Báo cáo của Ủy ban Quốc phòng - An ninh (QPAN) của Quốc hội về dự án Luật An ninh mạng tại Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách ngày 4-4 cho biết, đến nay, Google và Facebook chưa có đại diện chính thức tại Việt Nam.
Do vậy, đối với dịch vụ quảng cáo trực tuyến của Google, YouTube, Facebook, cơ quan thuế chỉ mới quản lý thuế đối với các khoản thu nhập phát sinh từ đối tác/đại lý quảng cáo hoặc các doanh nghiệp mua dịch vụ trực tiếp của các công ty này tại Việt Nam.
Theo thống kê ban đầu, kết quả cụ thể như sau: Năm 2016, các công ty trong nước nộp thuế thay cho Google, YouTube, Facebook là 46,86 tỷ đồng (thuế giá trị gia tăng là 25,28 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp là 21,58 tỷ đồng). Trong 9 tháng đầu năm 2017, các công ty trong nước nộp thuế thay cho Google, YouTube, Facebook là 73,2 tỷ đồng (thuế giá trị gia tăng là 39,08 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp là 34,12 tỷ đồng).
Về yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam (một nội dung trong dự thảo Luật), Ủy ban QPAN cho biết, thực tế, theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 1-2018, Google đã thuê 1.781 máy chủ, Facebook đã thuê 441 máy chủ của các doanh nghiệp Việt Nam để lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam, cho thấy các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài này đã “bắt rễ” sâu rộng tại Việt Nam, trong khi số tiền thuế đã nộp được coi là không tương xứng.