Tuy nhiên, trước thực trạng y học cổ truyền đang dần bị “lu mờ”, hướng đi đúng đắn và phù hợp nhất của ngành dược hiện nay là dựa vào lợi thế sẵn có đó là nguồn dược liệu trong nước để phát triển. Cùng với xu thế hội nhập, xu hướng “trở về thiên nhiên”, việc nghiên cứu, sử dụng và phát triển lợi ích từ các loại thảo dược hứa hẹn mang lại những nguồn lợi to lớn, ngăn chặn những căn bệnh thế kỷ, kéo dài tuổi thọ con người.
Với điều kiện tự nhiên đặc thù và thiên nhiên ưu đãi, Việt Nam có hàng ngàn loại cây dược liệu phong phú, trong đó nhiều loại quý hiếm được xem là “vàng xanh” của con người. Tuy nhiên, đáng buồn là nguồn dược liệu phong phú này, từ các tỉnh miền núi phía Bắc cho tới miền Trung và Tây Nguyên, lâu nay đã rơi vào tình trạng cạn kiệt, thậm chí nhiều loài đã bị tuyệt chủng… do nạn chặt phá, khai thác tràn lan để xuất lậu sang bên kia biên giới.
Bán qua biên giới
Lâu nay, tại nhiều tỉnh thành miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La được xem là vùng đất của cây dược liệu với nhiều loại có giá trị cao về kinh tế và chữa bệnh. Tuy nhiên, do thiếu chiến lược bảo tồn, quy hoạch phát triển và buông lỏng quản lý nên nhiều loại dược liệu đã bị khai thác vô tội vạ.
Tại vườn quốc gia, các nhà khoa học đã phát hiện được 2.024 loài thực vật bậc cao, thuộc 200 họ, có 66 loài trong sách đỏ Việt Nam... Với hệ thực vật đa dạng, phong phú, Vườn Quốc gia Hoàng Liên được ví như là kho thuốc quý của Việt Nam, nhưng đáng tiếc là kho thuốc này ngày càng cạn kiệt vì tình trạng khai thác vô tội vạ.
Ông Phạm Xuân Phòng, Phó Chủ tịch Hội Đông y huyện Sa Pa, chia sẻ: “Thời gian qua, với lợi thế về khí hậu thổ nhưỡng, địa phương đã đẩy mạnh công tác bảo tồn cây dược liệu, chế biến bảo quản nguồn dược liệu phục vụ chữa bệnh, chăm sóc cộng đồng, nhưng thực tế hiện nay, nhiều loại cây thuốc quý vẫn trong tình trạng cạn kiệt do bị khai thác tràn lan. Thậm chí nhiều loại cây thuốc nếu trước đây chỉ một buổi vào rừng Hoàng Liên là có thể lấy được cả bao tải, còn bây giờ có khi mấy ngày trời cũng chỉ kiểm được vài ngọn, như: Bách xanh, Thiết sam, Thông đỏ, Đinh tùng, Dẻ tùng. Ngoài ra, một số loại khác như Hoàng Liên gai, Tam thất hoang, Tế tân nam cũng đang ít đi”.
Theo tìm hiểu tại nhiều huyện của tỉnh Cao Bằng, cũng như nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, lâu nay người dân đua nhau vào rừng chặt phá lấy cây thuốc để bán cho đầu nậu xuất sang Trung Quốc.
Đào tận gốc, trốc tận rễ
Rời Vườn Quốc gia Hoàng Liên, chúng tôi tới huyện Thạch An, Cao Bằng, theo tỉnh lộ 229, ngoằn ngoèo qua những dãy núi đá sừng sững, với những vạt rừng bị chặt phá nham nhở làm nương rẫy là địa bàn xã Đức Xuân. Bà Nông Thị Ca, chủ một điểm thu mua cây dược liệu ở Đức Xuân, cho biết, nếu như trước đây những loại cây thuốc như Na dây, Chà vằng..., mỗi ngày có thể thu mua được vài tấn của bà con người Tày, Nùng đi rừng bán cho, thì bây giờ cũng chỉ mua được vài tạ vì trong rừng đâu còn nhiều.
Theo Hội Đông y tỉnh Cao Bằng, trên địa bàn Cao Bằng có tới hàng chục điểm thu mua cây thuốc, xuất bán hàng chục ngàn tấn cây thuốc mỗi năm sang biên giới, nên dù có tới trên 600 loài cây thuốc quý hiếm, nhưng nhiều loại ngày càng ít đi.
Việc khai thác tràn lan nhiều loại cây thuốc, dược liệu suốt thời gian dài vừa qua tại nhiều địa phương phần lớn là để bán sang Trung Quốc. Phần còn lại hết sức hạn chế là phục vụ cho nhu cầu sản xuất thuốc chữa bệnh trong nước. Ở Cao Bằng và Lạng Sơn, tại các huyện có cửa khẩu với Trung Quốc, nhiều tư thương phối hợp với các đầu nậu của Trung Quốc lập ra các trạm thu mua dược liệu tại địa phương.
Thống kê của Hội Đông y Cao Bằng, mỗi năm có khoảng 300.000 tấn cây dược liệu của địa phương bị khai thác đưa sang biên giới bán. Trong khi đó, ông Trần Văn Tuyến, Chủ tịch Hội Đông y Lạng Sơn, cho biết, những năm trước chỉ cần đi vào rừng đã tìm thấy cây thuốc, nhưng nay nhiều cây đã không còn vì nạn “đào tận gốc, trốc tận rễ”. Thậm chí, nhiều khu rừng nguyên sinh, đặc dụng ở Hữu Lũng, Mẫu Sơn, Lộc Bình..., cũng bị khai thác cạn kiệt nhiều loại dược liệu quý hiếm để xuất bán sang biên giới nên nhiều loại cây thuốc quý như Đẳng sâm, Kê huyết đằng, Xuyên khung... chỉ còn lại rất ít.
Khi cần nhập lại, mất hết tinh chất
Dưới góc độ vừa là nhà nghiên cứu, vừa sản xuất, kinh doanh, PGS-TS Trần Văn Ơn, Trưởng bộ môn Thực vật, Đại học Dược Hà Nội, Chủ tịch - Giám đốc Công ty DK Pharma, Bộ Y tế, cho biết, hiện nay cả nước có trên 60 loại dược liệu có giá trị kinh tế rất cao nhưng lại được phía Trung Quốc thu mua của người dân ở các tỉnh miền núi phía Bắc với giá vài chục ngàn đồng/kg, nhưng sau đó về chiết xuất làm ra những loại thuốc bán với giá trị kinh tế rất cao. Thậm chí, không ít doanh nghiệp trong nước phải nhập trở lại chính những loại dược liệu đó nhưng giá thành tăng lên gấp nhiều lần.
PGS-TS Trần Văn Ơn cũng cho biết, có khoảng 45 loại cây dược liệu từng là thế mạnh của Việt Nam đang phải nhập khẩu trở lại như: Bạch biển đậu, Binh lang, Hoắc hương, Xạ can, Hồng hoa, Bồ công anh, Cẩu tích… để phục vụ sản xuất Đông dược trong nước. Thậm chí, khi chúng ta nhập khẩu dược liệu trở lại, cơ quan chức năng đã phát hiện có không ít loại đã bị chiết xuất, hút hết hàm lượng các tinh chất.
phát triển cây dược liệu Đương quy Ảnh: THÀNH AN
Nhiều loại cây thuốc bị khai thác tràn lan và buôn bán tự phát đang khiến cho nguồn tài nguyên quý giá của đất nước ngày một suy thoái, cùng với đó là sự mất cân bằng đa dạng sinh học.
Trước thực trạng này, không ít chuyên gia nghiên cứu về dược liệu và y học cổ truyền cho rằng, nhà nước, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần phải có các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn việc khai thác cây thuốc hoang dã trong rừng để cung cấp nguyên liệu cho nước ngoài qua đường buôn bán tiểu ngạch.