Trong khi đó, 2 cựu lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình là bị cáo Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BV tỉnh Hòa Bình) nhận mức án 30 tháng và Hoàng Đình Khiếu (nguyên Phó Giám đốc BV tỉnh Hòa Bình) bị phạt 36 tháng tù cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Chiều 30-1, phiên tòa xét xử 7 bị cáo trong vụ án tai biến chạy thận làm 9 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình) đã kết thúc sau 2 tuần xét xử. Thay mặt Hội đồng xét xử (HĐXX), Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Nghiêm Hoài Anh đã tuyên án đối với các bị cáo.
Theo bản án được tuyên, bị cáo Hoàng Công Lương (bác sĩ Đơn nguyên lọc máu, Khoa Hồi sức tích cực) bị phạt 42 tháng tù về tội "Vô ý làm chết người”.
Trong bản án, HĐXX nhận định đối với bị cáo Hoàng Công Lương có chứng chỉ hành nghề và được cấp chứng nhận về kỹ thuật lọc máu. Trước khi ra y lệnh chạy thận, bị cáo Lương chưa được ai bàn giao, chưa được thông báo hệ thống nguồn nước đã đảm bảo an toàn hay chưa, nhưng khi điều dưỡng Điệp thông báo, bị cáo Lương đã tin tưởng ra y lệnh chạy thận, dẫn đến chết người.
HĐXX cho rằng với kiến thức và trách nhiệm của mình, buộc bị cáo Lương phải biết được nguồn nước chưa đảm bảo gây nguy hiểm cho người bệnh. Theo HĐXX, bị cáo Lương đã cẩu thả, làm việc theo thói quen, bị cáo phải thấy trước được hậu quả khi ra y lệnh mà chưa chắc chắn nguồn nước đã đảm bảo hay chưa.
Đối với bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh), là người trực tiếp sửa chữa hệ thống RO số 2 tại Đơn nguyên Thận nhân tạo ngày 28-5-2017 đã không ngăn cản nhân viên y tế trong việc chạy thận cho bệnh nhân dù biết nguồn nước chưa được xét nghiệm. Hành vi này của Quốc là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, làm chết 9 người trong tổng số 18 bệnh nhân chạy thận vào ngày 29-5-2017. Do đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Bùi Mạnh Quốc 54 tháng tù về tội “Vô ý làm chết người”.
Đối với bị cáo Trần Văn Sơn (nhân viên phòng Vật tư – Thiết bị y tế, BV Hòa Bình), trong bản tuyên án, HĐXX nêu rõ, ngày 28-5-2017, Sơn chỉ kiểm tra đối chiếu các vật tư thay thế theo báo giá, sau đó đã về nhà mà không ở lại giám sát việc sửa chữa hệ thống RO số 2.
Khi được Quốc thông báo đã sửa chữa xong, Sơn cũng không kiểm tra lại những việc Quốc đã làm. Ngày 29-5-2017, biết Đơn nguyên Thận nhân tạo sử dụng nước chưa xét nghiệm nhưng Sơn đã không can ngăn, không hoàn thành trách nhiệm, không nhận thức được sự nguy hiểm khi sử dụng nước không đảm bảo để chạy thận.
Do đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Văn Sơn 42 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đối với 2 bị cáo Hoàng Đình Khiếu (nguyên Phó Giám đốc BV tỉnh Hòa Bình) và Trần Văn Thắng (nguyên Trưởng phòng Vật tư – Thiết bị y tế, BV Hòa Bình) cùng bị tuyên phạt 36 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong khi đó, bị cáo Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BV tỉnh Hòa Bình) và bị cáo Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn) cùng bị tuyên phạt 30 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong bản tuyên án cũng chỉ rõ, bị cáo Dương là người ký quyết định thành lập Đơn nguyên Thận nhân tạo, ký các hợp đồng với Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn nhưng đã không sâu sát trong quản lý, không bố trí người phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo, buông lỏng trong quản lý trong thời gian dài.
Bị cáo Dương cũng không nhắc nhở với Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn về thực hiện đúng, đủ theo hợp đồng đã được ký kết. Chính việc thiếu trách nhiệm này là một trong những nguyên nhân dẫn vụ tai biến chạy thận nghiêm trọng tại BV Hòa Bình.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX cho biết, các khoản chi phí hợp lý được chấp nhận gồm chi phí mai táng theo mức chung cho các trường hợp. Ngoài ra, bị đơn dân sự phải bồi thường tổn thất tinh thần 130 triệu đồng (100 tháng lương cơ sở) cho mỗi gia đình nạn nhân có người tử vong.
HĐXX cũng buộc các bên có nghĩa vụ bồi thường cho những bệnh nhân cấp cứu, mỗi bệnh nhân được nhận mức bồi thường 50 triệu đồng. Về các khoản bồi thường nói trên, HĐXX tuyên buộc BV Hòa Bình và Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn phải có trách nhiệm liên đới bồi thường. Trong đó, BV tỉnh Hòa Bình phải chịu trách nhiệm chính trong việc bồi thường với mức 70%, Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn chịu 30% nghĩa vụ bồi thường. Hai bên có quyền yêu cầu xem xét giải quyết trong một vụ kiện dân sự nếu có yêu cầu.
Đáng chú ý, HĐXX cũng kiến nghị Viện Kiểm sát nhân dân TP Hòa Bình khởi tố bị can đối với ông Hoàng Công Tình (Phó Khoa Hồi sức tích cực, BV Hòa Bình) do thấy có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong vụ án tai biến chạy thận tại BV Hòa Bình.