Sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường đúng mục đích

Đề xuất phí thẩm định phục hồi môi trường
Sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường đúng mục đích

Trong năm 2016, ngân sách Nhà nước (NSNN) bố trí chi sự nghiệp môi trường 12.290 tỷ đồng, đạt 1% tổng chi NSNN, trong đó ngân sách trung ương 1.700 tỷ đồng và ngân sách địa phương 10.590 tỷ đồng. Từ ngày 22-2-2017, việc quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định tại Thông tư 02/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính nhằm bảo đảm sử dụng kinh phí được giao đúng mục đích, có hiệu quả

Phân cấp chi ngân sách

Thông tư 02/2017 được ban hành nhằm hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường, thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường, bao gồm các dự án, đề án, chương trình bảo vệ môi trường nếu có do NSNN bảo đảm. Thông tư này quy định rõ nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương gồm: chi xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch, quy trình kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, chương trình, đề án về bảo vệ môi trường thuộc nhiệm vụ của trung ương; hỗ trợ công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường quốc gia, liên tỉnh, lưu vực sông liên tỉnh (bao gồm kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm tác động xấu đến môi trường); đánh giá các khu vực bị ô nhiễm môi trường liên tỉnh, thuộc nhiệm vụ của trung ương theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; phòng ngừa, ứng phó khắc phục sự cố môi trường phạm vi vùng, toàn quốc. Ngoài ra, ngân sách trung ương cũng chi hỗ trợ công tác quản lý chất thải, đánh giá các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường quy mô liên tỉnh, đánh giá sức chịu tải của môi trường, thuộc nhiệm vụ của trung ương theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường...

Còn nhiệm vụ chi ngân sách của địa phương gồm: chi xây dựng, thẩm định và công bố quy hoạch bảo vệ môi trường địa phương; hoạt động thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của địa phương; thẩm định các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường được chi từ nguồn sự nghiệp môi trường, thuộc trách nhiệm của địa phương; hỗ trợ công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường của địa phương (gồm kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến môi trường); xác định khu vực bị ô nhiễm môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; phòng ngừa, ứng phó khắc phục sự cố môi trường của địa phương... Mức chi thực hiện các nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường được thực hiện theo định mức, đơn giá, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Bên cạnh đó, Thông tư 02/2017 cũng đã hướng dẫn thêm một số mức chi, trong đó, mức chi giải thưởng môi trường ở trung ương từ 8 - 20 triệu đồng/giải (đối với tổ chức) và từ 5-15 triệu đồng/giải (đối với cá nhân). Riêng giải thưởng môi trường ở địa phương thì mức chi giải thưởng sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định.

Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường lưu vực sông liên tỉnh. Ảnh: Huy Anh

Căn cứ vào dự toán chi ngân sách được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, các đơn vị thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước, nơi giao dịch. Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch thực hiện kiểm soát chi theo quy định hiện hành. Đối với dự án xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích, được hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương và ngân sách trung ương, Kho bạc Nhà nước (nơi giao dịch) giải ngân theo tiến độ thực hiện và tương ứng với tỷ lệ ngân sách trung ương hỗ trợ. Thông tư này cũng nêu rõ, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tài nguyên và môi trường, cơ quan tài chính cùng cấp kiểm tra định kỳ, đột xuất các đơn vị trực thuộc về tình hình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường; việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường, nhằm bảo đảm sử dụng kinh phí được giao đúng mục đích, có hiệu quả.

Đề xuất phí thẩm định phục hồi môi trường

Bên cạnh việc quy định quản lý kinh phí sự nghiệm bảo vệ môi trường, hiện Bộ Tài chính đang dự thảo thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định. Theo dự thảo, người nộp phí là các cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị cơ quan có thẩm quyền ở trung ương thực hiện thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung.

Bộ Tài chính cũng đề xuất mức thu phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung. Phí thẩm định phương án được tính dựa trên 2 trường hợp. Trường hợp 1 là có phương án cải tạo, phục hồi môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung và báo cáo đánh giá tác động môi trường không cùng cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp 2 là có phương án cải tạo, phục hồi môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung và báo cáo đánh giá tác động môi trường cùng một cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Cụ thể, với tổng mức vốn đầu tư dự án đến 10 tỷ đồng thì mức phí thẩm định ở trường hợp 1 là 6 triệu đồng và trường hợp 2 là 4 triệu đồng; dự án trên 10 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng có mức phí thẩm định tương ứng cho từng trường hợp là 9 triệu đồng và 6 triệu đồng; dự án trên 20 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng là 15 triệu đồng và 10 triệu đồng; dự án trên 50 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng là 18 triệu đồng và 27 triệu đồng, dự án trên 100 tỷ đồng đến 200 tỷ đồng là 30 triệu đồng và 20 triệu đồng; dự án trên 200 tỷ đồng đến 500 tỷ đồng là 39 triệu đồng và 26 triệu đồng; dự án trên 500 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng là 44 triệu đồng và 29,3 triệu đồng; dự án trên 1.000 tỷ đồng đến 1.500 tỷ đồng là 48 triệu đồng và 32 triệu đồng; dự án trên 1.500 tỷ đồng đến 2.000 tỷ đồng là 49 triệu đồng và 42,7 triệu đồng; dự án trên 2.000 tỷ đồng đến 3.000 tỷ đồng là 51 triệu đồng và 34 triệu đồng; dự án trên 3.000 tỷ đồng đến 5.000 tỷ đồng là 53 triệu đồng và 35 triệu đồng; dự án trên 5.000 tỷ đồng đến 7.000 tỷ đồng là 56 triệu đồng và 37,3 triệu đồng; dự án trên 7.000 tỷ đồng là 61 triệu đồng và 40,7 triệu đồng.

Dự thảo cũng quy định người nộp phí nộp trực tiếp cho tổ chức thu phí hoặc nộp vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu phí mở tại Kho bạc Nhà nước. Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên - Môi trường, tổ chức thu phí thẩm định theo quy định tại thông tư này.

HÀ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục