ASEAN công bố lập trường chung về biển Đông

Khác với tuyên bố đầy hy vọng của Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa, ngày 20-7, ASEAN đã không đưa ra được tuyên bố chung về các vấn đề tranh chấp trên biển Đông mà ngoại trưởng 10 nước ASEAN chỉ thông qua lập trường chung gồm 6 điểm về vấn đề biển Đông.
ASEAN công bố lập trường chung về biển Đông

Khác với tuyên bố đầy hy vọng của Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa, ngày 20-7, ASEAN đã không đưa ra được tuyên bố chung về các vấn đề tranh chấp trên biển Đông mà ngoại trưởng 10 nước ASEAN chỉ thông qua lập trường chung gồm 6 điểm về vấn đề biển Đông.

  • 6 quan điểm chung của ASEAN về vấn đề biển Đông

Phát biểu với báo giới chiều ngày 20-7, Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa cho biết các quốc gia Đông Nam Á đã thông qua lập trường chung về vấn đề tranh chấp trên biển Đông. Các hãng tin lớn cho biết đó cũng không phải là tuyên bố chung mà nhiều người chờ đợi. Tuy vậy, Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa đề xuất khối ASEAN sẽ ra một dạng tuyên bố chung, trong đó thông qua cả 6 nguyên tắc sẽ được sử dụng để đàm phán với Trung Quốc trong đàm phán chính thức ASEAN - Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới, nhưng sẽ không đề cập đến một số vấn đề cụ thể ở biển Đông.

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa (trái) hội đàm với Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong (phải) trong chuyến ngoại giao con thoi ngày 19-7 tại Phnôm Pênh.

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa (trái) hội đàm với Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong (phải) trong chuyến ngoại giao con thoi ngày 19-7 tại Phnôm Pênh.

Cũng tại cuộc họp báo chiều 20-7, thay mặt nước chủ tịch luân phiên ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong đã công bố “Nguyên tắc 6 quan điểm chung của ASEAN về vấn đề biển Đông”. Các ngoại trưởng ASEAN khẳng định: Thực thi đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà ASEAN và Trung Quốc đã ký năm 2002; ủng hộ đầy đủ các chỉ dẫn DOC; thiết lập một bộ quy tắc ứng xử khu vực về biển Đông; tôn trọng đầy đủ nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế bao gồm Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); các bên tuyên bố chủ quyền tiếp tục tự kiềm chế và không sử dụng vũ lực; tuân thủ giải pháp hòa bình giải quyết các xung đột phù hợp với các nguyên tắc chung đã được thừa nhận trong luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS.

Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN quyết tâm tăng cường tham vấn trong ASEAN nhằm thúc đẩy những nguyên tắc nói trên, nhất quán với Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (1976) và Hiến chương ASEAN (2008).

Thông báo trên của ASEAN được đưa ra sau khi Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 diễn ra tại Phnôm Pênh kết thúc ngày 13-7 đã không ra được tuyên bố chung do bất đồng về việc đề cập tranh chấp ở biển Đông.

  • ASEAN đã tìm lại chính mình?

Dư luận thế giới nhận định dù không đạt được một văn bản gọi là tuyên bố chung nhưng việc đạt được lập trường chung về vấn đề biển Đông cho thấy ASEAN vẫn duy trì được truyền thống của mình. Trong cuộc họp báo, Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa cho biết ASEAN đã học được bài học từ sự bất hòa ở Phnôm Pênh. Ông cũng khẳng định “chỉ có thể thấy một ASEAN là trung tâm của khu vực khi bản thân ASEAN phải thống nhất và gắn kết” và “tuần trước chúng ta gặp thử thách, đã có nhiều khó khăn nhưng chúng ta đã lớn khôn hơn”.

Phản ứng về việc ASEAN không đưa ra được một tuyên bố chung sau nhiều giờ tham vấn, Ngoại trưởng Indonesia khẳng định: “Mặc dù có những khác biệt nhưng sự thật là ASEAN vẫn đoàn kết”. Theo ông, ASEAN đã định hình lại sau 36 giờ ngoại giao con thoi của Indonesia gồm các chuyến thăm và làm việc, trao đổi qua điện thoại.

Còn theo giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, việc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tuần trước không đưa ra được thông cáo chung và việc đàm phán về COC là hai vấn đề riêng biệt. Theo ông, trên thực tế, các ngoại trưởng ASEAN đã đạt được thỏa thuận về những thành tố quan trọng trong COC.

Trang mạng “Dầu khí nước Nga” đưa tin Trung Quốc gây hấn ở biển Đông để đánh lạc hướng dư luận người dân trong nước. Báo trên nhận định rằng trong trường hợp Bắc Kinh muốn tiến tới, Trung Quốc sẽ gặp phản ứng không chỉ từ phía Việt Nam mà còn có cả Nga và Mỹ. Báo trên dẫn ý kiến của Giám đốc Học viện Năng lượng quốc gia Nga Sergei Pravosudov cho rằng trong điều kiện Iran bị cấm vận, Trung Quốc quay sang gọi thầu trong các lô của Việt Nam ở biển Đông, nơi mà các công ty của Nga và Mỹ là Gazprom và Exxon đang hoạt động.

Theo ông Pravosudov, một mặt Nga là đối tác của Trung Quốc nhưng mặt khác phía Trung Quốc lại đang mời thầu tại nơi mà Gazprom đã ký hợp đồng. Cũng theo báo trên, tình hình chính trị nội bộ Trung Quốc (như vụ Bạc Hy Lai) có thể đóng vai trò quan trọng trong việc gây sóng gió ở biển Đông. Mùa thu năm nay ở Trung Quốc sẽ có sự chuyển giao quyền lực, vốn đang dẫn tới đấu tranh nội bộ quyết liệt trong ban lãnh đạo nước này. Báo trên nhận định rằng lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách đánh lạc hướng dư luận khỏi các thông tin không mấy dễ chịu trên.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục