Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của EU, trong khi EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc sau Mỹ, với trung bình kim ngạch thương mại song phương hơn 1 tỷ USD mỗi ngày. Xây dựng một chính sách thống nhất về quan hệ với Bắc Kinh là một vấn đề quan trọng đối với Brussels. Sự háo hức của nhiều thành viên EU trong việc kêu gọi vốn đầu tư từ Trung Quốc có lẽ xuất phát từ Italy, khi nước này long trọng tổ chức chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đánh dấu Italy chính thức tham gia Vành đai và con đường của Trung Quốc, trở thành thành viên G7 đầu tiên tham gia sáng kiến này. Một tuần sau khi Italy tham gia sáng kiến Vành đai và con đường, Luxembourg cũng nối gót Italy.
CNN dẫn lời bà Lucrezia Poggetti, một nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc có trụ sở tại Berlin, cho rằng sự tham gia của Italy vào sáng kiến Vành đai và con đường là một chiến thắng kinh tế cho Bắc Kinh, có khả năng tạo ra ảnh hưởng nhất định của Trung Quốc trong lòng EU. Theo bà Poggetti, trong quan hệ song phương giữa Trung Quốc với các thành viên EU, Trung Quốc chiếm thế thượng phong vì sức mạnh kinh tế khổng lồ so với các nước này. Bà cũng chỉ ra rằng, ngoài Italy, còn có Hy Lạp và Hungary là 2 thành viên EU cũng là đồng minh chủ chốt của Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, chuyện Anh rời EU càng là cơ hội tốt với Trung Quốc để nước này tăng cường đầu tư vào Anh. Theo các nhà phân tích, một nước Anh khi Brexit thành công sẽ có nhiều tự do hơn trong các thỏa thuận thương mại mới với Trung Quốc và từ đó cũng có thể thúc đẩy các thành viên khác của EU đi theo con đường của riêng họ. Jonathan Sullivan, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Nottingham, cho rằng, sức mạnh của EU trong thương mại quốc tế và quan hệ đối ngoại từ lâu được khẳng định là một khối. Vì vậy, nếu bất kỳ quốc gia nào muốn xâm nhập vào bất kỳ lĩnh vực nào của EU đều phải có một chiến lược mạnh mẽ và Trung Quốc đã làm được điều đó với sức mạnh kinh tế của họ.
Trung Quốc gặp khó khăn khi đối phó với EU trong nhiều lĩnh vực vì nhiều lý do, nhưng giờ đây họ đang theo hướng tiếp cận song phương với từng nước trong EU. EU sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc trên nhiều mặt trận, đặc biệt là thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, vốn đang bị thách thức do chủ nghĩa bảo hộ thương mại và ngoại giao thất thường của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu cũng lưu ý rằng, hợp tác giữa EU và Trung Quốc là không cân bằng vì các hoạt động mà EU gọi là phi thị trường cần phải được điều chỉnh. EU đã phải đưa ra các biện pháp để ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường châu Âu cũng như tạo nên các điều luật hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào một số lĩnh vực. Nhưng thực tế là với nhiều thành viên EU đang gặp khó khăn kinh tế như Italy và các thành viên EU phía Đông, thì những món đầu tư lớn của Trung Quốc thật khó mà từ chối, nhất là khi họ khó có thể tìm cơ hội trợ giúp từ EU với cơ chế chi tiêu tài chính ngày càng khắt khe.