Tăng cường hợp tác giữa các địa phương

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong vừa ký quyết định ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn TP giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, khẳng định quan điểm ứng phó với BĐKH và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của toàn xã hội, các cấp, ngành, các tổ chức và cộng đồng. Ứng phó BĐKH trên cơ sở tăng cường năng lực quản lý Nhà nước, thể chế và pháp luật, đi đôi với đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội…

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong vừa ký quyết định ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn TP giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, khẳng định quan điểm ứng phó với BĐKH và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của toàn xã hội, các cấp, ngành, các tổ chức và cộng đồng. Ứng phó BĐKH trên cơ sở tăng cường năng lực quản lý Nhà nước, thể chế và pháp luật, đi đôi với đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội…

Kế hoạch ứng phó với BĐKH chỉ rõ việc cần thiết lồng ghép các yếu tố BĐKH vào từng chiến lược, chương trình, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở phù hợp điều kiện cụ thể của TPHCM giai đoạn 2017-2020. Để thực hiện được kế hoạch ứng phó với BĐKH một cách thiết thực, kế hoạch hành động đã chỉ rõ nhiệm vụ của từng sở, ngành cụ thể. Chẳng hạn, Sở Khoa học và Công nghệ được phân công chủ trì, phối hợp với các sở, ngành khác nghiên cứu tác động của BĐKH; Sở Quy hoạch và Kiến trúc có nhiệm vụ phối hợp với các sở, ngành lồng ghép các yếu tố BĐKH trong quá trình lập mới, điều chỉnh và cập nhật quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị TP; xây dựng và hoàn thiện các hướng dẫn và quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị ứng phó với BĐKH; xây dựng bộ tiêu chí “Công trình xanh”…

Sử dụng phương tiện giao thông công cộng là một trong những cách để ứng phó với biến đổi khí hậu

Sở Công thương có trách nhiệm phối hợp các sở, ngành thực hiện nhiệm vụ: 100% các công trình xây dựng mới hoặc cải tạo tuân thủ các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (các công trình xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả). Ứng dụng các giải pháp, thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện cho 100% công trình chiếu sáng công cộng xây mới và cải tạo. Riêng ngành giao thông vận tải được giao trọng trách, tăng cường quá trình chuyển đổi từ sử dụng phương tiện giao thông cá nhân sang phương tiện công cộng. Đến năm 2020, xe buýt vẫn là phương tiện giao thông công cộng chủ yếu, nhưng cần tập trung cải thiện nâng cao hiệu quả vận hành, bao gồm chuyển đổi sang sử dụng các loại nhiên liệu sạch hơn so với xăng, dầu truyền thống. Thêm nữa, ngành giao thông vận tải cần nhanh chóng phát triển hệ thống giao thông xanh với mục tiêu đạt tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng khoảng 20%-25% thị phần vận tải đến năm 2020. Đáng lưu ý, với ngành cấp nước, yêu cầu đặt ra là phân chia khu vực quản lý, đầu tư, nâng cấp mạng lưới, phấn đấu giảm thất thoát nước sạch trên mạng lưới cấp nước từ 32%-34% (như hiện nay) xuống dưới 25%. Song song đó, cũng cần xây dựng hồ điều tiết nước nhằm giảm ngập, nâng cao công tác thoát nước mưa, thủy triều bằng hệ thống liên hồ chứa. Phấn đấu xử lý được 50%-75% lưu lượng nước thải của TPHCM, tương đương 800.000 - 1.200.000m3/ngày. Ứng dụng các công nghệ xử lý sử dụng ít hoặc tái sinh năng lượng và giảm đến mức thấp nhất sản phẩm phụ (bùn hữu cơ và bùn sinh học)…

Kế hoạch ứng phó cũng nhấn mạnh tới việc chủ động thúc đẩy cơ chế hợp tác liên tỉnh, liên vùng và hợp tác quốc tế để đẩy mạnh các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, hợp tác đầu tư và triển khai các hoạt động ứng phó với BĐKH. Trên tinh thần tham gia đóng góp tích cực vào việc thực hiện các thỏa thuận và mạng lưới quốc tế ứng phó với BĐKH mà TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung đã ký kết. Toàn bộ kinh phí do Nhà nước đóng góp nhằm đảm bảo các nguồn lực cần thiết; đồng thời huy động sự hỗ trợ, chung tay của cộng đồng trong nước và quốc tế.

GIA HÂN

Tin cùng chuyên mục