Bảo tồn “con đường di sản sông nước” ở TPHCM

Không gian sông nước không chỉ là đặc trưng theo hình thái địa lý, lịch sử hình thành mà trở thành một di sản, góp phần làm nên diện mạo, hồn cốt đô thị và không gian văn hóa công cộng ở TPHCM. Hiện nay, trong tiến trình phát triển của đô thị, việc xây dựng không gian văn hóa công cộng hiện đại, phản ánh đặc điểm văn hóa, xã hội đặc thù, cần chú trọng hơn bao giờ hết, và việc xây dựng đó phải gắn với bảo tồn “con đường di sản sông nước” ở TPHCM.
Chợ hoa tết “trên bến dưới thuyền” ở Bến Bình Đông (quận 8) cần được bảo tồn và phát huy giá trị của di sản sông nước. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Chợ hoa tết “trên bến dưới thuyền” ở Bến Bình Đông (quận 8) cần được bảo tồn và phát huy giá trị của di sản sông nước. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Dấu ấn “trên bến dưới thuyền”

Với lịch sử hình thành từ những ngày đầu mở cõi của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, TPHCM nằm tại khúc giao sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Chợ Đệm, nối liền với hệ thống kênh rạch khu vực ĐBSCL. Nếu nói TPHCM mang dấu ấn của đô thị sông nước cũng không sai, bởi hệ thống kênh rạch trong thành phố hòa mình vào đô thị, tham gia vào cấu trúc và tiến trình phát triển của thành phố.

Hoạt động “trên bến dưới thuyền” có thể bắt gặp ở nhiều khu vực như quận 1, 7, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh... với địa hình tiếp giáp nhiều sông và kênh, rạch. Tuy nhiên, khi nhắc đến cụm từ này, nhiều người vẫn ưu ái dành cho khu vực Bến Bình Đông (quận 8), với hơn 300 năm tuổi, từng là nơi giao thương, buôn bán sầm uất bậc nhất khu vực.

Trong những tài liệu biên khảo của nhà văn Sơn Nam, Bến Bình Đông chạy dài từ chân cầu Chà Và tới đoạn gần đình Bình An. Từ thế kỷ 18, sau khi từ Cù lao Phố (thuộc Biên Hòa, Đồng Nai ngày nay) đến vùng Chợ Lớn, người Hoa bắt đầu hoạt động buôn bán, giao thương dọc hai bên bờ kênh Tàu Hũ. Ở thời điểm phát triển mạnh, Bến Bình Đông tấp nập ghe xuồng chở nông sản, nhất là lúa gạo, từ khắp vùng lục tỉnh đổ về đây và ngược lại. Hiện nay, Bến Bình Đông kéo dài từ cầu Nguyễn Tri Phương tới nơi giao nhau giữa kênh Tàu Hũ với rạch Lò Gốm (phường 11, đến giáp phường 16 quận 8).

Trong sự phát triển nhộn nhịp, hiện đại của TPHCM, Bến Bình Đông vẫn giữ riêng cho mình những nét hoài niệm cũ, những dãy nhà hướng mặt ra dòng kênh, đặc trưng của một di sản sông nước trong lòng đô thị. Nét mua bán sầm uất ngày trước đã giảm đi nhiều khi hệ thống giao thông, phương tiện vận chuyển ngày càng tiện lợi. Chỉ tay về phía xí nghiệp bột mì, bà Minh Hạnh (68 tuổi, một cư dân lâu năm) chia sẻ: “Giờ chỉ thấy ghe lớn chở lúa mì vô Xí nghiệp Bột mì Bình Đông, có đường ống bơm lúa mì từ ghe vào trong luôn, còn lại thì nhộn nhịp chợ hoa tết thôi. Nhà máy bột mì này phải hơn 50 tuổi rồi”.

Ở đây, vẫn còn đó một chợ hoa xuân “trên bến dưới thuyền”, trở thành một phần hồn cốt trong lòng đô thị và một nét văn hóa riêng. Trước tết khoảng 1 tháng, các ghe chở hoa, kiểng từ các tỉnh miền Tây Nam bộ bắt đầu cập bến, người thành phố tranh thủ rảo chợ hoa, để “coi mắt” các loại hoa, kiểng kiểu dáng năm nay. Đủ loại, đủ giá và hơn hết là cách buôn bán nhanh lẹ, không nói thách của dân thương hồ, chính là điểm để khách tìm đến Bến Bình Đông. Hơn hết chính là khung cảnh sóng nước vỗ mạn thuyền, làm cho hoa kiểng, bông trái trở nên đặc biệt một cách lạ kỳ. “Ghe bông bây giờ ít hơn hồi xưa, nhưng năm nào, lối đầu tháng chạp dòm ra thấy vài ghe cập bến là lòng nôn nao tới tết. Nhiều năm nay, tôi ra đây không hẳn là mua mai, mua kiểng mà phải thưởng thức cái rộn ràng như miệt vườn sông nước của chợ hoa”, bà Đặng Thị Thanh (70 tuổi, ngụ quận 8) kể.

Và dọc theo kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, một cung đường với đại lộ Võ Văn Kiệt, Bến Vân Đồn, Bến Ba Đình, Bến Bình Đông… lưu dấu nhiều giá trị di sản của một đô thị gắn liền sông nước, cùng nhiều làng nghề nổi tiếng ở Chợ Lớn như: gốm Cây Mai, gốm Hưng Lợi… Theo nhiều người dân sống dọc hai bên Bến Bình Đông, thời điểm giao thương sông nước phát triển, hai bên bờ kênh có nhiều nhà máy thu mua, xay xát lúa gạo. Gạo sau khi qua nhà máy xay, được chứa trong các chành (theo cách gọi của người Hoa là nơi chứa hàng hóa) và bán ra chợ Trần Chánh Chiếu (quận 5), xuất khẩu. “Con đường lúa gạo” ngày nào ít nhiều vẫn còn hiện hữu, đó cũng là cơ sở để con đường này trở thành “con đường di sản” đậm dấu ấn đô thị sông nước.

Một “bảo tàng đường sông”

“Gầm cầu Thị Nghè vốn là một ổ tệ nạn, xì ke ma túy tụ tập. Còn phía trên cầu người ta ngã giá đi khách mại dâm hà rầm… Ở đây, cảnh chửi nhau, ẩu đả như cơm bữa. Chưa kể, đoạn kênh phía dưới toàn rác rến, muỗi mòng, mùi hôi nồng nặc… Mà đó là hồi trước thôi, cái hồi có nằm mơ cũng không nghĩ có ngày khu vực chân cầu Thị Nghè sạch sẽ, kênh nước đen trở thành dòng kênh xanh mát như giờ. Như ngay khúc cầu Thị Nghè, giờ có bến thuyền, ghe thuyền du lịch lớn nhỏ tấp nập, người ta còn được thả đèn hoa đăng, thả hồn trên chiếc du thuyền ngắm bình minh, hoàng hôn”, chú Trần Quang (64 tuổi, ngụ quận 1) chia sẻ.

Như lời chú Quang, đúng là đã có một nhịp sống văn minh, sạch đẹp trở lại với người dân đôi bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ vài năm nay. Các hoạt động văn hóa, du lịch được tổ chức, người dân đã có thể vui vẻ trên dòng kênh từng mệnh danh “dòng kênh chết”… Dòng kênh đã và đang trở thành một điểm sáng trong hoạt động cải thiện môi trường, điều kiện sống cho người dân và là không gian công cộng ven sông, ven kênh - một bản sắc riêng, đặc trưng của TPHCM. Các sinh hoạt “trên bến dưới thuyền” gắn với văn hóa, du lịch có ý nghĩa cũng đã được đưa vào hoạt động, phát huy giá trị phi vật thể của di sản đô thị.

Ngay từ cuối năm 2015, thành phố đã triển khai tuyến du lịch đường thủy nội thị đầu tiên trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bằng thuyền mái che và thuyền phụng nhỏ chèo tay, lộ trình tuyến du lịch gồm 4,5km, đi qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận trong khoảng 1 giờ. Khách tham quan được nghe thuyết minh về lịch sử thành phố, thưởng thức đờn ca tài tử - cải lương, các trò chơi, thả hoa đăng... Thực tế, tour du lịch này đã trở thành một sản phẩm được du khách quan tâm.

Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Saigon Boat, ông chủ tuyến du thuyền kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cho biết cách đây 4 năm, khi định đầu tư tour du thuyền, ai cũng nói ông… điên. “Không điên sao được khi cái kênh hôi vầy mà nhảy vô làm du thuyền, làm du lịch? Và ước muốn biến kênh Nhiêu Lộc thành một “Venice” cho thành phố nữa? Ấy vậy mà, từ ước mơ đến thực tế giờ cũng đã nên hình nên dạng. Nước kêng không còn đen và hôi như trước, chúng tôi tái hiện cảnh “trên bến dưới thuyền”, đưa vào hoạt động 44 chiếc thuyền lớn nhỏ (thuyền phụng, thuyền quy). Tùy thời điểm nước nhỏ nước lớn, và nhu cầu của du khách mà mình tổ chức tour. Từ trên thuyền, khách có thể ngắm hai phố ẩm thực bình dân lớn nhất thành phố. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một bảo tàng sống, rất đẹp. Chỗ uốn khúc là dòng sông Bình Trị, khúc Tân Bình xuống thẳng là kênh Nhiêu Lộc, phần còn lại là rạch Thị Nghè. Từ 17 giờ 30 đến 18 giờ, ngắm hoàng hôn cực kỳ đẹp”, ông Xuân Anh chia sẻ.

Tuy nhiên, giữa niềm vui vì đã có một bảo tàng sống đô thị sông nước, ông Xuân Anh vẫn bày tỏ nhiều trăn trở. Ông nói: Thành phố mình có những con kênh đặc trưng, ý nghĩa vô cùng. Vậy mà, điều đau khổ là người dân thành phố mình chưa tham gia trải nghiệm nhiều các hoạt động “trên bến dưới thuyền”. Không mấy người dân mình biết rằng đang đi trên một vùng đất, vùng sông nước vô cùng giá trị mà tổ tiên để lại. Khách du lịch từ Hà Nội, phía Bắc và khách nước ngoài thì lại rất nhiều. Người đến TPHCM đều muốn tham gia tour “trên bến dưới thuyền” này, bởi gần như dạo qua nhiều nơi trong thành phố, ngắm nhìn đời sống sinh hoạt người dân đôi bờ.

* TS-KTS PHẠM PHÚ CƯỜNG - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM:

Các đường nước uốn lượn giữa hai bờ Đông và Tây sông Sài Gòn, hay dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt, cùng dải không gian bờ sông kéo dài hàng chục kilômét là không gian lý tưởng để kích hoạt các hoạt động công cộng đa dạng. Trong đó, việc làm hồi sinh, tái tạo khung cảnh - năng lượng sinh hoạt “trên bến dưới thuyền” vang bóng một thời chính là hoạt động văn hóa có ý nghĩa phát huy giá trị phi vật thể của di sản đô thị tại TPHCM

* Ông NGUYỄN VĂN MỸ - Chủ tịch HĐQT Lửa Việt Tour

Cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là kỳ tích của TPHCM. Nếu phải chọn một dấu ấn lớn của TPHCM trong 20 năm qua, tôi sẽ chọn điều này. Kênh Nhiêu Lộc là một bài toán về du lịch kết nối không gian văn hóa, đã được giải. Tuy nhiên, thành phố, đơn vị chuyên ngành cần tiếp tục tận dụng để phát triển hơn nữa; phải đẩy mạnh truyền thông, quảng bá cho người dân, du khách biết. Những dòng kênh khác, nếu muốn tái hiện “trên bến dưới thuyền”, kết nối không gian văn hóa và du lịch, trước tiên phải cải tạo kênh, sau đó mới mời nhà đầu tư vào cải thiện diện mạo. Vấn đề ở đây là cách làm và chừng nào làm? Chưa nói đến “thành phố thông minh”, ngay cả “thành phố bình thường” đã phải tính toán, có những không gian công cộng sông nước - một bản sắc riêng của TPHCM

Tin cùng chuyên mục