Công trình tư nhân số 51 Nguyễn Chí Thanh (phường 9, quận 5, TPHCM) bị phạt gần 1 tỷ đồng và yêu cầu “cắt ngọn” vì vi phạm nghiêm trọng các quy chuẩn xây dựng theo giấy phép, chủ đầu tư đã xây tăng chiều cao công trình lên nhiều tầng so với giấy phép, tăng diện tích thêm 1.850m². Điều này khiến người dân bất bình và đặt ra nhiều câu hỏi trước hiện tượng “lờn luật”.
Nhìn vào quá khứ và nhìn rộng ra khắp cả nước thì hiện tượng “vô luật” trong xây dựng khá phổ biến. Rất nhiều vụ nổi đình đám, nhiều chủ đầu tư liên tiếp tái phạm ở nhiều công trình, ở nhiều địa điểm khác nhau trên đất nước và vi phạm ở các cấp độ rất nghiêm trọng. Đơn cử như công trình 8B Lê Trực (Hà Nội); các công trình sai phạm của Mường Thanh ở Hà Nội, Đà Nẵng… cũng vượt nhiều tầng. Ở TPHCM, hiện tượng “vô pháp” trong xây dựng cũng xuất hiện từ trung tâm đến các quận - huyện ngoại thành. Số lượng các công trình vi phạm luật không sao liệt kê hết được.
Trước các công trình vi phạm, câu hỏi đặt ra là phải chăng pháp luật chưa hoàn thiện và còn có nhiều kẽ hở để họ lách? Trong khi liên quan đến lĩnh vực xây dựng có cả một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, từ luật đến các nghị định, thông tư hướng dẫn. Các địa phương cũng có các quy định, quy chế “bổ trợ”… Mặt khác, trong quá trình xây dựng công trình, các lực lượng thanh tra xây dựng, quản lý đô thị, cán bộ địa chính giám sát việc tuân thủ giấy phép xây dựng. Như vậy, xảy ra sai phạm xây dựng là từ con người, chứ không phải từ luật pháp.
Trong xây dựng, những công trình xây dựng vi phạm quy chuẩn, giấy phép xây dựng thường là về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất và lấn chiếm chỉ giới. Kịch bản vi phạm diễn ra theo 2 hướng chủ yếu. Thứ nhất là chủ đầu tư đi đêm được với người cấp phép xây dựng để thỏa mãn yêu cầu của mình. Điều đó có nghĩa là không sai giấy phép nhưng sai về quy hoạch chung. Chẳng hạn ở khu lõi trung tâm 930ha của TPHCM hay ở những nơi có công trình quan trọng như an ninh quốc phòng, di sản lịch sử kiến trúc bảo tồn thì công trình thường bị khống chế chiều cao, khối đế, kiểu dáng, màu sắc. Trong trường hợp này chủ đầu tư đã “mua đứt” được bộ phận cấp phép xây dựng trước khi khởi công.
Thứ hai là chủ đầu tư vi phạm trong quá trình xây dựng, tức là sau khi nhận giấy phép. Trong quá trình thi công chủ đầu tư nhận thấy mình “thiệt thòi” hay “dại dột”, bởi nếu nghiêm chỉnh tuân theo quy định của giấy phép xây dựng thì phần khai thác thương mại chưa được tối đa nên chạy chọt các cửa để xin được điều chỉnh thiết kế kiến trúc. Nếu được cho phép chính thức thì tốt, nếu không được thì cũng tìm cách để xây dựng sai phép.
Người dân thường lấy làm lạ là mỗi công trình xây dựng dù mới hay cải tạo nhỏ không qua được những con mắt “thiên lý nhãn” của thanh tra xây dựng và các cơ quan chức năng. Chỉ cần một đống cát đổ xuống là ngay sau đó thanh tra xây dựng sẽ đến đối chiếu giấy phép xây dựng, bản vẽ kỹ thuật và hiện trạng đang thi công. Nếu có sai sót thì cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ xử lý không khoan nhượng. Nhưng với các công trình hoành tráng, bề thế, cao chót vót của những đại gia “có máu mặt” thì rất khó phát hiện ra sai sót (?!). Trường hợp phát hiện thì cũng… rất khó xử lý.
Thật không khó để nhận ra một điều hệ trọng là với các công trình lớn, như chung cư, cao ốc văn phòng, khách sạn, nhà hàng, resort, nhà ở cá nhân có quy mô hoành tráng, khi vi phạm thì nhất định đứng sau các đại gia, các chủ đầu tư là một ai đó có quyền lực lớn. Họ bảo kê hoặc làm lơ cho các đại gia muốn làm gì thì làm. Tất nhiên cái họ nhận được chắc không phải chỉ là một bữa nhậu hay hộp bánh thuộc nhóm “tham nhũng vặt” như Quốc hội đang bàn mà là những lợi ích rất lớn. Nếu không có ai đó chống lưng thì họ đã không dám làm liều và chây ì thách thức dư luận.
Trường hợp 51 Nguyễn Chí Thanh cho thấy, sau khi có lệnh đình chỉ thi công thì họ vẫn tiếp tục xây thêm nhiều tầng nữa, cho thấy họ không biết sợ ai. Ngay cả trong trường hợp bị cưỡng chế đập bỏ phần vi phạm từ cấp cao hơn như 8B Lê Trực thì những người “chống lưng” vẫn có kế hoãn binh. Ấy là việc họ làm bản tường trình kỹ thuật rằng, việc đập bỏ rất nguy hiểm vì sẽ làm thay đổi kết cấu dẫn đến mất an toàn cho công trình, cho hàng xóm và cho chính người thực thi việc phá bỏ. Họ rất tin có cơ sở rằng, việc nhùng nhằng như thế sẽ làm nản lòng nhà chức trách và lâu dần sẽ là “phân hóa bùn”.
Tuy nhiên, chính thái độ du di, thỏa hiệp, tệ hơn là thông đồng, bảo kê của quan chức, nhân viên công lực đã làm cho môi trường kinh doanh, xây dựng trở nên méo mó. Tình trạng này diễn ra quá lâu, đến mức trở thành cố tật không sửa được, làm cho không chỉ các đại gia mà cả người dân có xu hướng “nhờn luật”, thậm chí chây ì, thách thức cơ quan chức năng. Do vậy, việc kiên quyết lập lại trật tự xã hội nói chung, trật tự xây dựng nói riêng là điều cấp bách và phải làm càng sớm càng tốt.
Xây dựng nhà ở, công sở, nhà máy, sân bay, bến cảng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chính là tạo ra nền tảng cứng cho một thành phố, một quốc gia. Một khi nền tảng ấy méo mó, xô lệch bởi chính con người thì thành phố, quốc gia ấy khó mà phát triển trường tồn.