Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng: Không thể để “bộ não” của người Việt ở nước ngoài
SGGPO
Bộ trưởng Bộ TT -TT cho biết, với Facebook trước đây khi Nhà nước đưa ra yêu cầu, họ chỉ thực hiện khoảng 30%, nay đã đạt 70% - 75%; Youtube tuân thủ tốt hơn, trước đây khoảng 60%, nay khoảng 80% - 85%; Apple trước đây gần như không hợp tác, nay đã bắt đầu thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn. Ảnh: QUOCHOI
Theo chương trình nghị sự phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), trọn vẹn ngày hôm nay 15-8, được dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Sau khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Báo cáo tóm tắt tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.
UBTVQH sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 đối với Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Tư pháp; Công an; Xây dựng; Khoa học và Công nghệ; Lao động, Thương binh và Xã hội; Tài chính; Công thương; Giao thông Vận tải và Ủy ban Dân tộc; Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Buổi chiều cùng ngày, phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành khép lại vào lúc 16 giờ. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ sẽ thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn của UBTVQH. Ảnh: QUOCHOI
Nợ Chính phủ giảm mạnh, ở mức 50% GDP
Tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài (thực hiện Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH14 ngày 5-10-2018 của UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường thu hút và quản lý chặt chẽ, sử dụng vốn vay nước ngoài hiệu quả phục vụ cho phát triển đất nước. Hệ thống quy định pháp luật được rà soát, bổ sung và hoàn thiện; trong đó đã ban hành các Nghị quyết, Quyết định về chỉ đạo, điều hành quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có tác động lan toả sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi.
Đồng thời, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7; bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường sự chủ động và hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài gắn với trách nhiệm của các Bộ, địa phương, phù hợp với thông lệ quốc tế, kịp thời báo cáo để Quốc hội có Nghị quyết về điều chỉnh vốn nước ngoài trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài đã đạt được các kết quả quan trọng; hiệu quả các chương trình, dự án đã được nâng cao, bảo đảm các chỉ tiêu nợ công mà Quốc hội giao; trong đó nợ Chính phủ đến cuối năm 2018 được kiểm soát ở mức 50% GDP, thấp hơn quy định trong kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và giảm mạnh so với mức 52,7% vào năm 2016 và 51,7% vào năm 2017.
Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; quy định pháp luật còn bất cập; tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài còn thấp so với kế hoạch; một số dự án triển khai, giải ngân chậm, chưa hiệu quả...
Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật; yêu cầu người đứng đầu các Bộ ngành, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp, tập trung xử lý những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao uy tín, vị thế đất nước.
Rất ít dự án BOT mới được triển khai
Liên quan đến các dự án BOT, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương rà soát mức thu phí để điều chỉnh cho phù hợp; đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng, bảo đảm cuối năm 2019 tất cả các trạm thu phí sẽ thu phí không dừng theo Nghị quyết của Quốc hội.
Một nguyên tắc được quán triệt, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, là “kiên quyết không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu theo hình thức hợp đồng BOT để đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày báo cáo trước UBTVQH. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vương mắc trong thực hiện các công trình giao thông trọng điểm như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp, đa dạng hóa hình thức huy động vốn, thúc đẩy tiến độ các đề án, dự án; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các công trình giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đã và đang triển khai.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Thực hiện nghiêm các kết luận của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, hầu hết các dự án đều có giá trị quyết toán thấp hơn giá trị tổng mức đầu tư ban đầu. Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm có giải pháp xử lý phù hợp để giải quyết khó khăn đối với một số dự án có sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính đã phê duyệt”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thừa nhận, hệ thống quy định pháp luật và thực tế triển khai còn một số tồn tại, hạn chế. Chi phí đầu tư xây dựng được lập chưa thực sự đáp ứng được nguyên tắc tính đúng, tính đủ và phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế. Hệ thống định mức, đơn giá chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới khoa học công nghệ. Thiếu thông tin đầy đủ về định mức và giá xây dựng theo cơ chế thị trường; nhiều dự án đã hoàn thành nhưng thu phí không đủ (do giảm phí, chưa tăng phí theo đúng lộ trình trong Hợp đồng), phá vỡ mô hình tài chính của dự án gây khó khăn cho chủ đầu tư và các bên tài trợ vốn.
Đặc biệt, một số vướng mắc chưa được sửa đổi kịp thời; đến nay có rất ít dự án BOT mới được triển khai…
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành sớm khắc phục, giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế của các công trình giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đã và đang triển khai; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong đó trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội (tháng 10-2019).
Không thể để “bộ não” của người Việt ở nước ngoài
Trả lời ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) về quản lý thông tin trên mạng xã hội; xử lý sim rác, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ đã xây dựng hệ thống giám sát thông tin mạng; hệ thống này có thể xử lý khoảng 100 triệu thông tin mỗi ngày, đánh giá được chiều hướng thông tin (tích cực, tiêu cực trên mạng xã hội) để có cơ sở quản lý.
“Trước đây, tỷ lệ thông tin tiêu cực trên các mạng xã hội đã phát hiện vào khoảng trên 30%. Việc hoạt động của Trung tâm đã giúp giảm tỷ lệ thông tin tiêu cực trên mạng còn khoảng dưới 10%”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn tại phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG
Trong việc đấu tranh với các mạng xã hội nước ngoài, buộc họ tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT -TT cung cấp thông tin: với Facebook trước đây khi Nhà nước đưa ra yêu cầu, họ chỉ thực hiện khoảng 30%, nay đã đạt 70% - 75%, Youtube tuân thủ tốt hơn, trước đây khoảng 60%, nay khoảng 80% - 85%, Apple trước đây gần như không hợp tác, nay đã bắt đầu thực hiện.
Về sim rác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng công nhận đây là vấn đề lớn, tồn tại nhiều năm. “Vừa qua chúng ta cơ bản đã cắt bỏ được những sim không đủ thông tin, nhưng cũng còn một lượng sim rất lớn nữa, từ nay đến tháng 9 Bộ sẽ tập trung giải quyết theo hướng các nhà mạng sẽ mua lại sim. Một giải pháp mới cho câu chuyện sim rác là giao trách nhiệm trực tiếp cho Tổng giám đốc của các tập đoàn, công ty viễn thông, nếu như còn sim rác trên mạng nào thì mạng đó sẽ không được cấp phép dịch vụ mới”.
Về mạng xã hội (MXH) riêng của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT-TT nói rằng “không thể để tình trạng quá lệ thuộc vào mạng nước ngoài, như thế không khác gì “não người Việt đang ở nước ngoài”.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay các MXH của Việt Nam có khoảng 65 triệu tài khoản, trong khi các mạng nước ngoài có khoảng 90 triệu tài khoản. Phấn đấu đến năm 2020 hoặc 2021 đạt mức tương đương với mạng nước ngoài.
“Cách tiếp cận khi xây dựng MXH Việt Nam là chia sẻ lợi ích, chú trọng phát triển các bộ lọc dọn rác. Các nhà mạng phải chịu trách nhiệm chính về những nội dung thông tin trên mạng”.
Đang xây dựng dự toán, thiết kế thi công dự án đường cao tốc Bắc - Nam
Tại phiên chất vấn, trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) về quan điểm chỉ đạo xây dựng triển khai cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án và đã thực hiện các công đoạn đầu tiên của dự án trong đó có việc triển khai, phê duyệt dự án, đang thiết kế thi công.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thứ nhất, đây là công trình trọng điểm quốc gia do đó tất cả các trình tự, thủ tục phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng tiến độ.
Thứ hai, phải tổ chức đấu thầu công khai minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ ba, đây là công trình có ý nghĩa rất lớn về an ninh quốc phòng, kinh tế xã hội, do đó cần phải xem xét đặc biệt về vấn đề an ninh quốc phòng. Vừa qua, Bộ GTVT cũng đã triển khai các thủ tục, đến thời điểm này chúng tôi đã phê duyệt dự án và đang triển khai thiết kế, thi công và dự toán. Trong khoảng hơn 1 tháng qua, Bộ GTVT cũng đã báo cáo Thường trực Chính phủ và Thường trực Chính phủ cũng cũng đang xin ý kiến của nhiều cơ quan để thực hiện dự án có ý nghĩa về kinh tế nhưng phải đảm bảo về quốc phòng an ninh tốt nhất cho đất nước.
Hiện Bộ đã thực hiện các công đoạn đầu tiên của dự án trong đó có việc triển khai, phê duyệt dự án, đang thiết kế thi công dự án.
Người đứng đầu ngành GTVT nói thêm: "Bộ GTVT đã báo cáo Thường trực Chính phủ trong nhiều cuộc họp và Thường trực Chính phủ xin ý kiến các cơ quan lãnh đạo để thực hiện dự án với quan điểm, dự án được đảm bảo về kinh tế nhưng cũng phải đảm bảo được tốt nhất về an ninh quốc phòng”.
Bằng mọi cách có vốn để cuối năm 2020 hoàn thành dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) và ĐB Nguyễn Văn Giàu (An Giang) về tiến độ đầu tư dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay Thủ tướng đã chỉ đạo và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã hứa với Thủ tướng là chỉ đạo các ngân hàng thương mại bằng mọi cách cung cấp vốn để xong được Trung Lương - Mỹ Thuận đến cuối năm 2020. Riêng cầu Mỹ Thuận 2 đã có vốn hoàn toàn, chỉ là thực hiện theo lộ trình.
“Tuy nhiên, đáng quan ngại nhất là đoạn từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ, thời điểm này vẫn chưa mở thầu được, vì theo Luật Đầu tư công và theo các quy định, khi xác định được nguồn vốn thì mới được quyền mở thầu. Hiện Bộ đang chờ Chính phủ chính thức bố trí 932 tỷ đồng để chính thức mở thầu và theo luật định, từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ cố gắng mở thầu tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ”, người đứng đầu ngành GTVT nói.
Bộ GTVT kiểm tra tiến độ thi công Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cuối tháng 6-2019. Ảnh: QUỐC HÙNG
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng khẳng định, cuối năm 2020, nếu điều kiện thuận lợi thì đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ hoàn thành được nền đường, còn mặt đường khó hoàn thành vì lý do khách quan là đến nay vẫn chưa được mở thầu.
“Với trách nhiệm của mình chúng tôi cam kết cố gắng làm tốt nhất để thông đến TP Cần Thơ. Riêng tuyến tránh Long Xuyên đáng lẽ triển khai nhiều năm nhưng nhiều thủ tục chưa hoàn chỉnh. Vừa qua chúng tôi đã bàn giao cho TP Long Xuyên và tỉnh An Giang, hiện chính quyền địa phương đang kiểm đếm làm thủ tục chuẩn bị chi tiền, sử dụng vốn ODA. Vừa qua Quốc hội đã quyết định bổ sung 8 dự án ODA trong đó có tuyến tránh Long Xuyên. Chủ tịch nước đã ký hiệp định đồng ý bổ sung dự án, hiện nay chỉ còn khâu cuối cùng của Bộ Tài chính hoàn thành hiệp định. Dự kiến đầu năm 2020 khi hiệp định được ký với giải phóng mặt bằng, cố gắng triển khai trong năm 2020. Tiến độ dự án thi công khoảng 2 năm, cố gắng năm 2022 xong tuyến tránh Long Xuyên”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Liên quan đến việc triển khai thu phí không dừng được nhiều ĐB đề cập, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải trình: “Theo quyết định của Thủ tướng, đến 31-12-2019 hoàn thành toàn bộ. Thực tế chúng tôi đã triển khai trong 2 năm nay, có 2 nhà cung cấp để chủ đầu tư lựa chọn. Vừa qua, Bộ họp giao ban với các chủ đầu tư thì thấy chỉ có 1 công ty đáng quan ngại nhất là Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. Tổng công ty này có 226 làn thu phí tự động không dừng nhưng tiến độ rất chậm. Nếu tình hình không cải thiện và chậm thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư. Đến ngày 31-12 sẽ dừng toàn bộ các trạm thu phí chưa chuyển sang trạm thu phí không dừng. Các nhà đầu tư cố tình chây ì thì phải chấp nhận”.
Tỷ lệ lao động bỏ trốn đã giảm đến mức “chấp nhận được”
Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) Đào Ngọc Dung cho biết khi trả lời chất vấn của ĐBQH về tình hình lao động Việt Nam ở nước ngoài.
Tình trạng lao động Việt Nam phá vỡ hợp động, tự ý bỏ ra ngoài làm việc chủ yếu xảy ra ở Hàn Quốc và năm 2016 được đánh giá là năm có tỷ lệ lao động bỏ ra ngoài cao nhất, ở mức 55%.
