Đầu tư điện mặt trời ở hộ gia đình - Cần chính sách hỗ trợ

Nhằm khuyến khích người dân sử dụng năng lượng mặt trời, hướng đến mục tiêu tiết kiệm năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM (Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM) đã và đang triển khai, thực hiện tư vấn, hỗ trợ dự án lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho các hộ dân trên địa bàn thành phố.
Đầu tư điện mặt trời ở hộ gia đình - Cần chính sách hỗ trợ

Nhằm khuyến khích người dân sử dụng năng lượng mặt trời, hướng đến mục tiêu tiết kiệm năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM (Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM) đã và đang triển khai, thực hiện tư vấn, hỗ trợ dự án lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho các hộ dân trên địa bàn thành phố.

Người dân hào hứng

Chị Nguyễn Thị Kim Ánh, cư ngụ tại nhà số 81 đường Bành Văn Trân, quận Tân Bình, cho biết được sự tư vấn của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM, gia đình chị đã đầu tư 12 tấm pin điện mặt trời với kinh phí 70 triệu đồng. Sau thời gian sử dụng, mỗi tháng gia đình chị tiết kiệm được từ 800.000 - 900.000 đồng tiền điện và quan trọng hơn là nguồn điện rất ổn định không phải lo bị cắt hay cúp để sửa điện theo kế hoạch ngành điện. Điện thu về từ các tấm pin năng lượng mặt trời không chỉ cho gia đình xài, mà còn dư để nối lưới. Sau 6 tháng đưa vào sử dụng hệ thống điện mặt trời, gia đình chị cũng đã được Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM hỗ trợ 500.000 đồng cho số lượng điện dư nối lưới. Cũng theo chị Ánh, mặc dù mức đầu tư ban đầu cao, tuy nhiên về hiệu quả lâu dài và xu hướng phát triển chung thì đây là dự án rất thiết thực. Để khuyến khích người dân tham gia nhiều hơn nữa, chị Ánh cho rằng, các cơ quan, đặc biệt là ngành điện lực cần vào cuộc mạnh hơn nữa để phát triển mô hình này. Bởi lẽ hiện tại mới chỉ có Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM khảo sát, tư vấn và hỗ trợ người dân 2.000 đồng/kW điện nối lưới theo kế hoạch của thành phố. Với mức giá này phải mất 10 năm, người dân mới thu hồi lại vốn cho chi phí đầu tư ban đầu.

Mô hình điện mặt trời được lắp đặt tại nhà chị Nguyễn Thị Kim Ánh, quận Tân Bình, TPHCM

Đồng quan điểm này, chú Trương Văn Cường, ngụ tại 477/3/14 Âu Cơ, quận Tân Phú, cũng chia sẻ đã đầu tư hệ thống điện mặt trời cho gia đình với mức đầu tư là 167 triệu đồng. Mỗi tháng gia đình tiết kiệm được khoảng 500kW điện. Đầu tư điện mặt trời chi phí ban đầu tuy có lớn nhưng về lâu dài sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng, mặt khác còn góp một phần nhỏ trong kế hoạch kêu gọi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để thích ứng với biến đổi khí hậu của Nhà nước. Chú Cường nói thêm, Nhà nước nên làm cho người dân thấy được những lợi ích khi tham gia dự án này. Người dân thấy được lợi ích thì họ mới sẵn sàng tham gia. Hiện nay, mức hỗ trợ 2.000 đồng/kW điện mà TPHCM đang triển khai mặc dù rất tốt cho người dân, song vẫn chưa đủ hấp dẫn để nhiều người tham gia bởi chi phí đầu tư ban đầu rất cao. Chỉ có những hộ thực sự yêu thích, thấy được vai trò quan trọng của điện mặt trời và có điều kiện thì mới tham gia. “Nhà nước cần có những biện pháp tuyên truyền và hỗ trợ tốt hơn cho người dân”, chú Cường kiến nghị.

Cần nhân rộng mô hình

Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM, cho biết là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện hỗ trợ các hộ dân lắp đặt hệ thống điện mặt trời, có thể nói, đây là một quyết định táo bạo, mạnh dạn của lãnh đạo TPHCM. Khi bắt đầu lên phương án triển khai, chúng tôi thực sự không tự tin, bởi chi phí đầu tư điện mặt trời lớn. Tuy nhiên, rất mừng khi triển khai, chương trình nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Thực tế, trong quá trình thực hiện, dự án cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Là chương trình thuộc lĩnh vực mới (điện mặt trời) nên quá trình tổ chức, xúc tiến các hoạt động giới thiệu, tuyên truyền đến các đơn vị, cá nhân còn chậm và chưa đồng bộ do thiếu kinh nghiệm. Không chỉ có vậy, hiện Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ về lĩnh vực điện mặt trời nên là đơn vị triển khai thí điểm, TPHCM cũng gặp không ít khó khăn khi nguồn tài chính có hạn. Ông Huỳnh Kim Tước cho biết thêm, với những lợi ích mà điện mặt trời mang lại thì đây sẽ mô hình lý tưởng trong tương lai. Tuy nhiên, để có thể nhân rộng và phát triển mô hình này rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Bộ Công thương, EVN và các bộ ngành cũng cần tham gia, kết nối để nhân rộng các mô hình đầu tư lắp đặt điện mặt trời. Hiện Bộ Công thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ chính sách khuyến khích phát triển năng lượng mặt trời và khuyến khích các hộ gia đình lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên mái nhà. Hy vọng trong thời gian tới, bước đi tiên phong của TPHCM cùng những chính sách mới của Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng tái tạo; sự tham gia tích cực của EVN và các bộ, ngành, năng lượng sạch ở Việt Nam sẽ có điều kiện phát triển mạnh.

Các chuyên gia môi trường nhìn nhận, ở Việt Nam, sản xuất điện còn phụ thuộc vào than, tức là vẫn đang đi ngược lại xu hướng của thế giới. Điện than thường được coi là nguồn điện rẻ nhưng lại là nguyên nhân gây phát thải nhà kính lớn, là hiểm họa cho môi trường. Trong khi thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn. Vì thế, chúng ta cần có chính sách đúng đắn để tối ưu hóa lợi ích từ năng lượng tái tạo. Việt Nam đã có Chiến lược “Phát triển năng lượng tái tạo”, trong đó mục tiêu chung của chiến lược là giảm 25% phát thải khí nhà kính và phần lớn các hộ gia đình sẽ được tiếp cận với các dịch vụ năng lượng đáng tin cậy, bền vững và hiện đại với giá cả phải chăng vào năm 2030.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục