Người Pháp kế thừa “quy hoạch cũ”
Tỏ ra nghiên cứu khá sâu các thư tịch cổ từ Pháp, chuyên gia sử học Trần Hữu Phúc Tiến cho biết, Dinh Thượng Thơ (DTT), nay là trụ sở của Sở Công thương và Sở Thông tin - Truyền thông, là nơi ghi dấu quan trọng trong lịch sử nhiều biến động của đất nước vào thời điểm cuối thế kỷ 19, cũng như kiến trúc để lại sau này.
Theo đó, từ các bản đồ cổ và sách sử, nền đất DTT là một dấu tích quan trọng của thành Gia Định và là dấu tích tiêu biểu của thời kỳ người Việt bắt đầu khai phá, thành lập Sài Gòn. Ô đất giáp ranh đường Đồng Khởi - Lý Tự Trọng - Lê Thánh Tôn ngày nay chính là đất của pháo đài ở cổng thành phía Nam, mang tên Càn Nguyên của thành Gia Định.
Trên ô đất này, ngay từ những năm 1860, người Pháp đã quy hoạch và xây dựng DTT, bao gồm nhà làm việc ở mặt đường Lý Tự Trọng và văn phòng của giám đốc trên nền cao ốc 213 Đồng Khởi hiện nay, sau đó là Dinh Xã Tây (bây giờ là trụ sở UBND TPHCM). Khi thực dân Pháp thiết lập chính quyền quân quản ở Sài Gòn và sau đó trên toàn Nam kỳ, DTT là trụ sở gắn liền với hàng loạt hoạt động hành chính dân sự: quản trị ngân sách, tài chính, xây dựng, giao thông, bưu điện, canh nông, thương mại, kỹ nghệ, giáo dục, cảnh sát và kể cả xử án - tất nhiên trừ quân sự.
Tòa soạn Gia Định báo cũng đặt tại đây và đây còn là nơi hội họp của Hội đồng tư vấn Nam Kỳ, bán đấu giá tài sản công và kể cả là nơi đặt mua báo, giao dịch quảng cáo. DTT nằm trong chuỗi cơ quan hành chính thời Pháp thuộc, cũng như là sự kế thừa sau này trên một ô phố hoàn chỉnh, từ đường Lý Tự Trọng nối một mạch là các cơ quan hành chính quan trọng của chính quyền Nam Kỳ với nhau, khoảng cách chỉ vài bước đi bộ.
“Chúng ta nên tự hào về công trình, người Pháp kế thừa xây dựng trên cơ sở thành quách của nhà Nguyễn trước đó, chứ không chỉ là xây mới. Bản thân tòa nhà rất xứng đáng được coi là di tích lịch sử, ông Trần Hữu Phúc Tiến khẳng định.
Giữ lại để làm gì?
Liên quan đến DTT, câu chuyện bảo tồn và phát triển được các đại biểu phân tích khá sâu sắc. Tiến sĩ Tôn Nữ Quỳnh Trân nêu lên thực trạng, các dự án hiện nay đều yêu cầu đánh giá tác động môi trường nhưng lại không có đánh giá tác động đến văn hóa xã hội. Chính điều đó đã tạo ra sơ hở, gây dư luận không tốt. Đối với DTT, việc giữ lại công trình phải có sự bảo tồn phát triển bền vững, chứ không phải để ngắm; làm thế nào để di sản nuôi được nó, chứ không phải là gánh nặng.
Tiếp tục quan điểm giữ lại DTT, kiến trúc sư Lê Quang Ninh đề xuất: “Nên đánh giá cho đúng giá trị công trình và có giải pháp thích ứng với thực tế. Đó là một cơ sở hành chính, chúng ta duy trì công năng cùng với số 86 Lê Thánh Tôn (trụ sở UBND TPHCM), về khoa học tổng thể là phù hợp. Định hướng TPHCM phát triển đô thị thông minh, thì DTT trở thành trụ sở mang tính chất hiện đại như trung tâm điện toán hay điều hành số, làm nhiệm vụ điều hành TP mới có giá trị”.
Đi vào chi tiết, kiến trúc sư Cao Thành Nghiệp kiến nghị TP cần bảo tồn, tu bổ lại nguyên trạng các kiến trúc bên ngoài của công trình và một số khu vực quan trọng bên trong như mái ngói, sảnh, hành lang, cầu thang; các khu vực cơi nới, xây chen lấn cần phải tháo dỡ trả lại thông thoáng cho công trình; còn các chức năng khác nên thay đổi một phần để phù hợp với công năng mới.
“DTT sau khi tu bổ bảo tồn làm trụ sở Hội đồng nhân dân TP là phù hợp nhất, đáp ứng được công năng sử dụng, nhân dân tiếp cận dễ dàng, gần trụ sở UBND TP, thuận lợi cho việc tiếp khách quốc tế”, ông Nghiệp đề xuất.
Nghi ngại việc xóa bỏ DTT để xây dựng trung tâm hành chính TPHCM, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nói rằng cho đến nay chưa có quy định nào về việc phải xây dựng trung tâm hành chính tập trung cho các địa phương, TPHCM cũng chưa có kết luận của Chính phủ là làm trung tâm hành chính tập trung. TPHCM là siêu đô thị, nếu xây dựng trung tâm hành chính vào khu vực trung tâm sẽ tạo mật độ rất lớn, gây nên áp lực giao thông, xã hội. DTT có giá trị văn hóa lịch sử rất rõ, nằm trong ô phố quan trọng, có giá trị rất lớn.
Dưới góc nhìn lịch sử, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Sử học TPHCM, phân tích TPHCM là đô thị quy hoạch kiểu phương Tây sớm nhất trong các đô thị khác của Việt Nam, với tốc độ phát triển thì nay chỉ còn mỗi ô phố Đồng Khởi là giữ lại những công trình kiến trúc kiểu này. Với lịch sử của mình, TPHCM nên giữ gìn và xây dựng những công trình hướng đến giá trị bảo tồn cho đời sau. |
Theo kiến trúc sư Huỳnh Tấn Vạn, đô thị mất đi di sản là đô thị vô hồn, nếu không giữ di sản có giá trị mà phá vỡ đi là có tội với lịch sử, với tương lai. TPHCM hiện nay thiếu sự công khai rành mạch tất cả các hệ thống di sản trên địa bàn TP, không riêng kiến trúc Pháp cổ mà cả với rất nhiều công trình kiến trúc của các thành phần khác để lại, đây là vấn đề mà TP cần phải làm.
“Đính chính” tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, nói: “TPHCM không phải xây dựng trung tâm hành chính tại đây (DTT - PV), đó chỉ là dự án cải tạo và mở rộng trụ sở làm việc của HĐND và UBND TPHCM”. Kết thúc buổi họp, ông Nguyễn Thanh Toàn cho biết, sở tập hợp các ý kiến tại hội thảo để báo cáo UBND TP, sau đó sẽ phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao để rà soát, đánh giá, xem xét việc có đưa DTT vào diện bảo tồn hay không…