Cổng thông tin giao thông phát huy hiệu quả

Sau 2 tháng đầu đưa vào hoạt động, Cổng Thông tin giao thông TPHCM đã chứng tỏ tính khả dụng, sự hữu ích cho cả người dân và ngành giao thông vận tải (GTVT) TPHCM.

Sau 2 tháng đầu đưa vào hoạt động, Cổng Thông tin giao thông TPHCM đã chứng tỏ tính khả dụng, sự hữu ích cho cả người dân và ngành giao thông vận tải (GTVT) TPHCM.

Theo dõi giao thông TPHCM qua Cổng Thông tin giao thông trong Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn. Ảnh: CAO THĂNG

Thêm kênh kết nối

Một tuần trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, chiều 19-1, Sở GTVT chính thức công bố đưa vào sử dụng Cổng Thông tin giao thông TPHCM, một dạng bản đồ số giao thông. Về mặt kỹ thuật, cổng thông tin này hoạt động trên nền bản đồ số trực tuyến thông qua website tại địa chỉ: giaothong.hochiminhcity.gov.vn và ứng dụng trên thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android OS và IOS. Đây được xem là kênh giao tiếp hai chiều: Vừa cung cấp thông tin về tình trạng giao thông theo thời gian thực, các thông tin tiện ích, công cụ tìm đường cho người tham gia giao thông và sắp tới sẽ có thêm chức năng tiếp nhận và phản hồi trực tuyến các phản ánh của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về các sự cố hạ tầng giao thông, tình trạng giao thông.

Việc đưa vào sử dụng Cổng Thông tin giao thông TPHCM (đặt tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn - TTQLHSG) có thể xem như một điểm sáng nữa của ngành GTVT, bởi vì ngoài Cổng Thông tin giao thông TPHCM này, trước đó Sở GTVT cũng đã lần lượt đưa vào vận hành một loạt ứng dụng phần mềm trong chiều hướng tăng cường tương tác với người dân thành phố. Có thể nhắc đến phần mềm thông tin xử lý hạ tầng kỹ thuật có tên gọi “Phản ánh sự cố hạ tầng”, có thể dễ dàng cài đặt trên điện thoại thông minh dùng hệ điều hành Android và IOS, nhờ đó người dân có thể chụp ảnh và gửi tin phản ánh các sự cố hạ tầng về Sở GTVT. Một công cụ khác là trang facebook của Sở GTVT với đường link https://www.facebook.com/sgtvthcm. Khi vào trang facebook này, người dân có thể trực tiếp phản ánh các bất cập hoặc nêu các ý kiến, đề xuất của bản thân liên quan đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông. Ngoài ra, ngay tại đầu mối tiếp nhận là TTQLHSG còn có 2 đường dây nóng khác là 1800.599.938 của TTQLHSG và phần mềm Metronet tiếp nhận thông tin 1022 được Sở GTVT tiếp nhận từ Tổng công ty Điện lực TPHCM hồi đầu năm 2016. Cả hai đường dây nóng 1800.599.938 và 1022 đều hoạt động 24/24 giờ và hoàn toàn miễn phí cho các cuộc gọi đến báo tin. Điều đáng ghi nhận là mặc dù vẫn còn mới nhưng Cổng Thông tin giao thông TPHCM cũng như các kênh nối kết khác nêu trên, đang nhận được sự quan tâm, hưởng ứng từ phía người dân thành phố.

Nhiều hứa hẹn

Tính đến nay, Cổng Thông tin giao thông TPHCM đã có khoảng nửa triệu lượt truy cập và từ website là hơn 100.000 lượt. Tổng cộng có gần 70.000 lượt tải ứng dụng về sử dụng; trong đó, riêng các thiết bị di động dùng hệ điều hành Android đã tải về hơn 40.000 lượt. Trung bình tại một thời điểm có từ 250 - 500 người sử dụng Cổng Thông tin giao thông, thời điểm cao nhất đạt khoảng 4.100 người sử dụng.

Chỉ trong tháng 2, hệ thống đã đăng 18.166 cảnh báo tình trạng đông xe, ùn tắc giao thông tại 154 vị trí trên toàn địa bàn thành phố; trong đó, thông qua hệ thống camera giám sát giao thông, nhân viên vận hành tại TTQLHSG đã chủ động đăng gần 400 tin cảnh báo đông xe.

Mới đây nhất, vào tuần đầu tiên của tháng 3, Sở GTVT đã công bố version 3.1.0 của Cổng Thông tin giao thông TPHCM với nhiều tính năng mới bổ sung, như cập nhật hệ thống camera ở các khu vực công trường thi công tại cầu Nhị Thiên Đường (quận 8), nút giao An Sương (quận 12), ngã tư Gò Mây (quận Bình Tân), khu vực xây dựng công trình cầu vượt Trường Sơn - Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài (quận Tân Bình), cầu vượt vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp). Hiện nay đang có tổng cộng 340 camera kết nối về TTQLHSG, trong đó bình quân từ 280 - 300 camera luôn ở trạng thái online. Version 3.1.0 của Cổng Thông tin giao thông TPHCM còn có tính năng cung cấp thông tin về phân luồng, điều chỉnh giao thông và các thông tin chuyên ngành khác từ Sở GTVT hoặc tính năng về dữ liệu tốc độ giao thông theo thời gian thực được nâng cao mức độ chính xác với hơn 10.000 GPS phương tiện được tiếp nhận và xử lý từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Bên cạnh các tính năng đang khai thác như thông tin về tình hình giao thông theo thời gian thực, thông tin hình ảnh qua camera giám sát, thông tin vận tốc cho phép lưu thông trên các tuyến đường, thông tin rào chắn thi công công trình, thông tin vị trí bãi đậu xe trong các tòa nhà và trung tâm thương mại, thông tin các tuyến đường cho phép đậu xe, thông tin hướng dẫn lộ trình lưu thông… trong thời tới, Cổng Thông tin giao thông TPHCM sẽ còn tăng thêm nhiều tính năng hữu dụng khác. Ông Lê Minh Triết, Giám đốc TTQLHSG, cho biết trong tháng 3 này, Cổng Thông tin giao thông sẽ có thêm các mảng thông tin về ngập nước và ô nhiễm không khí thông qua sự phối hợp với Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM và Trung tâm Quan trắc - Môi trường (Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM).

Trong chiều hướng hoàn thiện và xây dựng các chức năng thông tin mới phục vụ tốt nhất cho người dân thành phố, Cổng Thông tin giao thông TPHCM sẽ còn được từng bước tăng cường, bổ sung nhiều tính năng hơn nữa, chẳng hạn như tính năng cung cấp thông tin giao thông bằng giọng nói; quản lý các điểm đón trả khách trên tuyến cố định; liên thông các thông tin về xe buýt lên hệ thống Cổng Thông tin; quản lý thông tin và hướng dẫn người tham gia giao thông tìm kiếm vị trí đậu xe, cung cấp các thông tin về số chỗ đậu xe, số chỗ đậu xe còn trống, giá vé…

Theo nhận xét của ông Lê Minh Triết, Cổng Thông tin giao thông TPHCM là một trong những nỗ lực của ngành GTVT để thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2016-2020. Giải pháp này đã mang lại hiệu quả không chỉ trong việc cung cấp thông tin cho người dân mà còn hỗ trợ trong công tác quản lý của ngành. Đây còn là kênh kết nối, tương tác giữa Sở GTVT và người dân, phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ hiện đại. Cụ thể đối với cơ quan quản lý Nhà nước, những kênh kết nối này đã giúp Sở GTVT phục vụ người dân tốt hơn, đồng thời tiếp nhận thông tin từ người dân một cách nhanh chóng, thiết thực để sở kịp chỉ đạo các cơ quan quản lý địa bàn trực thuộc khắc phục sự cố, qua đó góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn. Trong khi đó, người dân có thể dễ dàng nắm bắt tình hình giao thông đi lại theo thời gian thực cũng như phản ánh sự cố hoặc tham gia ý kiến, đề xuất của bản thân liên quan đến việc quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật nơi họ sinh sống.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục