Sự kiện mời gọi trực tiếp các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, có uy tín và năng lực cao đầu tư vào các dự án trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị trong tỉnh. Đồng thời, hội nghị cũng tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, đáp ứng các tiêu chí hình thành khu du lịch quốc gia. Song song đó, thu hút các nhà đầu tư chiến lược để phát triển địa phương thành điểm đến hấp dẫn, tạo ra các địa điểm vui chơi, giải trí, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách.
Đây cũng là diễn đàn gặp gỡ, đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước, tăng cường hoạt động đối ngoại, xúc tiến quảng bá tiềm năng đầu tư tại tỉnh Bình Thuận. Các nhà đầu tư chiến lược chia sẻ tầm nhìn và kinh nghiệm đầu tư tại những địa phương có điều kiện tương đồng với tỉnh.
Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư của tỉnh ưu tiên kêu gọi nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực kinh tế mạnh, có khả năng đầu tư vào dự án mang tính đột phá, phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ, tác động tích cực đối với cuộc sống người dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận.
Ba lĩnh vực chính tỉnh kêu gọi đầu tư bao gồm du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, thương mại, khu đô thị, khu dân cư. Kế đến là công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo. Cuối cùng là ngành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến tiêu chuẩn quốc tế.
Riêng 6 tháng đầu năm 2019, kinh tế tỉnh tăng 8,46%, thu ngân sách đạt 4.745 tỷ đồng, tăng 30,9% so cùng kỳ năm 2018. Trong năm 2018, lượng khách đến du lịch đạt khoảng 5,7 triệu lượt, tăng 12,08% so với năm 2017. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 12.864 tỷ đồng, cao hơn 18,98% so với năm trước.
Tỉnh Bình Thuận liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí thuận lợi, tài nguyên đa dạng, bờ biển dài 192km, có số giờ gió và bức xạ nhiệt cao, ổn định. Định hướng phát triển đến năm 2030, địa phương phát triển kinh tế theo cơ cấu công nghiệp, xây dựng - dịch vụ - nông lâm thủy sản dựa trên các trụ cột du lịch, năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chế biến gắn với các sản phẩm lợi thế của Bình Thuận.
Hiện hệ thống hạ tầng giao thông nội tỉnh dần hình thành và đồng bộ. Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông dự kiến vận hành trong giai đoạn 2020-2021. Riêng tỉnh có ba tuyến cao tốc gồm Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo và Vĩnh Hảo - Cam Lâm dự kiến khởi công vào cuối năm 2019. Sân bay Phan Thiết cũng sớm thi công trong thời gian tới. Đồng thời, cảng quốc tế Vĩnh Tân có thể tiếp nhận tàu tải trọng đến 50.000 DWT, góp phần nâng cao năng lực giao thông vận tải, giảm chi phí logistics, thúc đẩy phát triển kinh tế biển.