Để giảm thiểu phát thải khí nhà kính

TPHCM ngày càng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) khi mùa mưa đến sớm, ngập lụt kéo dài, nhiệt độ gia tăng, suy giảm chất lượng nguồn nước và không khí..., những hậu quả này đã và tác động tiêu cức đến đời sống kinh tế - xã hội của TPHCM. Được cảnh báo là một trong những thành phố sẽ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của BĐKH, TPHCM đã và đang nỗ lực triển khai các phương án thích ứng đồng bộ.

TPHCM ngày càng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) khi mùa mưa đến sớm, ngập lụt kéo dài, nhiệt độ gia tăng, suy giảm chất lượng nguồn nước và không khí..., những hậu quả này đã và tác động tiêu cức đến đời sống kinh tế - xã hội của TPHCM. Được cảnh báo là một trong những thành phố sẽ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của BĐKH, TPHCM đã và đang nỗ lực triển khai các phương án thích ứng đồng bộ.

Bất thường với mưa trái mùa

Tình trạng bất thường của thời tiết đã và đang diễn biến rất phức tạp, khó lường và ảnh hưởng nhiều đến đời sống kinh tế - xã hội ở TPHCM. Minh chứng cho điều này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết thời gian gần đây, chúng ta có thể nhận thấy đã xuất hiện rất nhiều cơn mưa trái mùa và triều cường ở một số quận, huyện như Thủ Đức, quận 7, Nhà Bè thường cao hơn so với trước đây. Mưa lũ, triều cường ngày càng có xu hướng gia tăng trên địa bàn, đe dọa tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của hàng triệu cư dân thành phố. Ngoài ra, theo dự báo, BĐKH sẽ ảnh hưởng bất lợi đến TPHCM trong những thập kỷ tới. Lượng mưa được dự báo sẽ giảm trong mùa khô và tăng trong mùa mưa. Nhiệt độ trung bình dự báo sẽ tăng 100c cho đến năm 2050 và 2,60c đến năm 2100. Mực nước biển dự kiến cũng sẽ tăng 30cm đến năm 2050 và tiếp tục tăng khoảng 65 - 100cm vào năm 2100 so với mực nước biển trung bình trong giai đoạn những năm 1980 - 1999. Như vậy, TPHCM sẽ chịu ảnh hưởng hỗn hợp của các yếu tố như tăng nhiệt độ, dẫn đến nhiệt độ cao hơn trong thành phố; suy giảm chất lượng không khí và nguồn nước; mực nước biển dâng dẫn đến nguy cơ ngập lụt và nhiễm mặn tăng, kết hợp với triều cường sẽ tạo ra các đỉnh lũ cao hơn; tăng lượng mưa trong mùa mưa sẽ tạo ngập úng nhiều hơn và hệ quả thay đổi dòng chảy của hệ thống sông ngòi, dẫn đến sự gia tăng các sự cố vỡ đê bao, tăng tần suất ngập lụt. Một ảnh hưởng kép nữa nếu công tác quản lý, bảo vệ môi trường sống không được quan tâm đầy đủ.

Doanh nghiệp sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến sẽ giúp giảm thiểu khí thải nhà kính, tạo sản phẩm chất lượng cao. Ảnh: THÀNH TRÍ

Đồng quan điểm này, nhiều ý kiến cho rằng, sự phát triển nhanh của TPHCM (GRDP trung bình đạt 8% - 9%/năm) sẽ tạo áp lực đối với việc cải thiện, nâng cao điều kiện môi trường sống cho người dân. Nhiều ngành công nghiệp chậm đổi mới công nghệ và thiết bị hiện đại. Tăng trưởng nhanh tạo áp lực cho khoảng không gian xanh trong TP, trong khi giao thông với đặc trưng các phương tiện cá nhân gia tăng nhanh cũng dẫn đến thường xuyên kẹt đường và ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng. Quản lý ô nhiễm môi trường của chủ nguồn thải công nghiệp còn yếu kém, nước thải, khói bụi chưa được xử lý. Nước ngầm bị khai thác, sử dụng có phép và trái phép (cả trong sinh hoạt và sản xuất), dẫn đến hiện tượng lún sụt ở nhiều khu vực. Thay đổi dòng chảy và bồi lắng dịch chuyển nên việc xây dựng bến cảng và nạo vét các dòng sông ngày càng tốn kém. Việc ngập lụt sẽ gây khó khăn và tốn kém nhiều hơn cho việc phát triển của TP sang các đô thị vệ tinh mới. Một thách thức nữa là nhận thức của mọi người về ảnh hưởng của BĐKH diễn biến một cách chậm rãi nên khó thấy ngay nguy cơ trước mắt.

Đẩy mạnh hợp tác

Áp dụng giải pháp thích ứng với BĐKH là rất cần thiết. Trước mắt, các cơ quan chức năng tại Việt Nam cần hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đổi mới công nghệ sản suất để giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trên thực tế, hiện có đến 90% DN Việt Nam là DN vừa và nhỏ. Hơn 50% trong số các DN đang hoạt động sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu từ thập niên 90. Thống kê do Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM khẳng định, hơn 50% DN sản xuất tại TP đang sử dụng công nghệ lạc hậu. Chỉ 1% DN sử dụng công nghệ hiện đại và số còn lại là có công nghệ trung bình. Việc sử dụng công nghệ lạc hậu vừa tiêu tốn nhiều nhiên liệu sản xuất vừa phát sinh lượng lớn khí thải, đồng thời làm tăng chi phí của các DN để thực hiện quản lý và xử lý khí thải phát sinh.

Liên quan đến vấn đề này, ông Yoshihiro Mizuno, chuyên gia tư vấn của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ DN Việt Nam thay đổi công nghệ trong sản xuất. Hiện JICA đang hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND TPHCM đánh giá nhu cầu sử dụng công nghệ carbon thấp tại Việt Nam. Đây sẽ là cơ sở để đơn vị thiết lập một danh sách tham khảo về công nghệ và xác định nhu cầu quốc gia, đề xuất một gói công nghệ cụ thể. DN Việt Nam có nhu cầu đổi mới công nghệ cũng sẽ được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ kinh phí thông qua cơ chế hỗ trợ cho vay. Ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giám sát (Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Chính phủ Việt Nam đã chủ động tiếp cận chính sách khí hậu toàn cầu và bước đầu xây dựng và thực hiện các hành động giảm nhẹ BĐKH phù hợp với điều kiện quốc gia. Đồng thời phối hợp với tổ chức JICA để nghiên cứu và lựa chọn những giải pháp giảm thiểu thiệt hại đến chất lượng cuộc sống do BĐKH gây ra. TPHCM là đơn vị được ưu tiên nghiên cứu và triển khai thí điểm mô hình đô thị carbon thấp trong thời gian tới và kết quả của việc triển khai tại TPHCM sẽ là cơ sở để nhân rộng ra các tỉnh, thành khác trên cả nước”.

Minh Hải

Tin cùng chuyên mục