Bưởi ngọt Tân Triều

Sông Đồng Nai chảy qua địa phận tỉnh Đồng Nai dài 220 km, ngoài những thắng cảnh dọc hai bên bờ như cầu Ghềnh, cù lao Phố, cù lao Ba Xê, làng cổ Bến Gỗ thì còn có một làng nghề truyền thống lâu đời nổi tiếng không kém, đó là làng bưởi Tân Triều. 
Bưởi Tân Triều thơm ngon nức tiếng khắp miền Nam là một trong số đó. Thương hiệu bưởi Tân Triều không chỉ vang bóng trong nước mà còn xuất ngoại sang tận Đức, Hà Lan...
Bưởi ngọt Tân Triều ảnh 1 Những quả bưởi được tạo hình thỏi vàng, hồ lô, in hình biển đảo Việt Nam được lùng mua rất nhiều
Đặc sản có nguồn gốc từ Brazil Cách TP Biên Hòa 3km, Tân Triều nằm ven sông Đồng Nai thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu và nổi tiếng với khung cảnh thanh bình, yên ả với những vườn bưởi xanh mướt sum suê trái. Con đường vào làng Tân Triều trải dài, uốn lượn quanh co, hơi hẹp và khó đi nhưng tràn ngập hương bưởi thơm thoang thoảng. Ông Ngô Văn Sơn, một trong những người có thâm niên trồng bưởi lâu năm nhất và thơm ngon nhất vùng, kể cho chúng tôi nghe về lịch sử của làng bưởi Tân Triều: “Sau khi Nguyễn Hữu Cảnh mất, nông dân vùng Ngũ Quảng xưa kia theo chân ông đến cù lao Phố đã ngược dòng sông Đồng Nai về phía thượng nguồn đến một cù lao khác để lập làng mới, lấy tên là Tân Bình. Đến thế kỷ 18, Nguyễn Ánh cùng đoàn tùy tùng chạy lánh quân Tây Sơn, lưu lạc đến cù lao Tân Bình. Tại đây, Nguyễn Ánh lập nên một triều đình tạm lấy tên Tân Triều - nghĩa là triều đình mới. Tên Tân Triều ra đời từ đó và tồn tại cho đến ngày nay. Lúc mới thành lập, vùng Tân Triều chủ yếu trồng trầu, năm 1869, khi xây dựng nhà thờ Tân Triều - một trong những nhà thờ cổ nhất Nam bộ, vị cha xứ đã mang hai cây bưởi giống từ Brazil về trồng trước sân. Đó chính là giống bưởi đường lá cam và bưởi đường cao núm. Mấy năm sau, hai cây bưởi cho trái trĩu cành và ăn rất ngon, bà con đến xin chiết cành về trồng, lâu dần nhân rộng ra trong vùng. Năm 1952, xảy ra một trận lụt lớn, khiến trầu gần như chết hết, người dân bắt đầu chuyển sang trồng bưởi. Từ đó đến nay, cây bưởi có mặt khắp vùng và trở thành đặc sản của tỉnh Đồng Nai”. Được bố mẹ để lại cho khu vườn rộng hơn 2ha trồng hoa màu nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế, ông Sơn quyết định chuyển sang trồng bưởi. Đến nay, vườn bưởi của ông Sơn đã vào năm thứ 18 và cho thu hoạch mỗi năm 20-25 tấn quả, thu lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng. “Năm 2000, từ một số cây bưởi cạnh nhà, tôi nhân giống rồi trồng trên toàn bộ diện tích vườn. Cách đây 2 năm, tôi phát triển bưởi theo hướng chuẩn VietGAP và chỉ để cây cho thu hoạch trái mỗi năm một vụ vào dịp tết, giúp cây sinh trưởng nhanh và chất lượng quả tốt, bán cũng được giá cao”, ông Sơn kể.  Hiện làng bưởi Tân Triều có 20 hộ tham gia hợp tác xã (HTX) trồng bưởi với tổng diện tích trên 22ha và nếu tính chung diện tích của cả những hộ dân ở ngoài HTX là khoảng gần 400ha bưởi với nhiều giống, như bưởi đường lá cam, bưởi đường da láng, bưởi thanh, bưởi ổi, bưởi xiêm. Theo ông Phan Tấn Tài, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp và dịch vụ Tân Triều, thì sản lượng năm nay ước đạt khoảng 850 tấn, giảm 150 tấn so với tết năm 2017 nên khả năng giá bán ở thị trường sẽ tăng cao. Sáng tạo để nâng cao giá trị đặc sản Bưởi Tân Triều từ lâu đã trở thành một thứ đặc sản của Đồng Nai, ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân nơi đây. Trong những bữa tiệc hay ngày giỗ, ngày tết, quả bưởi đóng một vai trò rất quan trọng, người ta thường nói “miếng trầu là đầu câu chuyện”, nhưng ở đây quả bưởi cũng đóng vai trò “đầu mối” thân quen.  Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán hay Tết Trung thu, nhiều người cố gắng tìm mua cho được cặp bưởi Tân Triều để bày mâm ngũ quả hay làm quà biếu những vị khách quý. Còn bất cứ ai, dù xa hay gần khi đến làng bưởi Tân Triều sẽ được người dân đón tiếp nồng hậu và ngoài việc được thưởng thức những múi bưởi ngọt lịm, mọng nước thì còn có cơ hội nếm nhiều món đặc sản được chế biến từ bưởi như gỏi bưởi, rượu bưởi, chè bưởi... Đặc biệt, ngày nay để nâng cao giá trị, người dân Tân Triều còn tìm về các nhà vườn ở miền Tây học cách tạo hình hồ lô, thỏi vàng, in hình tài - lộc, Hoàng Sa, Trường Sa... lên quả bưởi. Những sản phẩm này có giá bán 1-1,7 triệu đồng/quả nhưng các nhà vườn không đủ hàng để cung ứng cho thị trường.  Là một trong những lão nông đi đầu theo hướng tạo hình cho quả bưởi, ông Sơn đã làm được 400 quả bưởi hồ lô in chữ tài - lộc, thỏi vàng để phục vụ thị trường Tết Mậu Tuất 2018. Theo ông Sơn, dịp tết người dân, doanh nghiệp, cơ quan đoàn thể rất chuộng bưởi hồ lô tài - lộc, hồ lô in hình bản đồ Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa để trang trí, nhưng số lượng có hạn vì loại này khó làm, bưởi dễ bị hỏng trong quá trình ép khuôn”. Còn ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ vườn bưởi gần 1ha, cho biết năm 2017 là năm nhuần, thời tiết có nhiều biến động bất thường nên năng suất bưởi giảm do lượng hoa đậu quả ít hơn các năm trước, khiến các vườn không có nhiều sản phẩm phục vụ tết. Bưởi thường, loại đường lá cam bán cho thương lái tại vườn có giá 900.000 đồng/12 trái, bưởi da xanh có giá 1,2-1,3 triệu đồng/12 trái, còn bưởi da xanh được tạo hình hồ lô, thỏi vàng có giá 1,2-1,7 triệu đồng/trái. Theo ông Tuấn, chùm 4 quả bưởi tạo hình tài - lộc được xem như “siêu phẩm” nên giá có khi lên đến trên chục triệu đồng/chùm, năm nay rất nhiều khách tìm về hỏi mua nhưng không nhà vườn nào có. Vì ảnh hưởng thời tiết nên các chùm 4 quả không đạt tiêu chuẩn để tạo hình. Rời khỏi làng bưởi Tân Triều vào lúc xế chiều, khi ánh nắng bắt đầu ngả màu vàng vọt, xe lắc lư, uốn lượn theo những con đường nhỏ hẹp thơm lừng mùi hoa bưởi, lòng chúng tôi cảm thấy thán phục trước sự kiên trì, chịu khó, bám trụ với đất của những người nông dân chất phác, hiền lành nơi đây đã góp phần đưa trái bưởi Tân Triều đi xa.

Tin cùng chuyên mục