Kịp thời nơi tuyến lửa
Một sáng mùa thu, trong căn phòng tầng 1 khu nhà hành chính của Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba, bác sĩ Dương Thanh Bình, Giám đốc bệnh viện, kể cho tôi nghe những trang sử đặc biệt.
Vào năm 1973 khi Chủ tịch Fidel Castro sang thăm Quảng Bình và Vĩnh Linh, ông quyết định tặng nhân dân Việt Nam một bệnh viện hiện đại nhất lúc bấy giờ. Năm 1974, bệnh viện được khởi công, 7 năm sau, ngày 9-9-1981 thì hoàn thành với quy mô 462 giường bệnh và trang thiết bị đồng bộ, hiện đại với có 19 khoa lâm sàng, cận lâm sàng, 7 phòng chức năng.
“Toàn bộ vật liệu xây dựng đều nhập từ Cuba, dù lúc đó Cuba đang bị cấm vận. Máy móc vận hành bệnh viện được nước bạn đặt mua từ Nhật Bản. Cho đến nay, bệnh viện vẫn còn sử dụng một số máy móc từ thời đó rất tốt, đủ thấy Cuba vì Việt Nam đến mức nào. Bệnh viện được thiết kế theo mẫu bệnh viện từ Cuba, tối ưu về môi trường, công năng sử dụng phù hợp với không gian nhiệt đới của tỉnh Quảng Bình”, bác sĩ Bình kể.
Nhiều người cho rằng, khi sang thăm tuyến lửa Quảng Bình - Vĩnh Linh, Chủ tịch Fidel xúc động trước những mất mát hy sinh của vùng đất này nên đã tặng một bệnh viện hiện đại.
Tuy nhiên, bác sĩ Lại Văn Hải, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Lệ Thủy, con của ông Lại Văn Ly, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Khi bố tôi còn sống, ông là người dẫn đầu đoàn cán bộ tỉnh Quảng Bình sang thăm 5 bệnh viện lớn của Cuba. Đoàn được Chủ tịch Fidel đón tiếp ân cần. Lãnh tụ nói, bệnh viện hiện đại nhất lúc đó phải đặt ở Quảng Bình vì hai mục đích: một là nhằm phục vụ sớm nhất cho các thương bệnh binh từ chiến trường miền Nam ra, hai là người dân tuyến lửa này chịu quá nhiều thiệt thòi do bom đạn của Mỹ trút xuống mà lại xa các trung tâm y tế lớn, không chữa trị kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Ông chọn Đồng Hới để tuyến lửa hòa bình có cơ sở y tế tiên tiến lúc đó”.
Ông Nguyễn Đình Đàm (82 tuổi), nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cuba thời kỳ đầu, kể thêm: “Tôi chưa thấy một đất nước nào giúp đỡ Việt Nam vô tư như Cuba. Khi bệnh viện hoàn thành, họ còn cử 146 bác sĩ, chuyên viên sang vận hành, đào tạo bác sĩ, y tá, điều dưỡng cho Việt Nam trong suốt 5 năm. Đồng cam cộng khổ thời bao cấp, hàng vạn chiến sĩ được giúp đỡ, can thiệp y tế bằng máy móc hiện đại, hàng vạn nhân dân từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị được cứu chữa kịp thời. Đến nay, biểu tượng đó, người dân Quảng Bình vẫn còn nhắc mãi”.
“Tầm sư” y tế
Vì người bệnh nghèo, năm 2017, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và bệnh viện đã sang tận Cuba “tầm sư” các chuyên gia y tế. “Sang đó, ai cũng nhiệt tình như trước đây, khi nghe chúng tôi đặt vấn đề mời chuyên gia khám bệnh ở Quảng Bình, Bộ Y tế Cu Ba đã cung cấp một danh sách hàng chục chuyên gia, chúng tôi chọn 4 người, gồm: bác sĩ Piter Martínez Benítez - chuyên khoa tim mạch can thiệp; bác sĩ Crescencio Anerio Alfonso - chuyên khoa phẫu thuật thần kinh; bác sĩ Aracelio Pê Guevara - chuyên khoa phẫu thuật chấn thương chỉnh hình và bác sĩ Alfredo Garcia Mirete - chuyên khoa ung bướu. Đây là những bậc thầy của từng lĩnh vực cụ thể, mà phải có mối quan hệ đặc biệt, nước bạn mới đồng ý cử sang”, bác sĩ Bình cho biết.
Để biểu tượng mối quan hệ Việt Nam - Cuba phát triển hơn nữa ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba, cũng như xây dựng các kỹ thuật y học tiến bộ, phục vụ nhân dân tốt hơn, theo bác sĩ Bình, trong tương lai sẽ xây dựng lộ trình đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế, UBND tỉnh Quảng Bình có cơ chế chính sách thu hút các bác sĩ chuyên gia từ Cuba sang Việt Nam, hình thành các ê kíp chữa bệnh thật tốt, chuyên biệt và chuyển giao kỹ thuật khám chữa bệnh tốt nhất cho nhân viên bệnh viện. Cuba cũng sẽ đón các bác sĩ ở Việt Nam sang nghiên cứu, tạo điều kiện tiếp cận công tác khám chữa bệnh của nền y học hàng đầu Cuba.
Khi được hỏi vì sao không chọn nơi nào phồn hoa hơn Quảng Bình, bác sĩ Piter Martínez Benítez nói: “Tôi có điều kiện lựa chọn nơi công tác là Hà Nội hoặc TPHCM, nhưng từ nhỏ, qua các câu chuyện của cha tôi, khiến tôi yêu Quảng Bình. Tôi quyết định đến vùng đất thân yêu này khi được điều động đi làm chuyên gia ở nước ngoài. Dù chưa một lần đặt chân đến Việt Nam, song đất nước của các bạn trong suy nghĩ của tôi là một điểm đến rất thú vị. Cha tôi đã kể về Việt Nam, về lịch sử hào hùng trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, về tình hữu nghị trong sáng giữa nhân dân 2 nước. Đặc biệt, khi nhận lịch công tác ở Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cuba, tôi đã tìm hiểu về lịch sử bệnh viện…”.
Nói về công tác ở bệnh viện, bác sĩ Piter Martínez Benítez bày tỏ: “Tôi và các chuyên gia khác nhận được sự nồng hậu của đồng nghiệp nơi đây, khiến chúng tôi có cảm giác như đang sống trên quê hương mình”.
Ông cũng kể thêm: “Tôi đã được đến thăm di tích lịch sử Khu Giao tế (Đồng Hới), nơi còn lưu giữ những hiện vật mà cố Chủ tịch Fidel Castro của chúng tôi đã sử dụng trong thời gian ông đến thăm Quảng Bình. Tôi còn nghe chuyện người Quảng Bình làm riêng chiếc giường ngủ với kích cỡ đặc biệt cho cố chủ tịch của chúng tôi và một vài câu chuyện rất cảm động khác về chuyến thăm của ông trên đất Quảng Bình. Tôi cũng đến dâng hương tại khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thăm động Thiên Đường và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của biển Nhật Lệ. Tất cả để lại trong tôi ấn tượng đặc biệt. Tôi đã yêu vùng đất này. Đây như một bản tình ca anh em Việt Nam - Cuba”.