"Tuy nhiên đến nay, con số này còn 33% và nước đối tác cho rằng đây là tỷ lệ chấp nhận được", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. Ảnh: VIẾT CHUNG
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, số lượng lao động Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tăng, năm 2017 có xấp xỉ 127.000 người; năm 2018 có khoảng 143.000 người Việt Nam sang lao động tại nước ngoài. Thời gian qua, không chỉ số lượng, địa bàn lao động cũng được mở rộng tới các thị trường mới như Australia, Đức, Romania và gần đây nối lại với Czech sau một thời gian gián đoạn.
Về vấn đề Việt Nam có chi phí môi giới cao, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH giải thích, tại một số nước, các doanh nghiệp chỉ đưa người lao động đi sang nước ngoài lao động là hết trách nhiệm. Trong khi đó, tại Việt Nam, các doanh nghiệp còn phải quản lý, thậm chí tham gia xử lý những việc liên quan đến người lao động khi có vấn đề xảy ra tại nước đối tác.
Hiện nay, có khoảng 350 doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đưa người Việt Nam sang nước ngoài làm việc. Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH khẳng định, doanh nghiệp Việt Nam căn cứ vào các quy định pháp luật và hiệp định lao động giữa 2 nước để quy định mức tiền chi trả.
Các loại tàu từ 15m trở lên sẽ được lắp đặt thiết bị hành trình
Trả lời ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 95.500 tàu các loại, xấp xỉ 1 triệu nhân lực hoạt động khai thác thủy sản. Thực tế này đặt ra 3 vấn đề là làm sao khai thác hiệu quả; vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ chủ quyền; ứng phó hiệu quả với thiên tai.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn. Ảnh: VIẾT CHUNG
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, thực hiện quy định của Thủ tướng Chính phủ vê tập trung tuyên truyền các kỹ năng cho ngư dân, cũng như triển khai các quy định của Luật Thủy sản, thời gian qua Bộ NN-PTNT cũng thường xuyên tập huấn, tuyên truyền cho ngư dân 28 tỉnh duyên hải đi khai thác đảm bảo an toàn, có kỹ năng ứng phó thiên tai... Bên cạnh đó, chúng ta cũng tập trung tuyên truyền để đảm bảo hiệu quả khâu liên kết, thành lập nghiệp đoàn nghề cá.
“Ví như ở Khánh Hòa và một số tỉnh đang có nhiều mô hình liên kết bạn tàu, hỗ trợ lẫn nhau, ngư dân cùng với doanh nghiệp liên kết khai thác, tiêu thụ sản phẩm. Tôi biết có doanh nghiệp có quan hệ liên kết 150 phương tiện khai thác, ký hợp đồng mua hải sản cao hơn 10% so với thị trường”, ông nói.
Về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, chúng ta cũng đang từng bước nâng cấp 82 cảng cá, 58 khu neo đậu. Các loại tàu 24m trở lên đang lắp đặt thiết bị hành trình. Tàu từ 15m đến dưới 24m tới đây cũng trang bị toàn bộ.
Đồng thời, chúng ta cũng đang quyết liệt triển khai các nhóm giải pháp để sớm khắc phục được thẻ vàng, trở về trạng thái thẻ xanh.
Tốc độ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 4-5%/năm
Được hỏi về công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết: “Đời sống đồng bào được nâng lên rõ rệt, cụ thể là tốc độ giảm nghèo đạt khoảng 4-5%/năm. So với yêu cầu thì chúng ta còn nhiều việc cần làm, nhưng so với chính mình thì đã có bước tiến”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến . Ảnh: QUOCHOI
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cung cấp thông tin: Hiện tại, cả nước có 1,3 triệu hộ nghèo, trong đó có 720.000 hộ dân tộc thiểu số. Khó khăn, thách thức hiện nay chủ yếu là do thiếu tư liệu sản xuất và chưa có sinh kế bền vững. Ngoài ra chính sách phân tán, nhiều đầu mối quản lý, chưa bố trí được nguồn lực. Trong khi đó, có nhiều hộ dân tộc thiểu số vẫn di cư tự phát…
Vừa qua, Quốc hội đã đồng ý bố trí vốn trung hạn khoảng 1.000 tỷ đồng để thực hiện các quyết định của Thủ tướng về giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Số tiền này đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét phân bổ. Khi có nguồn lực, cơ quan chức năng sẽ có nhiều biện pháp để thực hiện các mục tiêu giảm nghèo.