Chiều 5-5, trao đổi với phóng viên Báo SGGP về sự gia tăng gần 800ha diện tích cá tra giống bất thường này, ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An cho biết: “Bùng nổ diện tích nuôi cá tra giống ở các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh… là do cá tra nguyên liệu tăng mạnh, hút hàng, nên nhiều hộ ở ĐBSCL mở rộng diện tích nuôi cá tra thương phẩm, từ đó dẫn đến thiếu hụt con giống trầm trọng. Lâu nay, Đồng Tháp và An Giang có nghề làm con giống nhiều năm, nhưng gần đây bị ô nhiễm, dịch bệnh, khiến tỷ lệ con giống hao hụt lớn. Trong khi Long An là vùng đất mới, chưa bị nhiễm bệnh, vì vậy những cơ sở giống từ Đồng Tháp và An Giang “chạy sang” Long An hợp tác với nông dân đào ao nuôi cá giống. Thấy nghề cá giống hấp dẫn, lời nhiều, nên nhiều hộ khác ở Long An làm theo và diện tích cứ tăng liên tục”.
Theo nhận định của UBND tỉnh Long An, tình hình nuôi cá tra giống ở tỉnh phát triển nhanh và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho nông dân. Song, hệ lụy là do tăng diện tích đột biến, chất lượng cá bột không bảo đảm dẫn đến hơn 10% ao nuôi gặp một số bệnh như gan thận mủ, bệnh xuất huyết, trắng gan, trắng mang... không thể điều trị.
Ngoài ra, người nuôi chưa được tập huấn kỹ thuật ươm, xử lý nước thải, thị trường tiêu thụ cá giống không ổn định... sẽ là những nguy cơ cho nghề con giống. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo Sở NN-PTNT, Sở TN-MT, UBND các huyện… khuyến cáo người dân không phát triển diện tích tràn lan.
Song song đó, kiểm tra cụ thể từng địa phương, hộ nào làm nghề nuôi cá giống phải đăng ký với cơ quan chức năng khi đủ điều kiện về diện tích, tay nghề, hạ tầng… mới cho nuôi. Ngành chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật, cung cấp tài liệu về nuôi cá giống. Phía Sở TN-MT kiểm tra về nguồn nước, vấn đề ô nhiễm, hướng dẫn chuyển đổi mục đích sử dụng đất... Vấn đề quan trọng là theo dõi chặt diễn biến thị trường, nhằm điều tiết sản lượng nuôi cá tra giống hợp lý, tránh để thừa con giống dẫn đến rớt giá, người nuôi thua lỗ…