Cà phê, thay nhau trả tiền vòng tròn theo thứ tự a, b ,c…; nhậu, lấy tổng “money” chia bình quân, mỗi người khoảng 50.000 đồng là hết cấp. Nói là nhậu nhưng thực ra thì người tiểu đường, người huyết áp cao, người đang uống thuốc bệnh, người sợ chạy xe máy về không vững nên phá mồi là chính.
Thỉnh thoảng có con cháu hay ai đó mang tặng chai rượu quý thì khoe là chính, uống nhiều lắm nửa chai rồi vặn nắp mang về. Chuyện lại trên trời dưới đất, Đông - Tây - Nam - Bắc đủ cả, không đầu óc đâu mà nhớ nổi.
Từ nhỏ nhất như cái chân, cái tay trở trời nhức mỏi; đến vừa vừa như trồng cây, chăn nuôi; rồi động trời đại sự như tham nhũng, giết người, mâu thuẫn kinh tế Mỹ - Trung…
Tôi là nhân vật hưu trí số 5 của nhóm, được xem là thành viên bán thường xuyên vì cái chân hay đi. Chính vì duyên nghiệp viết buộc phải xê dịch, giao tiếp nhiều mà tôi bị gán cho cái biệt danh nghe không ổn chút nào - Heo hạch. Đúng là không ổn, vì từ này được lấy trong câu nói ngụ ý chê của người xưa “Chạy như heo hạch”. Thôi, “lục thập nhi nhĩ thuận”, cười là chính. Mà trong nhóm cũng chẳng ai có biệt danh nào nghe cho thanh nhã, sang trọng. Tôi là người chịu khó quan sát để đặt biệt danh “trời đánh” cho từng người mà cũng chẳng bị ai phản đối hay thù hận.
Đến độ tuổi nào đó, dường như con người, trừ những người mãn tính chướng, sẽ không còn thấy giá trị nào vĩ đại hơn sức khỏe. Mà niềm vui chính là thứ thuốc bổ khỏe có tác dụng hiệu nghiệm nhất. Nhóm ai cũng đồng ý như thế. Có người phát triển thêm, rằng đã nói sức khỏe thì không ai lo cho mình bằng chính mình. Nên thôi, buông bỏ bớt cho nhẹ nhàng tâm xác.
Cùng tính chất dự khuyết như tôi có cô “Thanh selfie”. Gọi theo kiểu nửa tây nửa ta như vậy là để kiếm chút là lạ Việt kiều, vừa tránh cái từ “tự sướng” hơi khó nghe. Ngẫm từ đây, hẳn nhiều người đã biết cô Thanh bị bệnh gì rồi. Cũng lạ, người đâu mà cứ ưa chụp hình mọi nơi, mọi lúc.
Hễ ngồi cà phê, nhậu, hay gặp bất kỳ người quen, người lạ nào, thậm chí ngay ngoài đường, cũng nhờ chụp hình. Cùng một không gian và nhân sự giống nhau, ẹo bên này chụp cái, ẹo bên kia chụp thêm cái nữa, mới chịu. Thấy có người trả máy nói khéo “mỏi tay quá” thì cô Thanh lại ngửa mặt, trề môi, cười toe… tự sướng thêm vài pô nữa. Trang Facebook của cô chỉ toàn là hình với hình.
Thi thoảng lắm mới thấy có chữ thì cũng chỉ là vài câu ngắn gọn chung chung: “Thay cái avatar xem thử đời có mới hơn không?”, hoặc là trích ở đâu đó một câu quen quen: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/Ta có thêm ngày mới để yêu thương”.
Lâu ngày thành quen, rồi cũng chẳng thấy ai còn chê cô Thanh nữa, không biết vì ớn chê, hay cái triết lý buông bỏ đã ngấm sâu vào tuổi. Thậm chí vắng cô, nhóm còn thấy như bị thiêu thiếu đi một chất kích hoạt nào đó.
Chúng tôi gọi đó là bệnh hưu trí. Xin được kể thêm ra đây vài trường hợp nữa để quý vị có thể khái quát căn bệnh của nhóm. Trước hết là “Tuất thời sự”. Tuất vốn là một cán bộ huyện nghỉ hưu được gần vài năm nay. Tuất mà sà vào đâu thì điều đầu tiên là bắt tay tất cả mọi người, không kể tuổi, không kể quen lạ, không kể vừa mới bắt tay cách đó vài giờ hay vài tháng.
Tôi hay bị ám ảnh bởi những bàn tay xã giao lạnh-lùng-lỏng-lẻo, nên hay đùa với Tuất: “Nè, bắt tay thì phải bắt cho ra bắt đó nghe, phải tươi cười nhìn thẳng vào mặt đối tác chứ không được nhìn qua bàn của mấy cô váy ngắn…”.
Vui nhất là Tuất chỉ cười, đã “làm người tử tế” rồi, còn “nhắc chi chuyện cũ đau lòng lắm người ơi”. Dứt màn bắt tay khai mạc, Tuất liền xổ ngay chương trình thời sự 24 giờ. Phải khen là Tuất siêng xem thời sự, chuyện lớn nhỏ “chó cán xe, xe cán chó” gì trên VTV1, Tuất đều nhớ và kể nghe vanh vách.
Chỉ tội là Tuất chưa kết nối được với thời đại 4.0 nên vẫn cứ cái điện thoại “cùi bắp” bỏ túi, vẫn cứ thời sự nguội ngắt được mang ra hâm nóng. Tôi có gợi ý một chiếc Samsung đời mới, với biết bao hấp dẫn từ Facebook, YouTube, Messenger, Zalo… thì Tuất chỉ khoác tay, lắc đầu: “Muốn thì con cháu cũng mua cho, nhưng thôi, già rồi mắt kém, tay run… Thêm mệt!”.
Còn đây là bệnh của “Tuấn thơ”. Tuấn gốc giáo viên toán, hồi còn học sinh cấp 2 đã nổi tiếng ghét thơ và không chịu đọc Dế mèn phiêu lưu ký khi giáo viên văn yêu cầu. Với Tuấn, đơn giản là rất thực tế, không thích sự bay bướm dài dòng và múa may câu chữ.
Vậy mà bỗng dưng về hưu, Tuấn nổi đam mê làm thơ, đọc thơ và nói chuyện thơ say sưa đến lạ kỳ. Thành ra thêm cái bệnh nói nhiều, hứng lên vì thơ thì không ai có thể chen vô nổi. Tuấn làm nhiều thể loại thơ, ở nhiều nội dung và đề tài khác nhau, nhưng lại bị chê là “bá nghệ bá tri, vị chi bá láp”.
Có người trong nhóm gọi Tuấn là biểu tượng sinh động cho “tuổi làm thơ”. Thơ với Tuấn là sự sống không cần khoanh vùng không gian, thời gian, đối tượng như nhiều người thường nói. Ăn đám giỗ giữa trưa nắng nóng toát mồ hôi hột, Tuấn vẫn có thể đọc thơ cho mọi người nghe.
Qua Facebook, Tuấn thường gửi thơ của mình đến tất cả bạn bè thân, không thân, mà chẳng cần biết họ có đọc hay không. Vài người cũng đã “out” Tuấn ra khỏi danh sách kết bạn chỉ vì phiền nỗi… bị tra tấn thơ.
Nhóm là vậy, bệnh là vậy. Cũng lắm thân thương mà cũng dễ bị dị ứng. “Thích thì chơi, không thích thì thăng”, phương châm nghe nhẹ nhàng thế đó. Vậy mà nhóm không dễ tan. Vắng một người ở buổi sáng cà phê hay buổi chiều nhậu nhẹ là nghe nhớ, là hỏi quanh mới chịu được. Dường như khi đã hiểu nhau, tận cùng rõ những tốt xấu của nhau, con người dễ trở nên gần nhau hơn, dễ trân quý và tha thứ cho nhau hơn.