa thống kê được số lượng đáy cá hiện nay, nhưng gần như 100% dòng sông, con rạch ở Cà Mau đều có miệng đáy của dân đóng với mật độ khá dày, nhất là những khu vực luồng, tuyến gần những cửa sông, cửa biển và ngã ba sông. Đáy cá trên sông như cái “bẫy” với tàu thuyền qua lại, nhất là vào ban đêm.
Đáy cá trên sông là một loại hình đánh bắt thủy sản của người dân vùng sông nước Cà Mau, nhưng lại tiềm ẩn hiểm họa với giao thông đường thủy. Chỉ tính riêng đoạn Sông Đốc thuộc địa bàn huyện Trần Văn Thời, dài trên dưới 50km có gần 60 hàng đáy. Đã có nhiều vụ tai nạn chết người hết sức thương tâm do đáy cá gây ra.
Điển hình như vụ tai nạn giao thông đường thủy gây chết người xảy ra đêm 15-9-2008, trên sông Cái Xu - ranh giới tiếp giáp giữa thành phố Cà Mau và huyện Đông Hải (Bạc Liêu). Khoảng 19g, phương tiện thủy của vợ chồng ông Phạm Hoàng Sơn ngụ xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) lưu thông trên dòng sông đó bất ngờ va vào hàng đáy khiến ông Sơn thiệt mạng tại chỗ. Năm 2008, trên địa bàn Cà Mau xảy ra ít nhất 24 vụ tai nạn giao thông đường thủy làm chết 23 người, bị thương 6 người.
Phòng cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh Cà Mau phối hợp với cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương liên tục ra quân lập lại trật tự an toàn giao thông đường thủy, nhưng việc giải tỏa hàng đáy cá rất khó thực hiện. Nguyên nhân đáy cá là phương tiện mưu sinh của nhiều người dân, việc giải tỏa dính đến chuyện “cơm - áo - gạo - tiền” của người dân. Chưa kể nhiều địa phương trong tỉnh đã thu thuế các chủ đáy, dẫn đến sự ngộ nhận có đóng thuế là đáy cá được phép hoạt động.
Để giải quyết tình trạng đóng đáy lấn chiếm luồng sông, thiết nghĩ tỉnh Cà Mau cần có kế hoạch từng bước ổn định đời sống cho cư dân sinh sống ven sông, giải quyết việc làm cho con em họ….
Huy Tấn – Cao Phong