Đề xuất quy trình kiểm kê khí nhà kính

Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM (TN-MT), Văn phòng Biến đổi khí hậu TPHCM (BĐKH) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa có cuộc họp tham vấn với các sở ban ngành, chuyên gia trong lĩnh vực liên quan nhằm lấy ý kiến đóng góp cho việc xây dựng quy trình triển khai các hoạt động giảm nhẹ BĐKH.

Đây là dự án hỗ trợ để lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (gọi tắt là dự án SPI-NAMA), được phê duyệt tại Quyết định số 1911/QĐ-BTNMT ngày 29-7-2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (dự án hợp tác giữa Bộ TN-MT và JICA). Trong đó TPHCM được chọn là địa phương thực hiện thí điểm quy trình đo đạc, báo cáo, thẩm định phát thải khí nhà kính (gọi tắt MRV) và các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (gọi tắt là các NAMA) ở cấp thành phố như một hợp phần của dự án SPI-NAMA, nhằm các mục đích sau: Lấy TPHCM làm thí điểm, hỗ trợ nâng cao năng lực xây dựng tổ chức ở địa phương, năng lực cán bộ có khả năng xác định liên tục tình trạng phát thải và giảm phát thải khí nhà kính. Xây dựng và đề xuất quy trình MRV ở cấp thành phố và địa phương để có thể triển khai rộng khắp tại Việt Nam. Biên soạn và triển khai tài liệu tập huấn, nâng cao năng lực cho các địa phương khác và tiến hành lập, thực hiện, quản lý kế hoạch NAMA tại Việt Nam.

Ảnh minh họa

Theo đó, quy trình được JICA đề xuất bao gồm sự tham gia của tất cả các cơ quan, tổ chức liên quan và người dân. Tùy vai trò, trách nhiệm của từng đối tượng mà họ sẽ có những đóng góp nhất định cho quá trình giảm nhẹ BĐKH. Cơ quan có trách nhiệm phê duyệt danh sách các hoạt động giảm nhẹ BĐKH cũng như phê duyệt kế hoạch giảm nhẹ BĐKH là UBND TPHCM. Có trách nhiệm quản lý kế hoạch giảm nhẹ BĐKH là Sở TN-MT (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động thích ứng với BĐKH). Cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ quản lý kế hoạch giảm nhẹ BĐKH theo từng ngành và cuối cùng là các cơ quan triển khai các hoạt động giảm nhẹ bao gồm các sở, ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Phạm vi của kế hoạch giảm nhẹ BĐKH gồm tất cả các hoạt động có trong kế hoạch hành động thích ứng với BĐKH của TPHCM và các chương trình, dự án, kế hoạch khác từ việc quy hoạch, sử dụng đất, tiết kiệm năng lượng, giao thông đến xử lý chất thải… Theo ông Hà Minh Châu, Phó Chánh Văn phòng BĐKH TPHCM, giảm nhẹ BĐKH là giảm các yếu tố gây BĐKH (như làm tăng nhiệt độ, sự biến động của lượng mưa) từ các hoạt động của con người, tức làm giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình hoạt động (GHG). Sau khi hoàn thiện sản phẩm dự án SPI-NMA, JICA sẽ bàn giao cho Bộ TN-MT và TPHCM để tổ chức thực hiện thí điểm. Cũng theo ông Hà Minh Châu, TPHCM sẽ nỗ lực thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đóng góp kế hoạch giảm nhẹ cho quốc gia. Dự án SPI-NAMA như là bước đầu chuẩn bị thể chế và các chính sách liên quan để thực hiện. Sau hơn một năm thực hiện (hợp phần dự án SPI-NAMA tại TPHCM) hiện các chuyên gia Nhật Bản đang phối hợp với Sở TN-MT TPHCM, Văn phòng BĐKH TPHCM xây dựng bản dự thảo (lần 1) gồm quy trình MRV thực hiện MRV cấp địa phương (tỉnh/thành phố) cho các lĩnh vực trọng điểm, quy trình thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Dự kiến chương trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017.

Sơn Lam

Tin cùng chuyên mục