Cuộc đua trái cây nội, ngoại

Mặc dù khu vực miền Nam đang vào bước vào mùa chính thu hoạch trái cây, nhưng trong thực tế trái cây ngoại xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều.
Cuộc đua trái cây nội, ngoại

Mặc dù khu vực miền Nam đang vào bước vào mùa chính thu hoạch trái cây, nhưng trong thực tế trái cây ngoại xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều.

Đại diện chợ đầu mối Thủ Đức cho biết, tại thời điểm này, hàng đêm lượng trái cây về chợ dao động từ 17.000 - 18.000 tấn, trong đó trái cây ngoại nhập chiếm tỷ lệ khoảng 30%. Táo, lê, cam, nho, bòn bon, quýt của Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ, New Zealand, Nam Phi là những mặt hàng chiếm ưu thế trong giỏ hàng trái cây nhập ngoại về chợ. Riêng táo, lê Trung Quốc về chợ ngày càng giảm do ít được người tiêu dùng chọn mua.

Cam xuất xứ Mỹ bán tại siêu thị ở quận 7, TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ

Đối với trái cây trong nước, nhiều nhất vẫn là cam, bưởi, thanh long, bơ, mãng cầu, dưa hấu, xoài… Ghi nhận của chúng tôi cho thấy, giá hầu hết các loại trái cây nội bán lẻ trên thị trường đều tăng khá cao so với cùng kỳ năm ngoái, với mức tăng bình quân từ 5.000 - 15.000 đồng/kg. Cụ thể, xoài cát Hòa Lộc bán tại các chợ có giá phổ biến từ 50.000 - 65.000 đồng/kg, tùy loại; xoài cát chu từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, thanh long 40.000 đồng/kg, mãng cầu 60.000 đồng/kg, chuối sứ 15.000 đồng/kg, bưởi Năm Roi 45.000 - 60.000 đồng/kg, bưởi da xanh 80.000 - 85.000 đồng/kg, cam đường 70.000 - 75.000 đồng/kg, cam sành 50.000 - 60.000 đồng/kg… Như vậy, với mức giá trái cây nội ngày càng nhích lên đã làm cho trái cây nội và ngoại đang rút dần khoảng cách về giá. Điều này có lợi cho người trồng nhưng lại đẩy trái cây bước vào cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa hàng nội và ngoại.

Tại các siêu thị, trái cây ngoại như lê, táo, nho, cam, ngày càng được nhập về từ nhiều quốc gia, với nhiều chủng loại, kích cỡ khác nhau. Nhìn vào cách bày biện thì trái cây ngoại luôn hút mắt người mua, với các loại táo từ trái lớn đến trái nhỏ, hàng chục loại nho, cam, lê, cherry, dâu, kiwi… Khảo sát về giá cả thấy rõ, trái cây ngoại nhập cũng có giá khá mềm, dao động từ 47.000 - 170.000 đồng/kg như nho Úc xanh không hạt 169.000 đồng/kg, nho Úc đỏ 119.000 đồng/kg; cam Mỹ 74.000 đồng/kg, táo Mỹ từ 59.000 - 89.000 đồng/kg; táo Pháp 59.000 đồng/kg, táo New Zealand và Nam Phi giá bán chỉ từ 47.000 - 79.000 đồng/kg… Đối với các loại trái cây siêu cao cấp như cherry, dâu Mỹ vào Việt Nam ngày càng nhiều, giá bán giảm đáng kể so với những năm trước, đứng ở mức bình quân khoảng 500.000 đồng/kg.

 Không chỉ tập trung ở siêu thị, trái cây ngoại xuất hiện ngày càng nhiều ở các chợ bán lẻ. Tại hầu hết các gian hàng trái cây của các chợ như Bến Thành, An Đông, Vườn Chuối, Văn Thánh…, tỷ lệ trái cây nội và ngoại là 50 - 50. Tại nhiều đường phố cũng có nhiều cửa hàng kinh doanh trái cây, trong đó chủ yếu là trái cây nhập khẩu qua đường hàng không. Nhiều khách hàng khi đến với các cửa hàng này thì đều trở thành khách hàng thân thiết, chỉ cần gọi điện đặt hàng là được giao tận nơi. Các mặt hàng được chọn mua nhiều nhất là táo, lê, nho và cherry. Anh T.V.L., công tác tại một cơ quan truyền thông cho hay, từ ngày biết cửa hàng chuyên giao trái cây ngoại thì gia đình anh đã “quên” hẳn trái cây trong nước. Theo tính toán của anh T.V.L., giá trái cây ngoại vẫn còn cao hơn so với mặt bằng giá bán trái cây trong nước, song mức độ tươi, ngon thì hơn hẳn. Khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, chắc chắn giá bán sẽ còn kéo giảm xuống và người tiêu dùng sẽ được thưởng thức nhiều loại trái cây nhập ngoại khác.

Cùng với các mặt hàng tiêu dùng, trái cây nội và ngoại đã và đang bước vào cuộc so găng thực sự. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về tỷ lệ trái cây nội và ngoại đang bán trong các siêu thị thì hầu hết các chủ siêu thị cho rằng 95% là hàng nội. Nói như anh T.V.L., việc tham gia các hiệp định thương mại tự do sẽ mở cửa cho nhiều loại hàng hóa vào Việt Nam từ việc giảm thuế. Người tiêu dùng sẽ có cơ hội lựa chọn và sử dụng nhiều hơn các sản phẩm ngoại nhập. Nhưng ở góc độ sản xuất, nếu chúng ta cứ mãi an ủi nhau bằng việc hàng nội vẫn chiếm ưu thế, trong khi tỷ lệ trái cây ngoại bày bán ngày càng nhiều, cạnh tranh quyết liệt với hàng nội là một dấu hiệu không tốt, mà cần cách nhìn nhận, đánh giá đúng và sát với thực tế. Đã đến lúc ngành nông nghiệp cần cơ cấu các lĩnh vực, tổ chức lại sản xuất để tạo ra sản lượng hàng hóa lớn, chất lượng tốt và có sức cạnh tranh về giá cả để đối đầu với hàng ngoại. Bằng không, hàng nội sẽ khó tìm được chỗ đứng vững chắc ở thị trường nội địa.

THÁI NGUYỆT

Tin cùng chuyên mục