Truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đến Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, ngành Tư pháp cần quan tâm công tác đào tạo cán bộ, đào tạo các chức danh tư pháp giỏi về pháp luật trong nước và quốc tế để đáp ứng yêu cầu hội nhập. Đối với công tác thi hành án dân sự, cần nghiên cứu các biện pháp để có hướng xử lý các vụ án tồn đọng, các vụ việc không có điều kiện thi hành; đồng thời làm tốt nhiệm vụ đại diện pháp lý, giải quyết các vụ kiện tranh chấp quốc tế; phối hợp với các cấp, ngành xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất, hàng hóa trong nước…
Trước đó, báo cáo với tổ công tác về kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết Bộ Tư pháp đã quán triệt và thực hiện nghiêm Quy chế số 42 của Thủ tướng Chính phủ. Từ ngày 1-1-2017 đến ngày 15-3-2018, Bộ Tư pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tổng số 434 nhiệm vụ. Kết quả, đã hoàn thành đúng hạn 378 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 87,04%; hoàn thành quá hạn 7 nhiệm vụ (chiếm tỷ lệ 1,61%); 56 nhiệm vụ đang tiếp tục thực hiện trong hạn. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2018, 100% nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã được Bộ Tư pháp hoàn thành đúng hạn.
Đáng lưu ý, Bộ Tư pháp có 7 ngành, nghề được coi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Đến nay, Bộ đã có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc rà soát các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý ngành và đề xuất phương án đơn giản hoá, cắt giảm hoặc bãi bỏ.
Theo đó, trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp có 98 điều kiện kinh doanh. Với tinh thần thực hiện nghiêm túc chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp dự kiến đề xuất đơn giản, cắt giảm hoặc bãi bỏ 43 điều kiện, đạt tỷ lệ 44%.
Cùng với việc dự kiến đề xuất đơn giản, cắt giảm hoặc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh, Bộ Tư pháp nhận thấy một số quy định cụ thể trong 6 luật và 4 nghị định cần phải sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa.