Bản nghèo vùi dưới đất đá

Mưa như trút nước kéo dài không ngớt trong ba ngày liền, từ chiều 9-10 đến sáng 12-10. Và một tai nạn bất ngờ ập đến, vào khoảng 1 giờ 10 sáng 12-10. Cả thác nước khổng lồ trắng xóa từ trên núi cao ập xuống, thổi băng đi một góc bản nghèo (bản Khanh) của xã Phú Cường, huyện vùng cao Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình; cả vạn khối đất trùm lên 7 căn nhà sàn, vùi theo 18 người dân. 
Nỗi đau của người thân nạn nhân mất tích và thiệt mạng vì sạt lở tại bản Khanh ngày 12-10
Nỗi đau của người thân nạn nhân mất tích và thiệt mạng vì sạt lở tại bản Khanh ngày 12-10
Trận lũ kinh hoàng ở Mù Cang Chải (Yên Bái) và Mường La (Sơn La) vừa diễn ra chưa được bao lâu, kéo theo hàng chục số phận chôn vùi trong dòng lũ cuốn thì rạng sáng qua 12-10, lại xuất hiện thêm cơn lũ ống mới ở thượng nguồn dòng sông Đà thuộc tỉnh Hòa Bình, nơi mà lịch sử từ trước đến nay chưa từng xảy ra trận lũ ống. 
Bản Khanh thuộc xã Phú Cường là một bản nghèo của người Mường sinh sống bao đời nay, vốn yên ả với những ngôi nhà sàn thơ mộng. Từ đây về TP Hòa Bình chỉ gần 50km, ra quốc lộ 6 cũng không bao xa. Khi các phóng viên có mặt tại tâm lũ quét, cảnh bản làng rất tang thương đau xót, tiếng khóc vang cả một góc đồi sạt lở rộng hoác do lũ xói. Tiếng khóc của những người có thân nhân, con cháu bị vùi trong bùn đất sâu và tiếng khóc của bà con xóm giềng không cầm được nước mắt khi chiều hôm trước còn gặp mặt nhau chuyện trò, chỉ sau một đêm mưa đã chia ly vĩnh viễn. 
Anh Đinh Công Ương (27 tuổi), một trong những người dân ở bản Khanh may mắn thoát chết khi thác nước đổ xuống, kể rằng, vào tầm 1 giờ sáng, mưa như trút. Anh đang ngủ thì nghe có tiếng động lớn từ trên núi cao, réo rất lạ như tiếng đất vỡ, cây nổ. Chỉ trong tích tắc, cả khối nước trắng xóa cùng đất đá ập xuống những ngôi nhà nằm bên dưới, rồi tiếng người lớn, trẻ con kêu la thảm thiết, cầu cứu. Tiếng người hô hoán chạy hỗn loạn trong đêm tối. Khối đất cứ đuổi dần theo bước chân chạy, có người vừa kịp thoát chết, nhưng có người bị bùn đất trùm lên. Bà Bùi Thị Thiết (49 tuổi) cho biết, mọi năm khi có mưa lớn, trên núi vẫn có nước lũ chảy về nhưng chỉ men theo lòng suối ở dưới chân đồi. Năm nay không hiểu vì sao lại có túi nước khổng lồ đổ xuống, hình thành con thác kéo theo cả núi đất đá hàng vạn mét khối ập xuống tận bản, cuốn vùi 7 căn nhà sàn. Những ngôi nhà nằm trên cao may mắn không bị nước cuốn. Mẹ con bà Thiết may mắn lao ra khỏi nhà thoát chết nhưng 4 người thân của họ đã bị vùi trong đất đá. 
Chỉ trong tích tắc, 18 người thiệt mạng và mất tích. Có những gia đình rất thương tâm khi cả nhà thiệt mạng như trường hợp vợ chồng chị Đinh Thị Đằng (39 tuổi) và anh Đinh Công Hưng (42 tuổi) cùng hai con trai là Đinh Công Nghĩa và Đinh Công Ngoan. Chị Bùi Thị Duyên, một người dân ở xã Phú Cường có người thân ở bản Khanh bị thiệt mạng nức nở: “Từ nhỏ đến giờ tôi chưa từng gặp vụ tai nạn nào đau xót và khủng khiếp như thế này”.
Trong số 18 người bị nạn có 2 người là cán bộ bản Khanh. Đó là ông Bùi Văn Hức, trưởng bản và ông Đinh Công Sinh, Phó chi hội trưởng chi hội nông dân bản. Theo bà con kể, do mưa lớn vào chiều 11-10 nên ông Hức cùng ông Sinh đi tới từng nhà để giúp bà con chằng chống, dựng lại nhà cửa, ở lại ăn cơm cùng gia chủ, đến đêm mưa to quá không về được nên ngủ lại. Nào ngờ đến tầm rạng sáng thì cả thác nước đổ về, cuốn đi tất cả.
Nhận được tin dữ, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình đã tập trung lực lượng, ngay trong đêm đến hiện trường để cứu hộ các nạn nhân mắc kẹt, đào bới đất tìm các nạn nhân. Đến sáng 12-10, thác nước vẫn đổ về cuồn cuộn nơi khe đồi nứt nham nhở, trời vẫn mưa, có hai điểm khác tiếp tục sạt lở trong khi lực lượng cứu hộ đang khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân mất tích.  
Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, từ 3 giờ sáng 12-10 đã huy động 400 người gồm công an, bộ đội, dân quân tham gia cứu nạn. Theo UBND tỉnh Hòa Bình, ngay trong buổi sáng 12-10 lực lượng cứu hộ đã tìm được 8 nạn nhân, chiều 12-10 tìm thêm được 1 nạn nhân nữa. Hiện lực lượng vẫn đang nỗ lực tối đa tìm kiếm các nạn nhân còn lại. Tuy nhiên công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn vì trời vẫn mưa tầm tã, thác nước vẫn đổ ra, nguy cơ đe dọa những căn nhà còn lại trong bản. Ngay sau khi xảy ra sự cố, UBND tỉnh Hòa Bình và UBND huyện Tân Lạc đã tổ chức hỗ trợ ban đầu cho các gia đình có người thiệt mạng với mức 8 triệu đồng/người chết.

Tin cùng chuyên mục