Chuyên nghiệp ư, còn lâu…

Chuyên nghiệp ư, còn lâu…

Vòng 1 của giải bóng chuyền VĐQG 2010 đang diễn ra tại khu vực Tây Nguyên. Sở dĩ những nhà tổ chức thời gian gần đây thường đưa giải đến vùng sâu lẫn xa, dù nói là đưa thể thao đỉnh cao đến với gần người dân vùng xa, nhưng thực tế là để tìm kiếm khán giả. Bởi lâu nay, các giải tổ chức ở những trung tâm lớn như Hà Nội và TPHCM đã bão hòa, nên dù bóng chuyền là môn được đánh giá là hấp dẫn chỉ sau bóng đá, nhưng lượng khán giả ở nơi đây ngày càng thưa vắng. Do đó, chẳng ngạc nhiên khi giải VĐQG những năm gần đây lúc thì tổ chức ở Vĩnh Phúc, khi thì Phú Thọ, Khánh Hòa và giờ là 2 tỉnh Tây nguyên với ý nghĩ những nơi đang khát thể thao thì sẽ có đông khán giả hơn. Thực tế những ngày qua của giải ở 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai lại không như vậy.

Chiều 15-3, tức ngày thi đấu thứ 2 của giải, gặp chúng tôi ở cửa nhà thi đấu, cựu trọng tài bóng đá Đặng Thanh Hạ (đang công tác tại ngành thể thao tỉnh Gia Lai) lắc đầu than: “Khán đài vắng quá các anh ạ, thấy mà buồn”. Trong khi đó, một đồng nghiệp ở Đài PTTH Gia Lai gặp người viết tại Pleiku đã rất ngạc nhiên, và khi biết chúng tôi lên làm giải bóng chuyền. Anh đã bày tỏ rất thật: “Nói anh đừng buồn, nhờ có anh nói nên em mới biết có giải bóng chuyền VĐQG tổ chức tại đây đấy”. Nghe mà ngỡ ngàng!

Các khán đài trống vắng như thế này, có lẽ BTC nên xem lại công tác tuyên truyền của mình. Ảnh: Nguyễn Đạt
Các khán đài trống vắng như thế này, có lẽ BTC nên xem lại công tác tuyên truyền của mình. Ảnh: Nguyễn Đạt

Hóa ra công tác tuyên truyền cho giải đấu này đã không được Bộ môn, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam và BTC địa phương chú trọng đến nơi đến chốn, khiến những ngày qua, 2 Nhà thi đấu ở Buôn Ma Thuột và Pleiku vốn đã nhỏ mà vẫn vắng đến sợ.

***

Những người có trách nhiệm của bóng chuyền Việt Nam mong muốn nâng tầm chuyên nghiệp của bộ môn và giải đấu này lên để không quá thua kém với “người anh em” bóng đá. Nhưng muốn là một chuyện, còn làm được hay không thì lại là chuyện khác. Bởi chuyên nghiệp kiểu gì mà nhiều năm rồi, tại các giải đấu cấp quốc gia (đặc biệt là giải VĐQG), mỗi cái chuyện rất nhỏ là danh sách thi đấu của các đội lại luôn là bài toán khó cho các phóng viên lỡ yêu mến và đeo đuổi để đưa tin về giải.

Đơn cử những ngày qua, cả 2 bảng đấu nhưng lượng phóng viên đến đưa tin chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Số lượng chẳng nhiều, vậy nhưng trước giờ thi đấu, hỏi BTC về danh sách các đội tranh tài thì luôn nhận được những cái lắc đầu. Vì thế, các phóng viên đành phải mượn bản danh sách của các giám sát trận đấu để chụp lại nhằm tường thuật và ghi tên VĐV cho chuẩn xác. Thế mới có cảnh, thỉnh thoảng đang theo dõi trận đấu, nhưng không nhớ rõ tên cầu thủ trên sân, các phóng viên viết lại phải lụi hụi mở cái máy ảnh ra để xem tên của họ. Hình ảnh vừa bi lại vừa hài, và khiến người ta tự hỏi, giấy in tốn kém quá hay sao mà những nhà tổ chức không thể in thêm vài bản cho những phóng viên lặn lội từ xa đến để cố công tuyên truyền cho giải đấu của họ?

Hỏi một thành viên của BTC sao lại “tiết kiệm” như thế? Vị này ú ớ, nhưng một trọng tài đứng kế bên lại nửa đùa, nửa thật: “Chắc là do không có tiền”. Tuy nhiên, nếu nhìn số lượng bảng quảng cáo đầy kín trên sàn đấu, nhưng BTC lại không có tiền để in thêm vài cái danh sách thì đúng là… tội nghiệp thật. Và chả trách sao mà những giải VĐQG ngày càng ế ẩm trong mắt khán giả lẫn giới truyền thông.

Từ những chuyện ngỡ là nhỏ như thế, có thể thấy rõ một điều: bóng chuyền Việt Nam muốn chuyên nghiệp, xem ra còn lâu lắm!

ĐỖ TUẤN (SGGP Thể Thao)

Tin cùng chuyên mục